[phapluatxahoi] Nhóm nữ sinh trường ĐH Công nghiệp Hà Nội khởi nghiệp từ vỏ cam, bưởi
Xuất phát từ mong muốn phát triển một tương lai bền vững, nhóm 5 nữ sinh của khoa Quản lý kinh doanh và Công nghệ Hóa, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã mang đến bộ giải pháp biến vỏ cam, bưởi “từ zero thành hero”. Đó là dự án “Công nghệ tách chiết tinh dầu và viên than nén từ vỏ cam, bưởi”.
Nhóm 5 nữ sinh là tác giả của dự án “Công nghệ tách chiết tinh dầu và viên than nén từ vỏ cam, bưởi”. Ảnh: Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
Top 50 dự án xuất sắc nhất cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp"
Dự án của 5 sinh viên (Nguyễn Tú Anh, Nguyễn Vân Anh, Hoàng Hiếu Ngân, Lê Thị Phương - sinh viên cùng khoa Quản lý kinh doanh) và Dương Thùy Trang - sinh viên khoa Công nghệ Hóa) đã lọt vào Top 50 dự án xuất sắc nhất trong tổng số 500 dự án của sinh viên, tham gia Vòng Đào tạo và vòng Bình chọn Chung kết cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần VI (SV Startup) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Em Nguyễn Tú Anh chia sẻ, tháng 10/2023, khi ĐH Công nghiệp Hà Nội thông báo về cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp trường để chọn đội đi thi toàn quốc, Tú Anh cùng 4 bạn nhanh chóng quyết định sẽ tham gia. Trong một lần về nhà ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Tú Anh thấy bưởi của các bác nông dân rụng rất nhiều, phải bỏ đi rất lãng phí.
Không chỉ quê Tú Anh mà nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước cũng trồng cây có múi (khoảng 210.000 ha), chủ yếu là cam và bưởi. Có điều, vỏ cam, bưởi lại không được xử lý, tái chế, bỏ đi hàng nghìn tấn mỗi năm, trong khi có thể mang lại những giá trị vượt trội.
Từ trăn trở đó, nhóm đã chia sẻ mong muốn thực hiện dự án tách chiết tinh dầu từ vỏ cam, bưởi, sau đó tận dụng phần bã thừa để làm thêm một sản phẩm khác với các thầy cô của mình. Trước khi đi đến quyết định làm than nén, nhóm đã nghĩ đến việc định làm phân vi sinh. Tuy nhiên, sản phẩm này ở ngoài thị trường có khá nhiều, nên nhóm quyết định làm sản phẩm khác mới mẻ và thị trường cần.
5 em sinh viên sau đó đã chú ý đến những thông tin về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Người dân sử dụng sản phẩm đốt như than nén nhưng trong đó có loại than nén chưa qua xử lý, gây hại cho sức khỏe và môi trường sống.
Liên tưởng đến Việt Nam, thị trường nước ta cũng có than nén được làm từ mùn cưa và vỏ dừa nhưng thời gian cháy của những loại than này khá ngắn. Chính vì vậy, nhóm đã lên ý tưởng làm viên than nén không khói từ vỏ cam, bưởi.
Sản phẩm nhiều ưu điểm, mang lại giá trị kinh tế cao
Ngoài 2 thầy cô hướng dẫn là TS.Đỗ Thị Ngọc Lan - Giảng viên khoa Quản lý kinh doanh và TS.Nguyễn Minh Việt - Giảng viên khoa Công nghệ Hóa, 5 nữ sinh còn có sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, trường ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội. Các chuyên gia nhận định, việc tách chiết tinh dầu hay làm than nén thì nhiều người trước đó đã từng làm.
Tuy nhiên, điểm khác biệt được đánh giá cao của dự án này là làm ra 2 loại sản phẩm (tinh dầu và than nén) từ một nguồn nguyên liệu. Nhờ thế mạnh này, một số doanh nghiệp đã đồng ý đồng hành, hỗ trợ nhóm.
Với sự cố gắng của các thành viên cùng sự hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình của các thầy cô, chuyên gia, cuối cùng, 5 em sinh viên đã cho ra sản phẩm đúng như mong muốn. Mẫu than nén không khói đã được gửi tới một số doanh nghiệp, Viện Vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng. Kết quả thử nghiệm cho thấy mẫu đạt chuẩn, bao gồm cả các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Ưu điểm của loại than này là dễ cháy hơn các than không khói khác trên thị trường nhờ lượng tinh dầu dư thừa trong vỏ cam, bưởi. Bên cạnh đó, nhiệt lượng cháy đạt trên 6.900 kcal/kg, tương đương than đá. Than cũng cháy lâu hơn, khoảng 3 - 5 tiếng. Hơn nữa, than nén của nhóm giảm thiểu khí thải CO2, thân thiện với môi trường.
Dự án “Công nghệ tách chiết tinh dầu và viên than nén từ vỏ cam, bưởi” sẽ góp phần giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, nâng cao giá trị cây cam, bưởi của Việt Nam, mà còn gây dựng nền kinh tế xanh, bền vững. Sản phẩm của 5 nữ sinh cũng đáp ứng được 3 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Hiện tại, sản phẩm đang trong quá trình kiểm thử và tiếp tục cải tiến thêm. Nhóm cũng chưa tiết lộ giá thành của sản phẩm. Với sản phẩm nhiều ưu điểm, 5 nữ sinh của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội hy vọng dự án của mình sẽ lọt vào vòng chung kết cuộc thi SV Startup. Nhóm cũng mong muốn sẽ mang dự án tham gia một cuộc thi khác tại nước ngoài và sản phẩm sẽ sớm được đưa ra thị trường.
Không chỉ có một dự án hữu ích, sau quá trình nghiên cứu khoa học, làm việc chung, các em sinh viên còn trưởng thành hơn ở cả suy nghĩ và năng lực, kinh nghiệm. Các em đã học hỏi được nhiều điều bổ ích từ thầy cô, chuyên gia, bạn bè như các kỹ năng nghiên cứu khoa học, thực hiện kế hoạch tài chính, giới thiệu sản phẩm, định giá,… Đó chính là hành trang vững chắc giúp các em gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.
Việc tạo ra sản phẩm đa dạng từ vỏ cam, bưởi sẽ mở rộng thị trường tiềm năng cho dự án, thu hút sự chú ý của các ngành công nghiệp khác như làm đẹp, y tế và sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường. Nhóm dự án còn nỗ lực hướng đến sự phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, khuyến khích mô hình kinh doanh có trách nhiệm xã hội.
Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị