[daibieunhandan] 6 trường đại học định hướng phát triển thành “Đại học”
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ là những trường đại học đang hướng tới lộ trình chuyển đổi lên "Đại học".
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết vừa qua, Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thông qua Nghị quyết thành lập 3 trường gồm Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ, Trường Kinh tế và Quản lý công. Đây là bước đầu tiên để chúng tôi tái cấu trúc và dự kiến trở thành Đại học Kinh tế Quốc dân trong năm 2024.
“Quan trọng nhất đối với Đại học Kinh tế Quốc dân không chỉ là sự chuyển đổi về mặt tên gọi, mà chúng tôi muốn xây dựng một mô hình phù hợp nhất, hiệu quả nhất để đảm bảo rằng các hoạt động của nhà trường diễn ra một cách phù hợp với môi trường đổi mới sáng tạo hiện nay.
Chúng tôi mong muốn mô hình của Đại học Kinh tế Quốc dân, không chỉ là tên gọi “đại học” mà thực sự sẽ trở thành một đại học thông minh, đại học số, đại học đem đến cho người học môi trường học tập và trải nghiệm tốt nhất”, GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện mô hình tổ chức 3 cấp, dưới Đại học có 3 trường thành viên, trong các trường có các khoa. Một số bộ môn truyền thống trước đây sẽ không còn, bên cạnh đó dự kiến sẽ có những ngành học hoàn toàn mới. Sinh viên 3 trường thành viên khi tốt nghiệp, chỉ có một cơ sở duy nhất cấp bằng, đó là Đại học Kinh tế Quốc dân.
Về quy mô sinh viên khi chuyển đổi từ “trường đại học” thành “đại học”, phương hướng chiến lược của nhà trường là không tăng mạnh quy mô mà tập trung vào đầu tư chiều sâu, để làm sao quy mô sinh viên tương đối ổn định. Tuy nhiên, nhà trường có thể tăng nhẹ quy mô ở nhóm sinh viên các ngành công nghệ.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mục tiêu lớn nhất của nhà trường khi chuyển đổi mô hình lên đại học là nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động. “Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn còn một số điểm hạn chế. Chúng tôi mong muốn thông qua quá trình tái cơ cấu lần này sẽ khắc phục được tất cả hạn chế đó, để làm sao nhà trường hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Quan trọng nhất, môi trường đào tạo của sinh viên sẽ ngày càng tốt hơn, chất lượng đào tạo chắc chắn sẽ lên một bậc. Chiến lược lớn nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân là mong muốn tạo ra một bước đột phá về chất lượng đào tạo”, GS.TS Phạm Hồng Chương nói.
Trường Đại học Ngoại thương
Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, với mong muốn đồng nhất và hội nhập với hệ thống các đại học tiên tiến trong nước và trên thế giới, Trường Đại học Ngoại thương đặt mục tiêu trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cung cấp các sản phẩm xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, có vị thế cao trong khu vực châu Á, trên cơ sở phát triển từ các lĩnh vực là thế mạnh truyền thống như Kinh tế, Quản lý và Kinh doanh, đặc biệt là Kinh tế đối ngoại và Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo.
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương
Theo PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, việc nâng cấp mô hình quản trị từ trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực thành là một sự phát triển tất yếu và phù hợp với thực tiễn ở cả Việt Nam và trên thế giới. Việc đào tạo đa dạng các ngành và lĩnh vực sẽ cung cấp cơ hội cho sinh viên học nhiều lĩnh vực, phát triển nhiều kỹ năng khác nhau, tạo ra nguồn nhân lực đa màu, đa năng, linh hoạt, và có khả năng thích ứng tốt với sự biến động của thị trường lao động.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, điểm khác biệt lớn nhất của Trường Đại học Ngoại thương khi đặt mục tiêu trở thành đại học là xác định xây dựng thành một đại học đổi mới sáng tạo có uy tín ở Việt Nam và quốc tế, tiếp tục củng cố và phát huy tính chất tiên phong của đại học đổi mới sáng tạo.
