[khcncongthuong] Thắt chặt hợp tác giáo dục giữa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp Trung Quốc
Từ ngày 17/8-20/8, tại Trung Quốc, đã diễn ra Hội nghị thành lập Cộng đồng Giáo dục Nghề nghiệp Việt Trung với mục tiêu thảo luận, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và doanh nghiệp tại Trung Quốc.
Hội nghị do Học viện kỹ thuật Chức nghiệp Yên Đài, Trung Quốc phối hợp cùng Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp Trung Quốc tổ chức.
Đoàn đại biểu phía Việt Nam có sự tham gia của PGS.TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; TS. Lê Anh Đức – Phó Trưởng phòng Đào tạo và TS. Nguyễn Hoàng Tú – Phó Trưởng phòng Hợp tác đối ngoại, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; cùng cán bộ Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam; Phía Trung Quốc, có hơn 80 cơ sở đào tạo và 20 doanh nghiệp Trung Quốc đã tham dự hội nghị.
PGS.TS. Phạm Văn Đông trình bày tham luận: "Tích hợp Giáo dục - Công nghiệp và hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc trong thời đại mới: Thực tiễn tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Việt Nam" (Ảnh: Đại học Công nghiệp Hà Nội)
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Phạm Văn Đông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo ông, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và thị trường lao động thay đổi liên tục, việc tích hợp giáo dục với công nghiệp và mở rộng hợp tác quốc tế là điều cần thiết.
Do đó, trong những năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp và trường đại học quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng vào mối quan hệ hợp tác ba bên giữa các trường đại học ở Việt Nam, các trường đại học tại Trung Quốc và các doanh nghiệp.
Mô hình hợp tác ba bên cho phép tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, quốc tế hóa giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hỗ trợ về công nghệ, hỗ trợ người học và sử dụng sản phẩm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, việc hợp tác tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên Việt Nam sang Trung Quốc để trao đổi và học tập, đồng thời đẩy mạnh thu hút giảng viên và sinh viên từ Trung Quốc đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam.
Ngoài ra, mô hình này cũng chú trọng thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đầu tư cho Đại học Công nghiệp Hà Nội về cơ sở vật chất: Máy, thiết bị, công nghệ,… phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, cùng nhà trường xây dựng chương trình đào tạo, tham gia vào quá trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Với những tiến bộ trong quan hệ ngoại giao, hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng với các giải pháp thực tiễn từ Đại học Công nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp Trung Quốc, các bên tin tưởng rằng chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực của hai quốc gia sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và hợp tác ngày càng sâu sắc hơn.
Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương