[giaoduc] Top những ngành điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội 5 năm qua
Từ năm 2019 - 2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở thêm 20 ngành mới, trong đó có ngành Ngôn ngữ học, Trung Quốc học, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam...
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương, có truyền thống đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ kinh tế, công nhân kỹ thuật và là một cơ sở đào tạo định hướng ứng dụng nhiều ngành, nhiều loại hình, nhiều cấp trình độ.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có trụ sở chính tại số 298 đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội và cơ sở 3 tại phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Trên website của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thông tin về sứ mệnh của nhà trường như sau: “Đào tạo nhân lực chất lượng cao; sáng tạo và chuyển giao tri thức, công nghệ tới xã hội và cộng đồng đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp, phục vụ xã hội và đất nước”.
Theo số liệu từ đề án tuyển sinh qua các năm của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chỉ tiêu tuyển sinh trong vòng 5 năm qua của trường dao động khoảng trên dưới 7000 chỉ tiêu mỗi năm.
Cụ thể, năm 2019 chỉ tiêu của trường là 6900 sinh viên. Năm 2020, năm 2021 và năm 2022 nhà trường giữ nguyên mức chỉ tiêu là 7120 sinh viên.
Năm 2023, tổng chỉ tiêu của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là 7500. Tại năm học này, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vẫn duy trì các tổ hợp xét tuyển: A00 (Toán, Vật lý, Hoá học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh), B00 (Toán, Sinh học, Hóa học), D06 (Toán, Ngữ văn, tiếng Nhật), C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), D14 (Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh). Trong đó, tổ hợp xét tuyển D06 bắt đầu được sử dụng để xét tuyển từ năm 2020.
Về phương thức xét tuyển cũng có sự thay đổi theo từng năm. Cụ thể, năm 2019 và năm 2020 trường duy trì tuyển sinh theo hai phương thức: tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Các phương thức xét tuyển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội áp dụng trong 5 năm qua.
Năm 2021, trường sử dụng thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông cho thí sinh đủ điều kiện đã đăng kí dự thi nhưng không tham dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 do giãn cách xã hội.
Các năm sau đó, trường sử dụng thêm các phương thức xét tuyển như: Xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế; xét theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông; xét theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Năm 2023, nhà trường vẫn duy trì 6 phương thức xét tuyển tương tự năm 2022, gồm xét tuyển thẳng; xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố hoặc có chứng chỉ quốc tế; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ.
Về sự thay đổi trong tuyển sinh các ngành (chuyên ngành) đào tạo, năm 2019, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở tuyển sinh 3 ngành mới là: Ngôn ngữ Hàn Quốc; Công nghệ vật liệu dệt, may; Kỹ thuật hệ thống công nghiệp.
Đến năm 2020, nhà trường mở tuyển sinh 4 ngành mới là: Công nghệ kỹ thuật khuôn mẫu; Logistic và quản lý chuỗi cung ứng; Ngôn ngữ Nhật; Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam. Trong đó, ngành Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam trường mở xét tuyển người nước ngoài với phương thức xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2021, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở tuyển sinh 2 ngành mới là: Phân tích dữ liệu kinh doanh; Robot và trí tuệ nhân tạo.
Năm 2022, nhà trường cũng mở thêm 6 ngành mới là Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử ô tô; Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp; Trung Quốc học, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Hóa dược; Công nghệ đa phương tiện.
Đến năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh 5 ngành mới là: Kỹ thuật Cơ khí động lực; Kỹ thuật sản xuất thông minh; Công nghệ Kỹ thuật điện tử y sinh; Ngôn ngữ học; Năng lượng tái tạo.
Điểm chuẩn 4 ngành "hot" của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thay đổi qua 5 năm.
Qua 5 năm tuyển sinh, các ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá, Công nghệ thông tin, Marketing và Ngôn ngữ Trung Quốc, Marketing luôn nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Bên cạnh đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cũng nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường, ngành này được bắt đầu tuyển sinh từ năm 2020.
Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 52 ngành/chương trình đào tạo đại học chính quy theo 6 phương thức tuyển sinh.
Các phương thức tuyển sinh:
- Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Không giới hạn chỉ tiêu).
- Phương thức 2: Xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế. (Chỉ tiêu dự kiến 8%).
- Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. (Chỉ tiêu dự kiến 65%).
- Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học trung học phổ thông (Học bạ). (Chỉ tiêu dự kiến 15%).
- Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2024. (Chỉ tiêu dự kiến 6%).
- Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2024. (Chỉ tiêu dự kiến 6%).
Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 (dự kiến trước ngày 15/03/2024).
Nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam