[ Tạp chí Điện tử và Ứng dụng] Xu hướng mới về công nghệ trong các lĩnh vực Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa
Ngày 21/6 tại Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) đã tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa lần thứ I (EEA 2024) với chủ đề: “Xu hướng mới về công nghệ trong các lĩnh vực Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa”.
Hội nghị thu hút hơn 400 đại biểu, chuyên gia đến từ 30 đơn vị là các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) khẳng định: Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa luôn được coi là mạch máu, hệ thần kinh và xương sống của một nền công nghiệp hiện đại. Sự ổn định và mạnh mẽ của Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa sẽ là nguồn động lực to lớn cho sự phát triển của một nền công nghiệp, của một quốc gia.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0) đang thay đổi toàn diện các ngành công nghiệp thông qua việc tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data). Trong bối cảnh đó, vai trò Năng lượng, Điện tử, và Tự động hóa càng trở nên then chốt và là nền tảng cho sự phát triển và ứng dụng các công nghệ mới.
PGS.TS. Phạm Văn Đông phát biểu tại hội nghị.
“Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác, trao đổi học thuật, tìm kiếm những hướng nghiên cứu, xu hướng công nghệ mới mà đặc biệt là các hướng nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực là xu thế tất yếu đối với các nhà khoa học nghiên cứu về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa”. PGS.TS. Phạm Văn Đông nói.
Chính vì thế, Hội nghị khoa học quốc gia về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa lần thứ I vì thế lại càng trở nên quan trọng và mang đậm tính thời sự. Hội nghị lần này được kỳ vọng là một diễn đàn chuyên sâu, nơi các chuyên gia trong nước và quốc gia hội tụ để giới thiệu, trao đổi, chia sẻ và thảo luận về các vấn đề mới nhất về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ nước nhà nói riêng và góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển đất nước nói chung.
Ban tổ chức tặng quà cho các diễn giả tham dự hội nghị.
Hội nghị EEA 2024 đã nhận được hơn 200 báo cáo khoa học, trong đó, có 88 báo cáo được trình bày tại Hội nghị của các tác giả đến từ 8 quốc gia (Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Mozambique, Ba Lan, Pakistan và Việt Nam) với nhiều giải pháp, ý tưởng đột phá trên các lĩnh vực: Năng lượng và phát triển bền vững; Lưới điện thông minh, công nghệ lưu trữ và biến đổi năng lượng; Kỹ thuật sản xuất thông minh; Ứng dụng điện tử công suất trong các hệ thống năng lượng; Công nghệ kỹ thuật nhiệt và điều hòa không khí; Công nghệ Cơ – Điện tử, Điều khiển chuyển động và Robot công nghiệp; Truyền tải năng lượng không dây; Điện tử viễn thông và điện tử y sinh; Hệ thống thu thập và truyền dữ liệu; Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; Các tiến bộ kỹ thuật trong công nghiệp.
Đại diện Đại học Công nghiệp Hà Nội trao Cờ đăng cai tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa lần thứ 2 cho đại diện Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị các diễn giả, nhà khoa học đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, xanh và bền vững. Những chia sẻ và thảo luận tại hội nghị cùng các nghiên cứu đã đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ, đồng thời là một trong những căn cứ vững chắc, gợi mở quan trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo ở các cơ sở đào tạo ngành Công Thương nói riêng và các cơ sở đào tạo khác nói chung trong giai đoạn tới.
Được biết, hội nghị quốc gia về EEA sẽ trở thành hoạt động thường niên, 2 năm/ lần. Theo đó, 6 cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương lần lượt đăng cai tổ chức. EEA lần thứ II (năm 2026) trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đăng cai tổ chức.
Nguồn: Tạp chí Điện tử và Ứng dụng