[Lao Động] Sinh viên IT mơ ước về cơ hội việc làm thu nhập cao
IT - Công nghệ thông tin được đánh giá lĩnh vực đang bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc. Môi trường làm việc rộng mở cùng mức thu nhập cao là mơ ước của nhiều bạn sinh viên trong ngành.
Việc nhiều, lương cao
Nguyễn Viết Dương (sinh viên năm cuối ngành IT, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Có rất nhiều lý do để tôi lựa chọn theo đuổi ngành IT. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là cơ hội việc làm có mức lương cao hơn so với những ngành nghề khác”.
IT vốn không phải là lĩnh vực đầu tiên mà nam sinh hướng đến. Trước đây, Viết Dương theo học khối B và có dự định theo đuổi ngành Y. Tuy nhiên, tìm hiểu thấy quá trình học tập nghiên cứu và xin việc lại vất vả nên anh đã chuyển hướng sang một công việc có nhiều cơ hội, chủ động hơn trong đầu ra.
Viết Dương tâm sự: “Khó khăn khi theo học ngành IT thì nhiều. Muốn tìm được các tài liệu học thuật chuẩn để nghiên cứu sâu thì hầu như đều là tiếng Anh. Vì vậy để học được ngành này, việc có vốn ngoại ngữ khá quan trọng”.
Viết Dương từng là thực tập sinh và hiện tại đang là một fresher - người mới ở vị trí lập trình viên (magento backend developer) trong một công ty công nghệ. Ảnh: Viết Dương.
Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin yêu cầu tối thiểu phải có một chiếc máy tính đủ mạnh và liên tục cập nhật các tính năng công nghệ mới. So với các thiết bị máy tính khác chỉ phục vụ cho việc tra cứu tài liệu, sử dụng các tính năng văn phòng cơ bản thì máy tính sử dụng cho ngành học này thường có mức giá khá cao.
Ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, Viết Dương đã xin làm thực tập sinh ở một số công ty về công nghệ. Dù là người mới nhưng thu nhập của Viết Dương ở mức khá.
“Với mức lương của một fresher - người mới ở thời điểm hiện tại, tôi có thể tự trang trải cho cuộc sống. Ngoài ra vẫn có thể tiết kiệm được một khoản nhỏ để phục vụ cho những mục tiêu phát triển bản thân sau này”- Viết Dương nói.
Một ngành học vất vả
Khác với Viết Dương, Nguyễn Thanh Sơn đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành công nghệ phần mềm - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Thanh Sơn chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực IT.
Thanh Sơn chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã rất thích tìm tòi về đồ công nghệ, cảm thấy có rất nhiều thứ để mình khám phá.
Khi bắt đầu đăng ký nguyện vọng, tôi có tìm hiểu sâu hơn và thấy công nghệ thông tin là một ngành có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai.
Hơn nữa, việc được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến cả trong và ngoài nước cũng là cơ hội để tôi phát triển bản thân. Hiện tại, ở bất kỳ công ty doanh nghiệp nào, các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin đều rất quan trọng”.
Sơn luôn tranh thủ thực hành mỗi khi rảnh rỗi. Ảnh: Nguyễn Duy.
Tuy mới tìm hiểu và theo đuổi ngành công nghệ thông tin nhưng Thanh Sơn cho rằng, đây là một ngành học khá vất vả.
“Theo tôi bất kỳ ngành học nào cũng có cái khó riêng. Tuy nhiên, khối lượng kiến thức ngành IT khá lớn và mang tính học thuật, yêu cầu sự chính xác tuyệt đối. Tôi phải luôn cập nhật vì có thể chỉ ngay ngày hôm sau những kiến thức mình học đã trở nên lỗi thời”.
Mặc dù thị trường lao động - việc làm của ngành công nghệ thông tin hiện đang rất rộng mở. Tuy nhiên, đối với một sinh viên năm nhất chưa thực sự có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thì việc tìm kiếm một công việc để làm quen với ngành học cũng không dễ dàng. Nam sinh cho biết sẽ tiếp tục dành thời gian để tự học nhiều hơn.
Số liệu tổng hợp mới nhất từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, sau Tết, một số nhóm ngành mà các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Vận tải – logistics; Dịch vụ nhà hàng – khách sạn, du lịch; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; Công nghệ - thông tin;… với tổng số nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000 – 120.000 người lao động.
Cũng theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, công nghệ thông tin vẫn là lĩnh vực được dự báo có mức tăng trưởng cao trong năm 2023. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng từ 12.000 – 15.000 nhân sự.
Nguồn: Báo Lao Động