[vov] ĐH Công Nghiệp Hà Nội: Tính ứng dụng đặt lên hàng đầu
[VOV2] - Tăng cường trải nghiệm tối đa giúp người học có cơ hội rèn luyện kiến thức, kỹ năng và thái độ trong môi trường kinh doanh thực tế, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành là triết lý đào tạo của Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội.
Chọn cho mình một phân khúc đào tạo rất thực tế, mục tiêu làm sao để sinh viên ra trường có việc làm ngay, thậm chí có việc làm ngay từ khi còn đi học thông qua việc thực tập, thực hành tạo các doanh nghiệp... Đó chính là triết lý giáo dục của Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội, đặc biệt đối với ngành Quản trị Khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn TS Cao Thị Thanh, Trưởng Khoa Quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường Ngoại ngữ - du lịch, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
TS Cao Thị Thanh, Trưởng Khoa Quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường Ngoại ngữ - du lịch, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
PV: Đâu là nét đặc thù sự khác biệt của ngành đào tạo Quản trị khách sạn (QTKS) và Quản trị nhà hàng & dịch vụ ăn uống (QTNH&DVAU) ở ĐH Công nghiệp Hà Nội thưa TS?
TS Cao Thị Thanh: Hiện nay, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những đơn vị hàng đầu đào tạo ngành QTKS, QTNH&DVAU theo định hướng ứng dụng.
Theo định hướng này, chương trình đào tạo của Nhà trường có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, người học với người sử dụng lao động. Chương trình đào tạo gắn kết với thực tiễn, tăng cường trải nghiệm tối đa cho người học, giúp người học có cơ hội rèn luyện kiến thức, kỹ năng và thái độ trong môi trường kinh doanh thực tế. Đây chính là cơ hội để người học có thể rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế; tự tin thể hiện năng lực, khai phá bản thân để phát triện toàn diện hơn. Trong chương trình đào tạo, người học được đào tạo kiến thức với đa dạng các hình thức học tập như lý thuyết; thực hành; tham quan; trải nghiệm nghề nghiệp tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng.... 100% sinh viên có cơ hội thực tập trong các đơn vị đạt tiêu chuẩn 4 – 5 sao kinh doanh lĩnh vực Nhà hàng – Khách sạn trong nước và quốc tế. Được học thực hành tại hệ thống cơ sở hiện đại, đồng bộ và đạt chuẩn, cùng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và các chuyên gia đến từ các Nhà hàng – Khách sạn chuẩn 5 sao quốc tế. Được học tập và rèn luyện các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao phục vụ cho quá trình hình thành và phát triển ngành nghề trong tương lai. Đặc biệt, người học sẽ có cơ hội nghề nghiệp ngay từ khi còn học tập tại trường.
PV: Tỷ lệ sv tốt nghiệp có việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo khẳng định trách nhiệm và hiệu quả của chương trình đào tạo. Với Khoa Quản trị nhà hàng - khách sạn của ĐH Công Nghiệp HN - vấn đề này được chú trọng như thế nào ?
TS Cao Thị Thanh: Tại ĐHCNHN, sinh viên đại học ngành QTKS tốt nghiệp với tỷ lệ trung bình khoảng 85%, trong đó gần 90% làm việc đúng chuyên ngành đào tạo. Điều này một mặt thể hiện sức hút nhân sự của khối ngành dịch vụ du lịch trong giai đoạn hiện nay, mặt khác thể hiện chất lượng nhân sự ngành QTKS được đào tạo từ ĐHCNH đã được thị trường lao động đón nhận và khẳng định.
Trong quá trình đào tạo, Khoa chuyên môn và Nhà trường một mặt luôn xây dựng lộ trình đào tạo rõ ràng và thông báo ngay từ đầu khóa học tới từng SV. Hệ thống giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập và từng GV tham gia giảng dạy của chương trình đào tạo đều chủ động, tích cực tham gia tư vấn, hỗ trợ người học về phương pháp học tập, về ngành, nghề, lộ trình phát triển nghề nghiệp,… Bên cạnh đó, Khoa phối hợp cùng các đơn vị chức năng trong Nhà trường như Phòng Hợp tác đối ngoại, Phòng Công tác SV, Trung tâm Truyền thông và Quan hệ công chúng hỗ trợ người học từ việc tiếp cận với môi trường nghề nghiệp thông qua các cuộc tham quan, trải nghiệm tại các nhà hàng, khách sạn chuẩn 4 – 5 sao quốc tế, đến tham gia trực tiếp vào quá trình vận hành các nhà hàng, khách sạn chuẩn 4 – 5 sao quốc tế thông qua các kỳ thực tập. Từ đó, sinh viên khi ra trường đều quen thuộc với môi trường DN, hoàn toàn thuần thục các kỹ năng nghề nghiệp, dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc trong và ngoài nước.