“Chúng tôi quan điểm cần chú trọng việc đào tạo được các thế hệ sinh viên - hạt nhân đổi mới sáng tạo, có được tính đổi mới sáng tạo, biết đổi mới sáng tạo, và dám đổi mới sáng tạo. Triết lý giáo dục của nhà trường là “Giáo dục hướng tới khai phóng, gắn với thực tiễn, nuôi dưỡng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo”, cam kết giúp cho người học phát triển tối đa năng lực cá nhân, năng lực thích ứng và đổi mới sáng tạo”, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho hay.
Để đạt được mục tiêu này, nhà trường đang không ngừng hợp tác với nhiều trường đại học, tổ chức nghề nghiệp, tập đoàn doanh nghiệp để xây dựng và phát triển nhiều chương trình đào tạo cho sinh viên. Những hợp tác này giúp sinh viên tiếp cận và áp dụng được kiến thức vào thực tế, tăng cường trải nghiệm và tiếp xúc với những xu hướng cập nhật của thị trường, tăng cường khả năng thích nghi, khả năng đổi mới và sáng tạo.
Trường Đại học Hà Nội
Theo TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, năm 2022, nhà trường đã xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và được Hội đồng trường phê duyệt. Theo Chiến lược phát triển trên, nhà trường phấn đấu trở thành đại học đa ngành định hướng ứng dụng, nằm trong tốp đầu của Việt Nam, có danh tiếng ở khu vực châu Á.
TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội
Chiến lược phát triển của trường được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030 với những nhiệm vụ cụ thể khác nhau nhằm từng bước thực hiện 3 mục tiêu chính.
Về tổ chức bộ máy, Trường Đại học Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành chuyển đổi từ trường đại học thành đại học có mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả gồm 3 cấp: cấp đại học; cấp các trường thành viên/viện nghiên cứu/đơn vị đào tạo và quản lý thuộc đại học và cấp các đơn vị thuộc trường thành viên. Đến năm 2025, hoàn thành việc thành lập 2 trường thành viên gồm: Trường Kinh doanh và Trường Ngôn ngữ và Văn hóa. Đến năm 2030, hoàn thành việc thành lập 2 trường thành viên: Trường Công nghệ - Truyền thông, Trường Quốc tế (đào tạo các chương trình liên kết với nước ngoài).
Dự kiến thành lập thêm 2 trường thành viên đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động; thành lập từ 1 - 2 trung tâm nghiên cứu về các lĩnh vực có thế mạnh của trường; thành lập 1 trường phổ thông có nhiều cấp học trực thuộc Đại học Hà Nội; phấn đấu thành lập 1 phân hiệu ở trong nước và 1 văn phòng đại diện của Đại học Hà Nội tại nước ngoài.
Về đào tạo, thực hiện mô hình đào tạo theo khung trình độ quốc gia Việt Nam phù hợp với hệ thống đào tạo quốc tế với cơ cấu giữa các trình độ đào tạo (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) đạt tỷ lệ 50:15:5. Nhà trường sẽ mở rộng quy mô đào tạo các trình độ, các hình thức đào tạo, đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và theo hướng hội nhập quốc tế. Ưu tiên mở các ngành đào tạo liên ngành, xuyên ngành dạy bằng ngoại ngữ và đưa vào chương trình đào tạo các môn học mới đáp ứng nhu cầu xã hội và kỷ nguyên số.
Xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận tiên tiến trên thế giới. Đổi mới toàn diện chương trình đào tạo theo hướng gia tăng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp; thực hiện công nhận chuyển đổi tín chỉ, tăng tính liên thông trong đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước. Thực hiện kiểm định quốc tế chất lượng chương trình đào tạo.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Thông tin tới Báo Đại biểu Nhân dân, TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho hay, theo lộ trình, đến năm 2025, trường phấn đấu đạt đủ các điều kiện để chuyển thành Đại học theo quy định của Chính phủ.
Kế hoạch chuyển đổi mô hình lên đại học với đa lĩnh vực, ngành đào tạo đã được Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện trong thời gian qua. Tháng 12.2021, Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã ban hành nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường đầu tiên được thành lập trong Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và Khoa Du lịch (thành lập năm 2000). Tháng 8.2023, trường Cơ khí - Ô tô được thành lập trên cơ sở sáp nhập và phát triển Khoa Cơ khí và Khoa Công nghệ ô tô.
