[Thời báo Tài chính Việt Nam] Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển do thiếu nguồn cung nhân lực chất lượng cao
(TBTCO) - Ông Cao Văn Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cảnh báo, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ...
Hiện nay Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đáng chú ý là Quyết định số 68/QĐ-TTg (ngày 18/1/2017) về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025… Tuy nhiên, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đang là bài toán khó được các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trăn trở.
Tại tọa đàm nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ diễn ra ngày 12/10, ông Cao Văn Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương thẳng thắn nhận xét, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo, thiết bị linh phụ kiện điện, điện tử...
Nhiều doanh nghiệp tốn không ít nguồn lực, chi phí sau khi tuyển dụng xong thì phải gần như đào tạo lại để phù hợp với trình độ chuyên môn và mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển do thiếu nguồn cung nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Hải Anh
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Manutronic Việt Nam chia sẻ, để đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp đã và đang đầu tư cho công nghệ sản xuất, nhưng cái khó là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp nhận và vận hành. Đây là bài toán đặt ra đối với nhiều doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, việc kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và xã hội là rất quan trọng.
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam thấp hơn so với các nước phát triển khác. Chính vì vậy, thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg, trường đã và đang thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo 6 ngành nghề trình độ cao đẳng.
Với sự đa dạng của các chương trình đào tạo trình độ về lĩnh vực, ngành nghề, về cơ bản sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được các nhu cầu khác nhau trong ngành công nghiệp nói chung và công nghệ hỗ trợ nói riêng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xây dựng cơ chế, ưu đãi khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, sớm hóa giải các thách thức về nguồn nhân lực, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cùng với đó, quy hoạch lại tổng thể để phân bố và xác định quy mô không gian phát triển công nghiệp theo địa phương, vùng miền, qua đó tái cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu giai đoạn hậu dịch Covid-19.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam