[laodong] Nhiều trường đại học đào tạo liên ngành, xuyên ngành
Nhiều cơ sở giáo dục đại học có xu hướng chuyển từ đào tạo ngành hẹp sang đào tạo liên ngành, xuyên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại kỷ nguyên số.
Nhiều trường đại học dần chuyển từ đào tạo ngành hẹp sang đào tạo liên ngành, xuyên ngành. Ảnh: Trang Hà
Ưu tiên chọn chương trình đào tạo liên ngành
Có nguyện vọng học ngành Truyền thông đa phương tiện, bạn Lê Đức Anh - học sinh lớp 12, Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) - cho biết, bản thân lựa chọn ngành nghề này dựa trên đam mê và khả năng của bản thân. Tuy nhiên, Đức Anh khá băn khoăn về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm của ngành mình đã chọn.
“Theo tìm hiểu của em, Truyền thông đa phương tiện là ngành kết hợp nhiều yếu tố như công nghệ thông tin, báo chí, tiếp thị... nhằm sáng tạo các sản phẩm ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khái niệm này đối với em vẫn còn khá mơ hồ. Em chưa rõ mình sẽ được đào tạo những gì. Ngoài ra, em cũng khá băn khoăn về cơ hội việc làm của ngành” - Đức Anh trăn trở.
Không chỉ các bạn học sinh, một số sinh viên đang theo học các chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành cũng có những băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bạn Trần Hải Đăng - sinh viên năm nhất ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu - Đại học Công nghiệp Hà Nội - cho biết, hiện tại, chương trình đào tạo năm nhất là sự tổng hòa của nhiều môn học.
“Hiện tại, chương trình học năm nhất có khoảng 30 tín chỉ bao gồm cả các môn lý luận, cơ sở ngành và chuyên ngành (chưa bao gồm giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng). Từ năm 2 trở đi, sẽ tăng dần khối lượng các môn chuyên ngành. Em có đọc được thông tin Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là ngành đang rất khát nhân lực. Em cũng kỳ vọng rằng ngành sẽ mở ra cơ hội việc làm với mức lương tốt cho sinh viên sau khi tốt nghiệp” - Đăng cho biết.
Giải bài toán nhân sự thời 4.0
Khác với đào tạo ngành hẹp, xu hướng liên ngành, xuyên ngành là việc tích hợp nhiều lĩnh vực khác nhau vào một ngành đào tạo. Người học sẽ được trang bị kiến thức chuyên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực.
Dẫn chứng về điều này, PGS.TS Trần Quang Anh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông - cho biết, trong tương lai công nghệ thông tin sẽ phát triển trở thành ngành nền tảng cho các ngành nghề khác phát triển.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong tương lai, thay vì có năng lực về công nghệ thông tin nói chung thì sinh viên cần được học một chương trình mà công nghệ thông tin có thể áp dụng vào đa dạng ngành nghề khác nhau. Đây là yêu cầu tất yếu nhằm đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong thời đại công nghệ phát triển” - PGS.TS Trần Quang Anh cho biết.
Đón đầu xu hướng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xác định, đào tạo liên ngành, xuyên ngành trở thành nhiệm vụ trọng tâm.
“Những năm trở lại đây, chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành nhằm đáp ứng chiến lược chuyển đổi số quốc gia và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số. Ví dụ, ngành Báo chí sẽ đào tạo báo chí số, tức kết hợp nền tảng công nghệ thông tin với năng lực báo chí. Hay ngành Marketing số, Thương mại điện tử - ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại. Việc đưa hàm lượng công nghệ nhất định vào các ngành kinh tế, kinh doanh, báo chí sẽ giúp học viện phát huy được tối đa thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.
Đào tạo xuyên ngành, liên ngành sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học tận dụng được tối đa nguồn nhân lực, từ đó đào tạo ra một thế hệ không chỉ nắm vững chuyên môn mà còn ứng dụng được công nghệ vào thực tiễn. Cơ hội việc làm vì vậy trở nên rộng mở” - PGS.TS Trần Quang Anh chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa - cho rằng, đào tạo liên ngành là điểm sáng trong thời kỳ công nghệ phát triển.
“Để đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay, các ngành nghề không còn đơn thuần là sinh viên ngành kỹ thuật chỉ biết kỹ thuật; sinh viên ngành kinh tế chỉ biết đến kinh tế. Yêu cầu đặt ra cho nguồn nhân lực là phải biết kiến thức tổng hợp, đa lĩnh vực, ứng dụng được công nghệ cao. Xác định được xu hướng này, Trường Đại học Phenikaa đã tuyển sinh một số ngành mới như Marketing số, Công nghệ tài chính Fintech. Chúng tôi đánh giá đây là những ngành có khả năng sẽ trở thành ngành hot, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai” - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ.
Nguồn: Báo điện tử Lao Động