PV: Đặc thù của ngành dịch vụ du lịch là sv phải đc đầu tư khả năng ngoại ngữ và phông kiến thức VHLS cùng với kỹ năng thực hành. Khoa Quản trị nhà hàng - khách sạn của ĐHCN chú trọng đào tạo cho sinh viên kỹ năng gì?
TS Cao Thị Thanh: Xuất phát từ nhu cầu thực tế của ngành, trong thời gian qua, Nhà trường đã đổi mới tổng thể quá trình đào tạo các ngành QTKS, QTNH&DVAU theo hướng vận hành, thể hiện ở các mặt: SV được thực hành với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại tương ứng với chuẩn nhà hàng, Khách sạn 4 sao; được học tập với đội ngũ Giảng viên giàu kinh nghiệm của nhà trường, và đặc biệt là được học tập cùng với các chuyên gia đến từ các nhà hàng, khách sạn 5 sao quốc tế; bên cạnh mô hình học tập chuẩn 4 sao tại trường,sinh viên được thực tập trải nghiệm tại các nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 4 – 5 sao.
Thông qua quá trình đào tạo theo hướng vận hành, sinh viên các ngành QTKS, QTNH&Dịch vụ ăn uống của Nhà trường không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, mà còn được được trang bị kỹ năng giám sát, quản lý và điều hành, hình thành tư duy làm việc độc lập, khả năng ứng phó với những thay đổi, có năng lực tự chủ, có khả năng tự tạo việc làm bằng con đường khởi nghiệp. Đặc biệt phát huy thế mạnh là một trường đào tạo chuyên sâu khối ngành Ngôn ngữ, sinh viên ngành QTKS, QTNH&DVAU tốt nghiệp trường ĐHCNHN được trang bị về khả năng ngoại ngữ như ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tùy vào định hướng lựa chọn của các em, giúp các em có thể làm việc được trong môi trường đa văn hóa.
PV: Cạnh tranh về chất lượng đào tạo theo bà có phải là sự cạnh tranh lành mạnh? Với Khoa Quản trị nhà hàng - khách sạn, giảng viên, sinh viên có ý thức thế nào về sự cạnh tranh năng lực chuyên môn để nâng cao chất lượng đào tạo của khoa cũng như tạo cho sinh viên có nhiều lợi thế khi tuyển dụng?
TS Cao Thị Thanh: Trong những năm gần đây, cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục đại học thuộc khối ngành du lịch, khách sạn ở Việt Nam ngày càng trở nên gay gắt. Gần đây, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học về du lịch đã được củng cố, số lượng tăng nhanh. Cả nước hiện có gần trăm cơ sở đào tạo các ngành du lịch, khách sạn ở trình độ đại học. Điều này đang tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ đối với các cơ sở đào tạo đại học trong lĩnh vực du lịch, khách sạn trong nước.
Trước bối cảnh cạnh tranh trong đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, Khoa Quản trị nhà hàng - khách sạn luôn giữ vững quan điểm cạnh tranh lành mạnh, tập trung mọi nguồn lực bên trong Nhà trường và bên ngoài doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - giảng viên, đổi mới chương trình đào tạo đảm bảo sự cân bằng giữa lý thuyết và hướng nghiệp, đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng công nghệ dựa trên nền tảng là phục vụ con người với tất cả sự tinh tế, tinh thần nhân văn sâu sắc, công bằng và nhân ái. Chính định hướng chiến lược này đã, đang và sẽ giúp Khoa và Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, tạo dựng uy tín và thương hiệu để thu hút người học.
PV: Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi này!
Một số hình ảnh học tập, thực hành của sinh viên Khoa Quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường Ngoại ngữ - du lịch, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Nguồn: Ban VĂN HÓA - XÃ HỘI, Đài Tiếng nói Việt Nam