[daidoanket] “Lợi đơn lợi kép” với doanh nghiệp thuộc trường đại học
BK-Holdings thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội là doanh nghiệp đầu tiên được phép thành lập tại một trường đại học ở Việt Nam năm 2008 và đến nay mô hình này xuất hiện ở nhiều trường khác.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: T.Nhân.
Nâng cao giá trị thương hiệu
Từ ngày thành lập đến nay, Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực (LETCO), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn được đánh giá là doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Lợi nhuận những năm gần đây của công ty đều đạt từ 10 tỷ đồng trở lên, đóng góp một phần kinh phí cho hoạt động của nhà trường, ThS Nguyễn Quang Trung - Giám đốc công ty thông tin tại tọa đàm “Phát triển mô hình Doanh nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương – Thực trạng và giải pháp”.
Với mục tiêu gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với nhu cầu sử dụng lao động, LETCO giúp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tìm kiếm, xây dựng những chương trình thực tập nghề nghiệp, giới thiệu việc làm ở trong nước và nước ngoài cho sinh viên. Đơn vị cũng tham gia một số nội dung liên quan đến đào tạo của nhà trường, ví dụ tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, tham gia cải tiến, xây dựng các chương trình đào tạo mới phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Công ty cũng là nơi tập hợp ý kiến phản hồi từ người sử dụng lao động, làm căn cứ để nhà trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp với thị trường.
Dù là công ty thuộc trường nhưng doanh nghiệp trong trường đại học đều hạch toán độc lập theo Luật Doanh nghiệp. TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho biết, công ty của trường nhận được hỗ trợ thường xuyên từ giảng viên. Sinh viên có thể thực tập trong môi trường làm việc đáp ứng chuẩn quốc tế, có nhiều tình huống thực tế để làm nghiên cứu khoa học, đồ án, bài tập lớn,...
Đào tạo, nghiên cứu gắn với nhu cầu của thị trường là lợi ích rõ ràng mà mô hình doanh nghiệp trong trường đem lại cho các cơ sở giáo dục đại học. Sinh viên được đào tạo trong một quy trình khép kín, được tạo điều kiện thực hành, thực tập ngay trong doanh nghiệp của trường, tạo cơ hội việc làm với thu nhập cao và ổn định khi tốt nghiệp. Việc này góp phần làm gia tăng sức hút cho hoạt động tuyển sinh của nhà trường, tạo niềm tin cho người học và xã hội.
Gỡ khó để nhân rộng mô hình
Mặc dù việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học đã được cụ thể hóa tại Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018, có hiệu lực từ 1/7/2019, song quá trình triển khai cho thấy đây là một việc khó với rào cản từ nhiều phía. Trước hết, hệ thống chính sách về mô hình công ty trong trường đại học chưa hoàn thiện, vì thế cơ quan quản lý và doanh nghiệp, trường gặp nhiều khó khăn khi vận dụng các quy định hiện hành. Một trong những vướng mắc lớn nhất thời điểm này là vốn và khả năng huy động vốn. Do chưa có chính sách rõ ràng và nhất quán nên việc đầu tư tăng vốn cho công ty từ chủ sở hữu không thể thực hiện. Trong khi đó, ở giai đoạn đánh giá, thăm dò thị trường cho các sản phẩm thương mại hóa, nhu cầu về vốn đầu tư rất lớn và và rủi ro cao.
Việc mở doanh nghiệp trong trường đại học bên cạnh những lợi ích tiềm ẩn nhiều rủi ro. TS Hoàng Hùng Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh nói “trường vừa làm vừa run" vì làm không đúng sẽ dễ bị “tuýt còi”.
Hơn nữa, nhiều giảng viên quen với dạy học nên không muốn làm kinh tế, mở doanh nghiệp nên các trường khó huy động được hết trí tuệ của đội ngũ trí thức, công nghệ sẵn có.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói trong bối cảnh nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào học phí, việc phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường đại học đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển của nhà trường. Đây là xu hướng tất yếu, hiện thực hóa định hướng “đổi mới sáng tạo” – yêu cầu cấp thiết đặt ra trong nền kinh tế thị trường và tự chủ đại học hiện nay.
Để khắc phục những khó khăn trên, giúp các doanh nghiệp trong trường đại học hoạt động hiệu quả và thực sự là cầu nối giữa nghiên cứu và cuộc sống cần những giải pháp tổng thể, từ cơ chế chính sách đồng bộ đến những hỗ trợ cần thiết. Một số ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện và thực thi một cách thực chất việc miễn thuế giá trị gia tăng hoặc có chính sách thuế giá trị gia tăng bằng 0 khi sinh viên tham gia sản xuất kết hợp phục vụ học tập và thực tập...
Nguồn: Đại đoàn kết