[baovanhoa] Xác định rõ vai trò của các bên trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch
VHO - Ngày 14.11, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của các bên liên qua trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong chủ trì Hội thảo.
Hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của các bên liên qua trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến
Hội thảo do Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) thực hiện với sự tham dự trực tiếp của 100 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ LĐTBXH, các Sở VHTTDL, Sở Du lịch, Sở VHTT; các cơ sở đào tạo về du lịch; các hội, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan đến hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; đại diện các cơ quan báo chí.
Phối hợp tổng thể
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội hàm văn hóa sâu sắc, vì thế, phát triển du lịch cần sự phối hợp rất cao của các bên liên quan. Tôi đánh giá cao vai trò của các bên trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam”.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực của Vụ Đào tạo trong việc tổ chức Hội thảo này với thời gian chuẩn bị không dài. “Hội thảo hôm nay là sự khởi đầu của vấn đề khoa học, thực tiễn trong lĩnh vực du lịch và cần có sự giải mã, kết nối, giám sát của các bên. Các bên liên quan sẽ đặt ra vấn đề thống nhất giữa yêu cầu của nhà nước về định hướng phát triển và nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, thể hiện được bức tranh tổng thể của đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Việt Nam; có những kiến giải ở tầm quốc gia, từ góc nhìn của các bên”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, du lịch là ngành kinh tế nhưng văn hóa là “linh hồn” của du lịch, du lịch lại là “đôi cánh” của văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch, nguồn thu từ du lịch tái đầu tư cho văn hóa…
“Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới nên cần có sự thay đổi mạnh mẽ để theo kịp sự phát triển của thời đại. Về du lịch, chúng ta cần phải đặt vấn đề tổng kết 10 thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xem xét, sửa đổi Luật Du lịch và đánh giá việc đưa Luật vào cuộc sống… Trong tất cả các văn kiện, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước liên quan đến du lịch thì vấn đề nguồn nhân lực du lịch được quan tâm nhất”, Thứ trưởng phát biểu.
Thứ trưởng cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đang rất cấp thiết và quan trọng khi chúng ta định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và cần được thảo luận, nghiên cứu nhiều hơn để giải mã được các vấn đề liên quan tới phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Hội thảo sẽ bổ sung các hệ thống lý luận, khoa học và thực tiễn, nhằm phát triển một cách bền vững. Sau hội thảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp phải chắt lọc được các giá trị tinh túy, xác định rõ trách nhiệm của các bên.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo: “Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực du lịch đang trở thành yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo này sẽ đề ra định hướng và các giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch, lảm rõ vai trò của các bên liên quan”.
Yêu cầu đối với đào tạo nguồn nhân lực hiện nay là đảm bảo về quy mô, hợp lí về cơ cấu chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ tinh thông, tính chuyên nghiệp cao; năng lực ngoại ngữ, tin học đáp ứng đáp ứng vị trí làm, bối cảnh chuyển đổi số; có năng lực giao tiếp, làm việc trong môi trường đa văn hóa và tính nhạy cảm nghề nghiệp, năng lực thích ứng với môi trường, con người biến động thay đổi.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuấn báo cáo đề dẫn Hội thảo
Thời gian vừa qua, công tác đào tạo có kết quả nhất định, nhưng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTBXH tính đến tháng 8.2024, cả nước có 407 cơ sở đào tạo ngành Du lịch.
Trong đó có 110 trường Đại học có Khoa Du lịch, 174 trường Cao đẳng, trong đó 10 trường Cao đẳng chuyên đào tạo về du lịch, 122 trường Trung cấp đào tạo ngành Du lịch, trong đó 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp. Về chương trình đào tạo, tổ chức 55 ngành với 123 chuyên ngành về du lịch và liên quan đến du lịch.
“Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng phát triển nguồn nhân lực du lịch, những khó khăn, vướng mắc mà ngành đang gặp phải; đánh giá vai trò của các bên liên quan trong vấn đề này, đề xuất các giải pháp nhằm tối ưu hóa việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng xu hướng phát triển du lịch thông minh”, ông Lê Anh Tuấn nói.
Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu kết luận Hội thảo
Giải pháp đồng bộ
Sau phần khai mạc, Hội thảo chia làm 3 chuyên đề thảo luận gồm: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch gắn với chuyển đổi số; Vai trò của các bên trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo ngành, theo lĩnh vực.
Trình bày tham luận “Vai trò của các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng về du lịch trong bối cảnh công nghệ và chuyển đổi số”, PGS.TS Nguyễn Đức Thắng, Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á; Tổng Thư ký LCH Đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng: Để phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ số, chuyển đổi số cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
“Theo đó, trước hết, cần bắt đầu từ cơ sở đào tạo, phải đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt quan tâm đến ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thực tế, thực hành, thực tập. Ngoài ra, từ vấn đề nội tại, mỗi người lao động trong ngành cần tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ - đặc biệt là kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc, sẵn sàng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới phục vụ công việc của bản thân”, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý du lịch các cấp, cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của đội ngũ người lao động, khách du lịch và cộng đồng về cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch.
Tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch cũng là những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho lực lượng lao động toàn ngành.
Để phát triển du lịch bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, theo ông Thắng, cần phải rà soát, đánh giá lại, đầu tư, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch.
Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, cũng có thể kỳ vọng khi du lịch từng bước phục hồi, các địa phương và doanh nghiệp cũng sẽ có các biện pháp thích hợp để dần dần khôi phục lại và phát triển nhân sự cho mình.
TS. Nguyễn Phương Thảo, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định vai trò quan trọng và không thể thiếu của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Sự tham gia của doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giúp sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật kiến thức mới và mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bà Nguyễn Phương Thảo cho rằng, các hình thức hợp tác đa dạng giữa nhà trường và doanh nghiệp, bao gồm chương trình thực tập, tham gia giảng dạy, đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo, tài trợ, tuyển dụng, đều góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, gắn kết nhà trường với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhà trường cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp thông qua việc chủ động tìm kiếm, thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững với các doanh nghiệp du lịch.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, cập nhật để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, tăng cường các học phần thực hành và thực tập tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp thông qua các buổi tham quan, kiến tập và giao lưu.
Ngoài ra, việc nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên bằng cách cử đội ngũ giảng viên tham gia các khóa đào tạo tại doanh nghiệp và mời chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy cũng rất quan trọng.
Doanh nghiệp du lịch cần chủ động tham gia vào quá trình đào tạo bằng cách tiếp nhận sinh viên thực tập, tham gia giảng dạy và đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo, đồng thời cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực và xu hướng phát triển của ngành để giúp nhà trường điều chỉnh chương trình phù hợp.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, nhiều vấn đề đặt ra tại Hội thảo lần này như: Định hướng đào tạo; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học; xu hướng trong đào tạo nguồn nhân lực; chương trình, phương thức đào tạo; hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực… rất thiết thực và ý nghĩa.
Tuy nhiên, Hội thảo hôm nay là hội thảo nguồn, mang tính định hướng. Những vấn đề nêu trên cần tiếp tục được đề cập sâu hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Du lịch Việt Nam.
Nguồn: Báo Văn Hóa