Dự kiến từ 2024 - 2025, sẽ có thêm 3 trường (Lĩnh vực Điện - Điện tử; Kinh tế quản lý và Công nghệ thông tin truyền thông) được thành lập. “Trong lộ trình chuyển đổi, bài toán của chúng tôi là bài toán tái cấu trúc các khoa sẵn có, chứ không phải là bài toán tăng quy mô”, TS. Kiều Xuân Thực chia sẻ.
TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Theo đó, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội định hướng trở thành Đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng, phát triển theo mô hình đại học thông minh. Trong lộ trình trở thành "Đại học", nhà trường chủ trương hoạt động đào tạo phải gắn với thực tiễn nhằm cung cấp ra thị trường lao động đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, có khả năng làm việc trong thực tế.
Thực hiện chủ trương này, tháng 4.2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã ra mắt “Ban cố vấn doanh nghiệp” cho năm chương trình đào tạo gồm Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử.
Năm chương trình đào tạo trình độ đại học của Đại học Công nghiệp Hà Nội định hướng theo các tiêu chuẩn kiểm định ABET - bộ tiêu chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ (Mỹ). Trong đó, nhiều tiêu chuẩn về khả năng của sinh viên, mục tiêu và chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, hỗ trợ của trường đại học.
Ban cố vấn doanh nghiệp sẽ hoạt động tích cực để hỗ trợ nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trường Đại học Y Hà Nội
Ngày 26.9.2023, phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2023-2024, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho hay năm học mới 2023-2024 sẽ đi cùng với nhiều chủ trương và hoạt động lớn của trường, như thực hiện tự chủ đại học, chuẩn bị đề án phát triển thành Đại học Y Hà Nội, đổi mới căn bản và toàn diện chương trình đào tạo bác sỹ y khoa giai đoạn 3, đổi mới chương trình đào tạo sau đại học; chuẩn bị cho các hoạt động kiểm định chương trình đào tạo...
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của Trường Đại học Y Hà Nội là thực hiện chuyển đổi số, tăng cường quản trị đại học hiệu quả. Đây là điều kiện quan trọng đối với cải tiến chất lượng sau kiểm định, để thực hiện thành công tự chủ trong những năm tới, nâng cao vị thế và phát triển trường trở thành Đại học Y Hà Nội.
Trường Đại học Cần Thơ
Phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Trường Đại học Cần Thơ, tổ chức ngày 16.9.2023, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết mục tiêu lớn nhất năm học 2023-2024 là hoàn thành đề án chuyển Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ.
GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ
Trước đó, tại lễ khai giảng năm học 2022-2023, Trường Đại học Cần Thơ đã công bố thành lập 4 trường, 1 khoa và 1 viện mới trên cơ sở các đơn vị hiện có. Đó là các Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm. Tiếp sau, trường đã thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.
Cuối tháng 2.2023, phát biểu tại buổi làm việc với Trường Đại học Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc lãnh đạo nhà trường mong muốn chuyển từ “Trường Đại học Cần Thơ” thành “Đại học Cần Thơ” cần xuất phát từ khát vọng phát triển nhà trường, sao cho việc thay thế cơ cấu, mô hình, tổ chức cũ có thể tạo điều kiện để trường trở nên chất lượng, đột phá hơn trong tương lai.
Theo Bộ trưởng, hiện Trường Đại học Cần Thơ trong nhóm các trường đại học công mạnh của cả nước. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của hệ thống đại học tại Việt Nam trường cần phát triển nhanh hơn nữa, khát vọng phát triển lớn hơn nữa.
Khi chuyển đổi mô hình, trong thiết kế đề án để trở thành đại học, cần thể hiện hết tầm nhìn sao cho không chỉ phát triển thành đại học hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn trong số ít các trường gia nhập vào những đại học hàng đầu Châu Á, trong đó thể hiện được các yêu cầu mô hình tổ chức, cơ cấu ngành nghề, chiến lược phát triển, nghiên cứu khoa học… theo đúng định hướng một đại học đẳng cấp.
Theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Với quyết định của Thủ tướng vào tháng 12.2022, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên chuyển từ trường đại học thành đại học sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Nghị định 99 năm 2019 có hiệu lực. Đến tháng 10.2023, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là đơn vị thứ hai chuyển đổi mô hình theo quy định mới.
Như vậy, hiện cả nước có 7 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân