[daidoanket] Du lịch thông minh và nỗi lo
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, việc ứng dụng vào ngành du lịch trở thành một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thông minh không đơn giản.
Phát triển du lịch thông minh đem đến nhiều cơ hội cho ngành du lịch. Ảnh: P. Sỹ.
Tăng sức hấp dẫn
Dịp nghỉ lễ đầu tháng 5 vừa qua, anh Tuấn Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) có chuyến du lịch nghỉ dưỡng cùng gia đình tại Phú Quốc. Hai vợ chồng đều làm việc tại công ty nước ngoài nên rất bận rộn, không có thời gian tìm hiểu nhiều. Thông qua giới thiệu của một người bạn, anh Linh đã ký hợp đồng với một công ty du lịch tại Hà Nội. Nhân viên công ty này sau khi gọi điện tư vấn đã gửi cho anh một lịch trình khá hấp dẫn, giá cả cũng rất cạnh tranh. Do đặt sớm nên anh cũng được hưởng khá nhiều ưu đãi, cả về giá vé máy bay và khách sạn nghỉ dưỡng.
Theo anh Linh, công nghệ đến từ mô hình thông minh này giúp tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá thông qua tiếp thị số, thích ứng kịp thời với sự thay đổi hành vi của du khách. Khách có thể thoải mái lựa chọn các dịch vụ, đảm bảo sự tối ưu cả về dịch vụ và giá cả.
Còn theo các chuyên gia, du lịch thông minh cho phép kết nối tốt, từ đó quản lý hiệu quả. Nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ vào công tác quảng bá, thu hút du khách. Như tại Quảng Nam, Ban quản lý Khu đền tháp Mỹ Sơn đã triển khai ứng dụng Hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, ứng dụng tham quan ảo VR360. TP Hội An đã ứng dụng Du lịch thực tế ảo tăng cường, Du lịch ảo Hội An-metaverse để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hội An đến với du khách…
Hiệu quả của du lịch thông minh đã nhìn thấy rất rõ. Hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã vận dụng khá thành công các kênh trực tuyến như Facebook, TikTok, Instagram và Youtube… trong chiến lược quảng cáo và tiếp thị các sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh - Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang cho biết, chuyển đổi số trong ngành du lịch được các chuyên gia nhận định là xu thế tất yếu trong năm 2024. Nền kinh tế số đang tạo động lực để thay đổi ngành du lịch, chuyển dần cách thức tương tác cũng như nâng cao trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước. Do đó các trường đào tạo nghề du lịch cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm phát triển môi trường chuyển đổi số trong quá trình dạy và học.
Nhân lực còn thiếu và yếu
Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đến năm 2025 sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến phát triển các nền tảng ứng dụng để phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Đến năm 2030 sẽ hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng bộ trên cơ sở tiếp cận những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới.
Yêu cầu thực tế là vậy nhưng nguồn nhân lực dành cho du lịch thông minh ở Việt Nam vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Các hoạt động số hóa còn rời rạc, chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ, kết nối đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành để đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp khó khăn. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn chưa tạo ra nhiều thay đổi trong công cuộc chuyển đổi số.
TS Nguyễn Tư Lương - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, để phát triển du lịch thông minh cần có lộ trình khoa học, áp dụng các kinh nghiệm trên một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và bối cảnh cụ thể trong mỗi giai đoạn phát triển, nhất là trước những xu thế mới trong phát triển công nghệ của thị trường du lịch quốc tế. Ngoài ra, cũng rất cần quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp du lịch,..
Nhiều ý kiến cho rằng đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là việc cung cấp kiến thức về công nghệ mới mà còn là việc phát triển kỹ năng mềm, giao tiếp, và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, việc duy trì quá trình đào tạo liên tục cũng là yếu tố quan trọng để sinh viên ngành du lịch không chỉ đáp ứng mà còn dẫn đầu trong công tác chuyển đổi số.
TP Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành thử nghiệm ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS, thí điểm ứng dụng thuyết minh tự động myGuide Ho Chi Minh City gồm nhiều ngôn ngữ… Sở Du lịch thành phố xây dựng và vận hành riêng trang web thông tin giới thiệu du lịch thành phố (visithochiminhcity.vn). TP Hồ Chí Minh cũng khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển nhiều ứng dụng thông minh trên điện thoại di động, thiết bị điện tử giới thiệu và hướng dẫn du lịch thành phố.
Nguồn: Đại đoàn kết