[danviet] "Rất nhiều cơ hội mở ra cho doanh nghiệp, cho người học tốt nghiệp ngành vi mạch bán dẫn"

PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Mạnh Kha, Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trước sức hút của ngành Vi mạch bán dẫn.

Chào PGS.TS Hoàng Mạnh Kha, thời gian gần đây ngành Vi mạch bán dẫn nhận được nhiều quan tâm đầu tư từ các trường đại học và thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển. Ông đánh giá ngành học này quan trọng thế nào và cơ hội việc làm trong thời gian tới ra sao?

- Vi mạch bán dẫn là thành phần cốt lõi trong hầu hết các thiết bị công nghệ tiên tiến hiện nay như điện thoại thông minh, ô tô tự lái, thiết bị viễn thông 5G..., đang là một lĩnh vực được quan tâm đầu tư đặc biệt với nhiều chủ trương, chính sách, chương trình của Chính phủ và các địa phương. Theo một báo cáo gần đây của Gartner, doanh thu của ngành bán dẫn dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Các công ty tư vấn dự báo sẽ thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực thiết kế, chế tạo, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói vi mạch bán dẫn.

[danviet] `Rất nhiều cơ hội mở ra cho doanh nghiệp, cho người học tốt nghiệp ngành vi mạch bán dẫn`

PGS.TS Hoàng Mạnh Kha, Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực. Hiện nay, cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế vi mạch, tuy nhiên, nhu cầu nhân lực của ngành này cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư mỗi năm, đến năm 2030 cần đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn (theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050").

Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự quyết tâm của các cơ sở giáo dục, sự quan tâm của cộng đồng xã hội thì con số 50.000 nhân lực là khả thi trong điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Có thể nói, trong kỷ nguyên số, rất nhiều cơ hội được mở ra cho doanh nghiệp, cho người học tốt nghiệp ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội đó là những thách thức yêu cầu mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần thích nghi nhanh, làm chủ công nghệ mới để duy trì ưu thế cạnh tranh, tiếp tục phát triển. Điều này đặt ra những yêu cầu mới đối với các cơ sở giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, làm chủ và áp dụng được những công nghệ hiện đại vào thực tiễn.

Mới đây Bộ GDĐT đưa ra chuẩn đầu vào ngành Vi mạch bán dẫn là thí sinh xét điểm thi tốt nghiệp THPT phải có tổng điểm 3 môn xét tuyển đạt từ 24 điểm trở lên, yêu cầu môn Toán ít nhất phải đạt 8 điểm, là một trong 18 cơ sở đào tạo được Chính phủ phê duyệt xem xét đầu tư phòng thí nghiệm cơ sở về thiết kế, kiểm thử và đóng gói vi mạch, theo ông, yêu cầu này có gây khó cho các trường trong tuyển sinh?

- Để định hướng cho các cơ sở giáo dục xây dựng và vận hành chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 1314-QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2025. Trong đó, đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, tổng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 24/30 điểm; điểm bài thi môn Toán đạt tối thiểu 8 điểm.

Căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT trong các năm gần đây, chuẩn đầu vào này là phù hợp trong bối cảnh cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, là điều kiện cần thiết về năng lực của người họ để có thể tiếp thu có hiệu quả các kiến thức và kỹ năng liên quan đến vi mạch bán dẫn.

[danviet] `Rất nhiều cơ hội mở ra cho doanh nghiệp, cho người học tốt nghiệp ngành vi mạch bán dẫn`

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong 18 cơ sở đào tạo được Chính phủ phê duyệt xem xét đầu tư phòng thí nghiệm cơ sở về thiết kế, kiểm thử và đóng gói vi mạch. Ảnh: NVCC

Đối với Trường Điện - Điện tử cũng như Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, đây là điểm trúng tuyển phổ biến trong những năm gần đây của các chương trình đào tạo thuộc khối Công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên, một số băn khoăn cũng có xuất hiện, ví dụ như nếu độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT không tương đồng giữa các năm thì việc đưa ra quy định về điểm tuyệt đối có lẽ cũng cần cân nhắc thêm.

Ngoài ra, có thể có khó khăn trong công tác tuyển sinh ở 1-2 năm đầu tiên đối với các chương trình đào tạo mới xây dựng vì chưa nhiều học sinh THPT biết tới.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc các cơ sở giáo dục phải chủ động đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh, có lẽ Bộ GDĐT cũng nên thẩm định, đánh giá sự phù hợp của các chương trình đào tạo với quy định chuẩn, từ đó đưa ra danh sách các chương trình đáp ứng yêu cầu để học sinh THPT biết thông tin và đăng ký tham gia. Đồng thời cũng cần thông báo rõ cho học sinh THPT là các chính sách hỗ trợ đối với đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn chỉ được xem xét khi học sinh đăng ký các chương trình đào tạo đã được Bộ rà soát, thẩm định.

Trong Quyết định duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có mục tiêu ra sao trong thời gian tới?

- Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu về kỹ thuật và công nghệ tại Việt Nam. Hiện trường đang vận hành nhiều chương trình đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn gồm nhiều ngành như Công nghệ kỹ thuật Máy tính, Điện tử - viễn thông, Điện, Điện tử, Điều khiển và Tự động hóa, Khoa học máy tính, Cơ khí, Hóa học,… Khoa Hệ thống nhúng và Vi mạch, thuộc Trường Điện - Điện tử, xây dựng 2 chương trình đào tạo chú trọng vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm Công nghệ Kỹ thuật Máy tính (tuyển sinh từ năm 2016) và vi mạch bán dẫn (thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật Máy tính, dự kiến tuyển sinh từ năm 2025).

Chương trình Vi mạch bán dẫn đào tạo chuyên sâu về thiết kế, kiểm thử vi mạch; ứng dụng AI vào quá trình thiết kế vi mạch; đồng thời trang bị kiến thức về quy trình chế tạo, đóng gói và đánh giá chất lượng vi mạch. Các chương trình được thiết kế khoa học, vận hành theo tiêu chuẩn kiểm định các chương trình đào tạo Công nghệ kỹ thuật của Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ Hoa Kỳ (ABET).

Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo các chương trình trọng điểm, Nhà trường cũng đã chú trọng bồi dưỡng đội ngũ và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Đặc biệt, trường là một trong 18 cơ sở đào tạo được Chính phủ phê duyệt xem xét đầu tư phòng thí nghiệm cơ sở về thiết kế, kiểm thử và đóng gói vi mạch, đây là một sự đầu tư quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực về vi mạch bán dẫn.

Nguồn: Báo điện tử Dân Việt