[giaoducthoidai] Tăng nguồn học bổng ngoài nhà trường

GD&TĐ - Học bổng không chỉ là khoản tiền hỗ trợ tài chính mà còn là nguồn động viên quan trọng đối với sự phát triển học tập của sinh viên...

[giaoducthoidai] Tăng nguồn học bổng ngoài nhà trường

Ảnh minh họa ITN.

Để động viên sinh viên nỗ lực học tập, Nghị định 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về học bổng khuyến khích học tập dành cho người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên, không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong kỳ xét cấp học bổng. Căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện, nhà trường tổ chức xét cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên với các mức khác nhau.

Theo quy định của Nghị định 84/2020/NĐ-CP, các cơ sở giáo dục đại học bố trí nguồn kinh phí để xây dựng quỹ học bổng khuyến khích học tập tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục. Do mức thu học phí của cơ sở giáo dục hiện nay khác nhau, thậm chí cách xa nhau nên quỹ học bổng khuyến khích học tập của các trường cũng đa dạng.

Những trường đại học tốp trên, tự chủ tài chính, chỉ tiêu tuyển sinh và học phí cao có quỹ học bổng nhiều. Như năm học 2023 - 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội dành khoảng 70 tỷ đồng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dành khoảng 15,2 tỷ đồng… để trao tặng học bổng khuyến khích học tập.

Mức học bổng cho sinh viên theo đó cũng khá cao, thường từ 1 lần đến 1,5 lần học phí, tùy theo mức độ khá, giỏi hay xuất sắc. Trong khi đó, nhóm trường chưa tự chủ tài chính, học phí thấp, quỹ học bổng chỉ khiêm tốn vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, mức cấp học bổng vì thế cũng thấp hơn.

Hiện các trường đại học đều nỗ lực vén khéo từ học phí và cân đối chi phí để dành được nhiều học bổng khuyến khích học tập nhất. Nhiều trường công lập dành đến 15% học phí cho quỹ này. Các trường cũng quan tâm điều chỉnh quỹ học bổng phù hợp với nguồn thu học phí và quy định nhà nước. Tuy nhiên so với kết quả, sự nỗ lực và nhu cầu của người học, những con số nói trên còn khiêm tốn.

Thực tế, mức 8% và 2% dành cho học bổng khuyến khích học tập theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP là căn cứ trên cơ sở khảo sát của 5 năm trước, chưa có đánh giá lại. Trong khi đó, mức học bổng các trường tính toán căn cứ vào quỹ học bổng và phụ thuộc vào số lượng sinh viên nhận.

Nguồn quỹ eo hẹp nên xảy ra tình trạng có trường, có năm phải điều chỉnh giảm mức kinh phí cấp học bổng để tạo điều kiện cho nhiều sinh viên được tiếp cận với học bổng hơn theo đúng quy định. Trường thì xảy ra tình trạng có khoa số lượng sinh viên xuất sắc và giỏi nhiều, vượt quá số lượng phân bổ, nên cắt học bổng của sinh viên một cách cơ học.

Chuyện khiếu nại của sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) năm 2023 vì nhà trường giảm học bổng, hay phản ứng của sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công Thương TPHCM mới đây vì bị cắt học bổng... cũng ít nhiều liên quan đến sự khó khăn về kinh phí.

Học bổng không chỉ là khoản tiền hỗ trợ tài chính mà còn là nguồn động viên quan trọng đối với sự phát triển học tập của sinh viên. Tới đây, Bộ GD&ĐT dự kiến xây dựng quy chế công tác sinh viên, trong đó nhóm được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập sẽ không riêng người học hệ chính quy, mà có thể bao gồm cả người học ở các hình thức đào tạo khác như vừa học vừa làm, đào tạo từ xa…

Chính sách này được thông qua là tin vui với đông đảo người học, nhưng đồng thời là bài toán quản trị phải tính kỹ lưỡng ở các trường, trong bối cảnh nguồn thu đại học khó khăn.

Song song với quỹ học bổng khuyến khích học tập từ nguồn học phí trong nhà trường theo quy định, việc tìm kiếm, kết nối nguồn học bổng tài trợ sinh viên từ nguồn kinh phí của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân rất cần đẩy mạnh thêm một bước.

Hiện ở nhiều trường, nhóm học bổng này không chỉ là một khoản tiền mà còn xem như cơ hội để sinh viên phát triển kỹ năng và mạng lưới. Nhiều chương trình học bổng còn đi kèm với chương trình thực tập và cơ hội gặp gỡ với các nhà tài trợ và doanh nhân, giúp sinh viên xây dựng mối quan hệ và kỹ năng. Đây là xu hướng cần khuyến khích phát triển.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

Tin đã đưa

» [baodautu] Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học: Hướng đi nào cho Việt Nam?

Thứ Ba, 22:33 26/11/2024

» [moit] Lấy ý kiến đối với đề nghị khen thưởng Chiến sĩ thi đua toàn quốc và Huân chương Lao động

Thứ Ba, 17:05 26/11/2024

» [VTV3] Thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu khoa học trong trường đại học

Thứ Ba, 08:51 26/11/2024

» [vietnamhoinhap] Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội: Nơi giúp tôi học hỏi, trải nghiệm và trở nên năng động sáng tạo

Thứ Hai, 16:29 25/11/2024

» [doanthanhnien] Thanh niên Tuyên Quang khởi nghiệp thành công với nông nghiệp công nghệ cao

Chủ Nhật, 11:07 24/11/2024

» [congthuong] HaUI hợp tác với Hàn Quốc trong tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng

Thứ Tư, 20:43 30/10/2024

» [daibieunhandan] ĐH Công nghiệp Hà Nội đẩy mạnh hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng

Thứ Tư, 20:39 30/10/2024

» [suckhoedoisong] HaUI đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng Hàn Quốc

Thứ Tư, 20:19 30/10/2024

» [nsn] NSN tham dự Triển lãm và Hội thảo đặc biệt về Tái chế máy móc Công nghiệp và Xây dựng

Thứ Tư, 16:06 30/10/2024

» [vtcnews] Ngày hội Hangeul năm 2024 – nơi hội tụ và lan tỏa tình yêu với văn hóa Hàn Quốc

Thứ Hai, 16:16 28/10/2024