[Báo Đại biểu Nhân dân] Thí sinh nên nghe tư vấn từ người thân để tránh chọn ngành theo "cảm tính"
Khi chọn ngành học, các em cũng nên nghe tư vấn từ người thân và những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Bởi nhiều khi em thích ngành này chỉ là “cảm tính”, vì chạy theo số đông, nên cần thêm sự phân tích từ mọi người xung quanh.
PGS.TS Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chia sẻ với các thí sinh như vậy trong buổi Giao lưu trực tuyến về tuyển sinh 2023 do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức.
PGS.TS Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Ngành học nào đón đầu xu thế 4.0?
- Thưa PGS.TS Phạm Văn Bổng, theo ông, trong thời cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đâu là ngành nghề giàu tiềm năng phát triển, có nhu cầu về nguồn nhân lực lớn?
PGS.TS Phạm Văn Bổng: Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, những lĩnh vực đang có sức hút lớn, thu hút số lượng đông đảo thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học bao gồm Kinh doanh và quản lý, Máy tính và Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có đào tạo những khối ngành này, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong xu hướng phát triển hiện nay.
Ngày nay, những ngành nghề liên quan đến “công nghệ 4.0” nổi lên, như Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Điện tử,… Nhưng không phải nổi lên giống như một “trào lưu mới, mốt mới”, mà là từ nhu cầu thực tế đang cần.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh với thí sinh rằng, khi lựa chọn một ngành để theo học, các em không nhất thiết căn cứ vào việc ngành đó “hot” hay “không hot”, mà phải xem bản thân có phù hợp hay không. Trong xu hướng công nghệ 4.0, tất cả lĩnh vực đều có xu hướng liên quan đến công nghệ thông tin, không nên bóc tách riêng ra.
Có những ngành tâm lý mọi người có vẻ không thích, ít thí sinh lựa chọn theo học. Thế nhưng, nhu cầu từ xã hội không phải là không cần. Ngay ở trường chúng tôi, trước đây, có những ngành mà các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp chờ đợi để tuyển dụng sinh viên, nhưng cũng không đủ số lượng cho họ tuyển dụng.
- Vậy giữa rất nhiều ngành học, để chọn đúng ngành học cho bản thân, thí sinh cần dựa vào những tiêu chí nào? Ông có thể đưa ra lời khuyên cho các thí sinh xét tuyển đại học năm nay?
PGS.TS Phạm Văn Bổng: Làm về công tác tuyển sinh và đào tạo rất nhiều năm nay, lời khuyên đầu tiên tôi muốn nhắn nhủ tới các em là đừng vội chọn trường. Trước hết, các em hãy xem mình đam mê, yêu thích với ngành nghề nào. Việc này cần cân nhắc rất kỹ, không phải đến ngày đăng ký mới suy nghĩ, băn khoăn.
Bước thứ hai, hãy nghĩ đến năng lực bản thân của mình, suy nghĩ xem em có đủ khả năng để theo đuổi đam mê, đáp ứng được những yêu cầu của ngành này hay không. Nếu chỉ yêu thích nhưng năng lực mình có hạn thì cũng không nên theo đuổi.
Thứ ba, ngoài đam mê, năng lực, thí sinh còn phải xem xét tới điều kiện gia đình và điều kiện vị trí địa lý, xem có phù hợp không. Bản thân các em muốn học, nhưng gia đình không đủ điều kiện để đáp ứng thì cũng không thể.
Thứ tư, các em cũng nên nghe tư vấn từ người thân và những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Bởi nhiều khi em thích ngành này chỉ là “cảm tính”, vì chạy theo số đông, nên cần thêm sự phân tích từ mọi người xung quanh.
Sau khi đã xác định được ngành nghề phù hợp theo 4 bước trên, lúc này các em mới tiến đến việc chọn trường trong các trường có đào tạo ngành đó. Nhiều thí sinh bây giờ đua nhau chọn trường trước rồi mới chọn ngành sau, tôi cho rằng điều này có thể dẫn đến sai lầm.
Tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chúng tôi, ở khối lĩnh vực công nghệ hiện có rất nhiều ngành nghề. Thí sinh hướng vào khối ngành này đa số đã suy nghĩ rất kỹ. Tuy nhiên, cũng cá biệt có những em vào học rồi mới thấy lựa chọn của mình không hợp lý.
Về nhà phía nhà trường, với những trường hợp này, chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ được phần nào. Nếu các em muốn học sang ngành khác trong cùng khối, cùng nhóm ngành nghề thì sau 1 năm đầu tiên, nếu đáp ứng đủ các tiêu chí, nhà trường đồng ý cho các em học.
Tuy nhiên cũng có những sinh viên vào học rồi mới thấy đam mê của mình là ở lĩnh vực khác. Trường hợp này để chuyển ngành, chuyển trường sẽ khó khăn hơn rất nhiều, các em cũng phải “trả giá” bằng việc bỏ phí 1 - 2 năm học.
Cho nên, việc lựa chọn ngành nghề đúng ngay từ đầu rất cần thiết. Các em cần có sự lựa chọn, cân nhắc cho hợp lý từ những tiêu chí tôi nêu ra.
PGS.TS Phạm Văn Bổng cùng các vị khách mời tham dự chương trình Giao lưu trực tuyến của Báo Đại biểu Nhân dân
2 đơn vị làm nhiệm vụ giúp sinh viên có cơ hội việc làm
- Ông vừa nhắc đến những ngành nghề giàu tiềm năng phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Vậy Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang tập trung đào tạo những ngành mũi nhọn nào? Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về chính sách học bổng cũng như cơ hội việc làm cho sinh viên theo học các ngành này?
