[ictvietnam] Đa dạng hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều đang “cản bước” sự phát triển của nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay. Để tạo đà bứt phá, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển... không chỉ có những ưu tiên, mà cần phải được thực hiện đồng bộ hơn nữa.
Gặp khó trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao
Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với khoảng 54% dân số ở độ tuổi lao động, trong đó lực lượng lao động rất trẻ và dồi dào. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành như cơ khí, chế biến chế tạo, thiết bị linh phụ kiện điện, điện tử..., đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị.
Số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ còn rất hạn chế so với nhu cầu của ngành.
Hiện nay, nhu cầu nhân lực có tay nghề cao trong ngành công nghiệp hỗ trợ đang gia tăng do sự phát triển về khoa học, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Trong khi đó, số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ còn rất hạn chế so với nhu cầu của ngành.
Ông Cao Văn Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) nhận định, nguồn nhân lực hiện nay là yếu tố quan trọng đối với việc cải thiện chất lượng sản phẩm, do vậy, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đã khiến nhiều doanh nghiệp tốn không ít nguồn lực, chi phí vì sau khi tuyển dụng xong thì phải gần như đào tạo lại để phù hợp với trình độ chuyên môn, mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Lê Quý Thành, Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang cho hay, hiện vẫn còn tình trạng chênh lệch giữa khoa học công nghệ thực tế doanh nghiệp đang sử dụng với cập nhật chương trình đào tạo tại các nhà trường ngành công nghiệp hỗ trợ. Các nhân sự làm việc trong ngành này ngoài kiến thức chuyên môn thì cũng rất cần những am hiểu về hệ thống, về quy trình, tiêu chuẩn cao như ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001… hay cách thức vận hành máy móc, thiết bị hiện đại. Những nguồn nhân sự này hiện nay rất khó tìm được trong các trường đại học hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay vẫn còn tình trạng “vênh” giữa cung - cầu, tức là từ cơ sở đào tạo đến thực tiễn doanh nghiệp còn khoảng cách. TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội phân tích, có hai loại vênh là vênh về số lượng và vênh về chất lượng. Muốn thu hẹp khoảng cách giữa cung với cầu, chắc chắn phải có sự vào cuộc từ hai phía, kể cả phía các trường và phía các đơn vị sử dụng lao động, mà cụ thể ở đây là doanh nghiệp.
Tăng cường liên kết giữa chương trình đào tạo và cung ứng lao động
Theo các chuyên gia, để ngành công nghiệp hỗ trợ thực sự phát triển xứng với tiềm năng và cơ hội đang đặt ra, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần tiếp tục bắt tay và phối hợp chặt chẽ, gia tăng đặt hàng nhân lực từ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục đào tạo trong dài hạn.
Tập trung liên kết, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục là giải pháp căn cơ trong thời điểm này.
Hiện nay, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã giao Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, như chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tạo ra một hệ thống chuyên gia nhằm giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp Cao Văn Bình thông tin, hiện Trung tâm đang phối hợp cùng các tổ chức quốc tế và các Tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt - Hàn (VITASK), Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội... tổ chức các chương trình đào tạo.
Điển hình như chương trình đào tạo hơn 400 chuyên gia về lĩnh vực tư vấn cải tiến sản xuất, thực hiện tư vấn hiện trường tại doanh nghiệp; đào tạo 100 chuyên gia tư vấn chuyển đổi số phát triển nhà máy thông minh; đào tạo 200 kỹ sư khuôn mẫu chất lượng cao; đào tạo hơn 200 kỹ thuật viên theo Chương trình “Hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế, lập trình gia công khuôn mẫu ứng dụng công nghệ CAD/CAM/CAE-CNC và Đo kiểm cho kỹ thuật viên trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến và chế tạo”…
Nhiều cơ sở đào tạo cũng đang tập trung đa dạng hình thức giảng dạy, thực nghiệm để nâng cao chất lượng sinh viên khi ra trường. TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường đang có 12 chương trình đào tạo theo nhu cầu và tuyển dụng trước khi tốt nghiệp với các đối tác doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay là Đài Loan (Trung Quốc), cụ thể như Nissan, LG…
Có trên 1.000 sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang tham gia những chương trình này và các em đã được hưởng lương từ doanh nghiệp ngay từ năm học thứ ba, thứ tư. Đáng chú ý, 5 chương trình đào tạo lĩnh vực công nghệ kỹ thuật tại Đại học Công nghiệp Hà Nội đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng ABET của Hoa Kỳ có 5 ban cố vấn doanh nghiệp, mỗi ban cố vấn gồm đại diện của 15 - 17 doanh nghiệp.
Nguồn: Tạp chí Thông tin và Truyền thông