[congthuong] Vì sao điểm chuẩn khối trường ngành Công Thương tăng cao?
Năm nay, điểm chuẩn nhiều trường thuộc ngành Công Thương tăng cao, đặc biệt là các ngành “hot” như Logistics, Thương mại điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện,…
Đến thời điểm hiện tại, hơn 170 trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT 2024. Năm nay, điểm chuẩn nhiều ngành tăng cao so với năm 2023, vượt ngoài dự kiến của các trường. Trong đó, có các trường thuộc ngành Công Thương.
Cụ thể, tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, điểm chuẩn năm 2024 của nhà trường dao động từ 18 - 26 điểm. Đáng chú ý, có các ngành: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật nhiệt; Luật quốc tế tăng cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - cho biết, điểm chuẩn phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của trường tăng ở cả chương trình đại trà và chương trình tăng cường tiếng Anh. Mức tăng cao nhất đến 2,5 điểm ở các ngành: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật nhiệt; Luật quốc tế. Hai ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là Kinh doanh quốc tế và Luật kinh tế với 26 điểm; nhiều ngành có điểm chuẩn từ 24 điểm trở lên.
Tuy nhiên, cũng có một số ngành/nhóm ngành thuộc chương trình tăng cường tiếng Anh thí sinh chỉ cần đạt 18 điểm trúng tuyển như: Công nghệ kỹ thuật nhiệt; Công nghệ hóa học; Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm.
Năm 2024, số lượng nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh là gần 10.000 thí sinh, tăng 2.000 so với năm trước. Nếu tính cả ba nguyện vọng đầu, số lượng khoảng 30.000. “Riêng số thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký nguyện vọng 1 là 4.500. Những thí sinh này chắc chắn trúng tuyển. Như vậy, trường còn hơn 50% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT” - TS. Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.
Sinh viên học thực hành tại Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Ảnh nhà trường cung cấp
Tương tự, tại Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh đa số các ngành điểm chuẩn tăng 1 - 3 điểm so với năm ngoái, tăng mạnh nhất là ngành Luật kinh tế.
Theo đó, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh lấy điểm chuẩn từ 17 - 24,5. Ngành cao nhất là Marketing. Theo sau là hai ngành Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cùng lấy 23,75 điểm. Các ngành còn lại có mức trúng tuyển từ 17 - 23,25 điểm.
TS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, so với năm ngoái, ngành có mức tăng nhiều nhất tầm 3 điểm. Những ngành năm ngoái điểm chuẩn sát điểm sàn thì năm nay tăng 1 điểm.
Lý giải về mức điểm chuẩn tăng cao so với năm ngoái, TS. Phạm Thái Sơn nói, năm nay, số nguyện vọng đăng ký vào trường tăng kỷ lục, nếu năm 2023 trường có khoảng 36.000 nguyện vọng đăng ký, năm nay có tới 75.000 nguyện vọng. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh đăng ký cũng tăng gấp 2 lần nên điểm chuẩn cũng tăng cao.
Tại khu vực phía Bắc, điểm chuẩn của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội năm nay cũng tăng nhẹ so với năm trước. Theo đó, ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có điểm chuẩn cao nhất với 26,05 điểm, ngành này soán ngôi đầu vào cao nhất của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (25,89) các năm trước.
Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Công nghệ kỹ thuật môi trường, 19 điểm, bằng mức thấp nhất của năm ngoái. Các ngành còn lại đều trên 20.
Năm 2024, Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển 7.650 sinh viên, tăng 150 so với năm ngoái. Trong 6 phương thức tuyển sinh, nhóm xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 65% tổng chỉ tiêu của trường.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp học thực hành. Ảnh nhà trường cung cấp
Tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, điểm chuẩn năm nay tại cả hai cơ sở Hà Nội và Nam Định đều có mức tăng từ 0,5 đến 1,5 điểm tuỳ ngành.
Cụ thể, điểm trúng tuyển cao nhất theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT tại cơ sở Hà Nội là 24,5 điểm, đối với các ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn. Hai ngành này tăng lần lượt là 1,5 và 1,2 điểm so với năm 2023. Kế đến là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; ngành Marketing lấy 24,2 điểm, cũng tăng nhẹ so với năm trước.
Còn tại cơ sở Nam Định, điểm trúng tuyển cao nhất là 19 điểm, đối với các ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; Công nghệ thông tin; Ngôn ngữ Anh. Mức điểm của các ngành này hầu như không thay đổi so với năm 2023, chỉ có ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tăng 1,5 điểm.
Tại Trường Đại học Điện lực, mức điểm chuẩn trúng tuyển vào trường năm 2024 dao động từ 19,50 đến 24,00 điểm.
So với năm ngoái, mức điểm trúng tuyển vào Trường Đại học Điện lực có tăng tùy từng ngành. Trong đó, ngành Thương mại điện tử và ngành Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử đều có điểm chuẩn cao nhất là 24,00. Tiếp đó là ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng 23,70 điểm.
Mức điểm 23,50 thuộc về các ngành: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
Các ngành như: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Kỹ thuật nhiệt, Kiểm toán... đều có mức điểm trúng tuyển khá cao từ 19,50 điểm đến 23,00 điểm.
Theo các chuyên gia, điểm chuẩn tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó, các nguyên nhân cơ bản như điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng và số lượng học sinh đăng ký xét tuyển đại học cũng tăng so với năm 2023 dẫn đến nguồn tuyển dồi dào hơn.
Cụ thể, tỷ lệ số bài thi đạt điểm giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm 2023 ở tất cả các môn. Do đó, điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm trước ở tất cả các tổ hợp và có thể chênh từ 1 - 3 điểm. Những ngành “hot”, có điểm đầu vào cao, và chỉ tiêu như năm trước thì mức cạnh tranh sẽ lớn hơn.
Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm mầm non trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng 73.000 em so với năm 2023.
Song song đó, Kinh tế là khối ngành luôn được nhiều sĩ tử lựa chọn khi xét tuyển Đại học. Hơn hết, lĩnh vực Công Thương có một số ngành như: Thương mại điện tử; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng;… đang “hot” trong những năm gần đây nên điểm chuẩn các ngành này tăng là điều dễ hiểu.
Nguồn: Báo Công Thương