[danviet] Những ngành học dự đoán "hot" năm 2024 và lưu ý thí sinh trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng
Theo xu hướng chung, những ngành thuộc nhóm Kinh tế quản lý, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, ngoài ra một số ngành đào tạo ngôn ngữ cũng được thí sinh quan tâm trong năm 2024, tuy nhiên, ngành hot không phải là lý do để thí sinh lựa chọn.
Những ngành học hot năm 2024
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về chọn ngành, TS Phan Đình Quyết, Phó trưởng phòng truyền thông và tuyển sinh Trường Đại học Thương mại, cho hay: "Việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cần có sự kết hợp hài hòa giữa trường phổ thông, các trung tâm tổ chức định hướng nghề nghiệp, trường đại học. Trong đó, các trường đại học sẽ cử chuyên gia có kinh nghiệm liên quan công tác định hướng nghề nghiệp để tư vấn cho các em.
Bản thân tôi cũng tham gia tư vấn tuyển sinh cho các em và thấy rằng so với nhiều năm trước đây, hiện nay các em đã có sự chuẩn bị, tìm hiểu rất kỹ. Các em đến tư vấn là hỏi luôn về ngành học yêu thích của mình chứ không còn tình trạng mơ hồ.
Thí sinh quan tâm đến các ngành học hot của các trường đại học. Ảnh: Tào Nga
Việc chọn ngành thế nào, trường gì phù hợp là bài toán và đôi khi cũng là cái duyên với nghề nghiệp. Ai đi học cũng muốn sau này mình được làm nghề yêu thích. Tuy nhiên thực tế sau khi ra trường lại có cơ duyên khác rẽ hướng. Thật khó để khuyên các bạn theo hướng nào. Chỉ biết rằng, các bạn hãy nghiên cứu thật kỹ xem mình hợp ngành nào để lọc ra lựa chọn. Xu hướng ngành nghề thì theo giai đoạn. Cách đây 5 năm, ngành du lịch rất hot nhưng dịch Covid-19 thì ngành này bị gián đoạn. Vì vậy, các bạn hãy chọn ngành học mình thích vì chỉ ngành mình thích mới hứng thú học và học tốt nhất. Khi ra trường làm việc ở chỗ nào mình cũng có thể "bơi" được.
Còn việc chọn ngành rộng hay hẹp để học thì tùy theo tính cách. Nếu bạn hướng ngoại thì hãy chọn ngành rộng có thể kết nối các ngành với nhau. Bạn nào hướng nội thì chọn ngành hẹp như kế toán, kiểm toán...".
Chia sẻ về ngành học hot, TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết: "Nhà trường xác định ngành An toàn thông tin phù hợp với nhu cầu trong giai đoạn tới, đặc biệt là theo xu hướng thương mại điện tử, các doanh nghiệp, tổ chức rất cần nhân lực trong ngành này. Bên cạnh đó, trường bổ sung thêm chỉ tiêu cho ngành "hot" khác như Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh… Mặc dù mới mở năm 2023 nhưng đã thu hút lượng lớn thí sinh tham gia. Theo xu hướng chung, những ngành thuộc nhóm Kinh tế quản lý, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, ngoài ra một số ngành đào tạo ngôn ngữ cũng được thí sinh quan tâm".
Ngành học hot, nhưng bản thân mình có "hot" hay không?
Chia sẻ với lo lắng của phụ huynh, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Ngoại thương, khuyên trong trường hợp này, phụ huynh và thí sinh phải là "người tiêu dùng thông minh" khi đi mua dịch vụ giáo dục đại học.
"Nếu là người mua dịch vụ, chúng ta phải xem xét dịch vụ đó như thế nào. Phụ huynh và học sinh hãy nhìn sâu vào chương trình đào tạo, cách mà ngôi trường đó giảng dạy để quyết định", bà Hiền nói. Không phải cứ chọn ngành bây giờ là các em sẽ bó buộc vào ngành đó. Lời khuyên là các em hãy cho chính bản thân mình nhiều cơ hội. Chúng ta phải tạo ra nhiều năng lực cốt lõi, có nghĩa không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học cách tiếp cận liên ngành", bà Hiền đưa ra lời khuyên.
Theo đó, nếu học kinh tế, sinh viên có thể học thêm luật, hay khoa học dữ liệu dưới nhiều hình thức. Không nhất thiết phải có thêm một tấm bằng nữa nhưng các em cần có một khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó tốt trong tương lai.
"Ngành VIP hay ngành hot phụ thuộc vào chính chúng ta. Nếu giỏi trong một lĩnh vực nào đó, đẩy năng lực mình lên tới một mức rất cao thì việc kiếm việc làm, đạt được mức lương theo khái niệm VIP hay hot là không khó khăn", bà Hiền nói.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa, khuyên thí sinh đừng nên thấy ngành nào đang hot, đang có nhu cầu mà thi nhau vào. "Ngành học hot, nhưng bản thân mình có "hot" hay không, có học tốt hay không mới là điều quan trọng", ông Khánh nhận định.
Theo phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa, các em đừng nên chạy theo ngành hot vội. Trước khi chọn ngành nghề, học sinh cần tự trả lời những câu hỏi: Có thích ngành học đó không? Bản thân có năng lực phù hợp với ngành đó không? Ngành đó có phát triển hay không? Học phí ngành đó có phù hợp với điều kiện gia đình? Điểm chuẩn có phù hợp với mình? Cũng theo ông Khánh, ngành hot bây giờ chưa chắc còn hot trong 5 năm nữa. Do đó thí sinh cần cân nhắc.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho biết, theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các em thí sinh có rất nhiều sự lựa chọn về trường học, ngành học.
Theo bà Thủy, trong đào tạo đại học hiện nay đã hướng đến đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực, điều này sẽ cho người học một nền tảng rộng và phương pháp làm việc, phương pháp tự học để học tập suốt đời. "Việc học đại học hay cao đẳng mới chỉ là những bước đầu tiên, những nền tảng quan trọng nhất để cho các em những phương pháp đi con đường dài hơi, phát triển bản thân và nghề nghiệp. Chúng ta học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề. Tôi có thể khẳng định với phụ huynh và thí sinh như vậy", bà Thủy cho hay.
Liên hệ dẫn chứng ngay chính bản thân mình, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ: "Tôi từng học Trường ĐH Ngoại thương nhưng bây giờ làm quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Như vậy có trái ngành trái nghề không? Không hề trái ngành, trái nghề một chút nào. Đó là sự tích lũy rất nhiều kiến thức trong quá trình học tập ở nhà trường, trong quá trình làm việc về giáo dục đại học gần 30 năm qua cùng những cập nhật những biến động trên thế giới".
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, mặc dù đã gần 50 tuổi nhưng đến nay cô vẫn không dừng việc học mà liên tục học, cập nhật kiến thức mới: "Đây là con đường không thể tránh được. Các em không chỉ dừng lại ở bậc đại học, không phải vì bằng cấp mà vì sự phát triển của chính chúng ta, và phải đóng góp được cho xã hội, cho gia đình".
Nguồn: Báo điện tử Dân Việt