PGS.TS Phạm Văn Bổng: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo tổng số 51 ngành và chương trình đào tạo. Chúng tôi có truyền thống trong đào tạo khối công nghệ, nên hướng trọng tâm vào đó, chứ không xác định ngành nào là ngành mũi nhọn.
Về vấn đề chính sách hỗ trợ cho sinh viên, ngoài những sinh viên thuộc đối tượng chính sách được nhận chế độ theo Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, nhà trường cũng có một số chính sách hỗ trợ.
Thứ nhất, nhà trường có chính sách học bổng tuyển sinh đối với những thí sinh có kết quả cao theo từng tổ hợp xét tuyển. Các em đạt điểm cao nhất khi nhập học sẽ được miễn học phí cả 4 năm học (trừ những môn sinh viên phải học lại nếu có).
Các em ở vị trí Á khoa trong tất cả các tổ hợp sẽ được miễn học phí năm thứ nhất. Ngoài ra, nhà trường cũng dành khoảng 100 suất học bổng cho những thí sinh điểm cao kế tiếp, mỗi suất trị giá 5.000.000 đồng.
Trong quá trình học, nhà trường cũng có học bổng kết quả học tập, căn cứ vào kết quả học của sinh viên để trao thưởng. Mỗi năm, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dành ra khoảng 15 tỷ đồng cho quỹ học bổng này. Sinh viên muốn nhận học bổng không còn cách nào khác ngoài việc phấn đấu học tốt.
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vô địch cuộc thi Robocon Việt Nam 2023, sẽ đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế ABU Robocon tháng 8 năm 2023 tại Campuchia
Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn duy trì học bổng của doanh nghiệp, hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên trong các đợt thực tập hoặc đến trao trực tiếp tại trường. Tính riêng năm 2022, nguồn học bổng này ở mức 28 tỷ đồng.
Chúng tôi cũng có quỹ học bổng khuyến học Nguyễn Thanh Bình (quỹ học bổng được thành lập năm 2003, từ số tiền 100 triệu đồng do bác Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Bộ chính trị trao tặng). Quỹ này tiếp tục được duy trì với sự đóng góp của cán bộ, giảng viên, giáo viên và sinh viên các thế hệ dành cho những sinh viên có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vươn lên học tập.
Vấn đề giúp đỡ sinh viên có cơ hội việc làm sau này cũng là định hướng nhà trường quan tâm. Hiện nay, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 2 đơn vị lo việc này.
Đơn vị đầu tiên là công ty đào tạo và cung ứng nhân lực, được nhà trường thành lập 20 năm nay, có nhiệm vụ làm việc, hợp tác với đối tác là các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm nơi thực tập cho sinh viên trong quá trình theo học. Bên cạnh đó, tìm kiếm nơi làm việc cho sinh viên sau quá trình học, chủ yếu với các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…
Đơn vị thứ hai là trung tâm hợp tác doanh nghiệp, có nhiệm vụ quan hệ với tất cả đối tác là các doanh nghiệp trong nước để tìm kiếm nơi thực tập cho sinh viên. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội việc làm, sau đó tổ chức các Ngày hội việc làm cho sinh viên.
Nhờ đó, rất nhiều sinh viên của chúng tôi đã có việc làm ngay từ trên ghế giảng đường. Theo khảo sát những năm vừa qua, tất cả các ngành nghề nhà trường đang đào tạo, tới ngày sinh viên nhận bằng tốt nghiệp thì có trung bình 70% các em đã có việc làm.
Sau một năm ra trường, trên 90%, có những khóa lên đến 95% sinh viên có việc làm. Những kết quả này đã khẳng định nỗ lực của nhà trường trong việc chủ động hỗ trợ sinh viên các cơ hội tìm kiếm việc làm.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Cân nhắc mức điểm của mình để lựa chọn ngành phù hợp
- Thời gian thí sinh đăng ký xét tuyển đại học đang tới gần, ông có lời khuyên gì cho các em trong việc sắp xếp nguyện vọng để đạt được kết quả cao nhất?
PGS.TS Phạm Văn Bổng: Quy chế về tuyển sinh của Bộ GD-ĐT những năm gần đây rất mở, tạo điều kiện cho người học rất nhiều. Khác với thời trước, các em chỉ được đăng ký ít nguyện vọng thì hiện nay, chúng ta được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng, đặc biệt được đăng ký cả sau khi đã biết điểm thi.
Tôi muốn nhắn nhủ rằng, điểm chuẩn qua các năm ở từng trường còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chất lượng của người học, đề thi, số người đăng ký vào ngành đó của trường đó,… Tuy nhiên, chỉ cần quan sát vài năm gần đây, các em sẽ thấy có một khoảng tương đối để xem năng lực của mình có phù hợp không.
Các em nên chọn ngành nào mình thích nhất, tại ngôi trường yêu thích nhất đặt lên nguyện vọng số một, sau đó lần lượt tới các nguyện vọng tiếp theo. Mình có sự tìm hiểu về việc đặt thứ tự nguyện vọng thì không lo gì không có cơ hội.
Tuy nhiên, để hạn chế bớt việc đặt nguyện vọng không đúng gây lãng phí, các em cũng cần cân nhắc mức điểm của mình liệu có phù hợp với trường đó, ngành đó hay không.
Ví dụ nếu em chỉ được 16 điểm, nhưng lại muốn chọn những ngành hot, tại các trường “top 1” thì điều này là quá khó. Như tôi đã nói, hãy nhìn ngưỡng điểm hàng năm của từng trường để đưa ra dự kiến khoảng điểm phù hợp.
Cho nên, các em cần mạnh dạn chọn ngành học mình yêu thích nhất, nhưng cũng cần có cơ sở mới là sự lựa chọn hợp lý.
- Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Văn Bổng đã chia sẻ!
Nguồn:Báo Đại biểu Nhân dân