[vov2] Mạng lưới nữ trí thức kết nối và hợp tác vì sự phát triển Thủ đô Hà Nội
[VOV2] - Nhân kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam, chương trình Tọa đàm “Xây dựng mạng lưới nữ trí thức: Kết nối và Hợp tác vì sự phát triển Thủ đô Hà Nội” do trường ĐH Thủ Đô Hà Nội tổ chức thu nhận nhiều ý kiến quý giá góp phần xây dựng Thủ đô.
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tổ chức chương trình toạn đàm với chủ đề " Xây dựng mạng lưới nữ trí thức: Kết nối và Hợp tác vì sự phát triển Thủ đô Hà Nội" Chương trình tọa đàm thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là các nữ trí thức của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Tọa đàm "Xây dựng mạng lưới nữ trí thức: Kết nối và Hợp tác vì sự phát triển Thủ đô Hà Nội"
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có lời chúc mừng tới các đại biểu nữ nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam đồng thời khẳng định sức ảnh hưởng và vai trò của nữ trí thức trong lĩnh vực khoa học công nghệ. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối, hợp tác, hỗ trợ và trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia và các nữ trí thức để củng cố sự phát triển và tầm ảnh hưởng của người phụ nữ trong giới trí thức.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn trong bối cảnh hiện nay, Phụ nữ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Thực tế ngay tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội. dù cán bộ viên chức nữ chiếm đa số nhưng tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư vẫn còn thấp, chức danh khoa học của nữ cán bộ giảng viên chưa tương xứng với tiềm năng. Đồng thời người cán bộ, giảng viên nữ vẫn còn gặp những rào cản đặc biệt như cơ hội phát triển, định kiến xã hội,…
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ mong muốn buổi tọa đàm sẽ giúp cho các nữ trí thức được giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích và mang đến những giải pháp thiết thực, giúp cho đội ngũ các nữ trí thức phát triển lớn mạnh hơn nữa trong nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm một số nội dung cốt lõi như những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết trong hoạt động khoa học cũng như một số chính sách và tiêu chuẩn về chức danh cũng được bàn luận. Bên cạnh đó các đại biểu đưa ra những giải pháp và phương hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và Chi hội Nữ trí thức Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết, Hội Nữ trí thứ Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 5673/QĐ – UBND ngày 7/12/2012 của chủ thịch UBND thành phố Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện tại, Hội đã thành lập được 10 Chi hội trực thuộc, tập hợp được hơn 300 hội viên. Chi hội NTT Đại học Thủ đô Hà Nội là Chi hội thứ 10 thuộc Hội NTT Hà Nội. Hội có chức năng và các lĩnh vực hoạt động chính như: Tư vấn phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và chuyển giao công nghệ, tổ chức các sự kiện: Hội thảo khoa học, tọa đàm…
Trong giai đoạn 2023 – 2024, Hội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: Tổ chức thành công nhiều hội thảo như: “Đổi mới giáo dục và vai trò của Hội Nữ Trí thức Thủ đô”; “Hà Nội phát triển xanh – Thực trạng và giải pháp”; “Phố cổ Hà Nội – Thực trạng, giá trị và trách nhiệm”; Tọa đàm “Phụ nữ với Gia đình và xã hội”… Hội cũng kết nạp thêm gần 50 hội viên cá nhân và ra mắt thêm 03 Chi hội mới: Chi hội Viện Nghiên cứ phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội; Chi hội Kiến trúc, Xây dựng và Di sản; Chi hội Nữ trí thức trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Nhiều hội viên xuất sắc của Hội được biểu dương, khen thưởng “Phụ nữ Thủ đô làm theo lời Bác giai đoạn 2018 – 2023”, Công dân Thủ đô Ưu tú…Những thành tựu ấy khẳng định sức lan tỏa và ảnh hưởng ngày càng lớn của Hội trong cộng đồng trí thức Thủ đô.
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội chia sẻ về kinh nghiệm tập hợp và khai thác trí tuệ của nữ trí thức thông qua hoạt động của Hội Nữ trí thức Hà Nội.
Chia sẻ về kinh nghiệm tập hợp và khai thác trí tuệ của nữ trí thức thông qua hoạt động của Hội Nữ trí thức Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh : không chỉ chú trọng về hình thức mà các hoạt động của hội nữ trí thức phải thiết thựcvà phù hợp. Hội cần tập hợp, thu hút hội viên dựa trên tinh thần tự nguyện và tâm huyết, bên cạnh đó cần thúc đẩy truyền thông, củng cố các hoạt động, tổ chức sự kiện.
PGS.TS cũng đưa ra một số giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội và bày tỏ mong muốn ngoài hoạt động giảng dạy, Chi hội NTT Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện xã hội… góp phần nâng cao vị thế của nữ trí thức và Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
PGS.TS Bùi Thị An tóm gọn về mục tiêu và phương hướng hoạt động của Hội là “Làm những gì Thủ đô Hà Nội cần, lãnh đạo, nhân dân Hà Nội cần, phụ nữ Hà nội cần.”
GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến chia sẻ với các đồng nghiệp kỹ năng cần thiết để viết và đăng bài trên các tạp chí quốc tế, yêu cầu và bí quyết trong việc nghiên cứu đến công bố bài báo khoa học, tìm kiếm tạp chí và NXB uy tín… hỗ trợ các Nữ trí thức có thêm kinh nghiệm để đóng góp nhiều hơn số lượng bài công bố quốc tế.
GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến chia sẻ kỹ năng cần thiết để viết và đăng bài trên các tạp chí quốc tế
Bên cạnh chia sẻ công tác chuyên môn, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến cũng có đôi lời tâm sự với chị em phụ nữ làm khoa học về sự định vị bản thân và cách tổ chức công việc, quản lý thời gian để cân bằng giữa cuộc sống và công việc nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Sơn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cũng chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về “ Tiêu chuẩn chức danh GS, PGS: Thực tiễn và các biện pháp hỗ trợ đối với nữ trí thức”, giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về quy trình, tiêu chuẩn và những khó khăn, thách thức mà nữ trí thức gặp phải trong quá trình phấn đấu đạt các chức danh khoa học.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Sơn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ về “ Tiêu chuẩn chức danh GS, PGS: Thực tiễn và các biện pháp hỗ trợ đối với nữ trí thức”
Cũng trong buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh nêu quan điểm cần phải đánh giá thế mạnh, cơ hội và thách thức cũng như đặc điểm riêng của Nữ trí thức trẻ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội để có những phương thức và hoạt động phù hợp, đồng thời cũng nhấn mạnh sự hòa hợp chức năng “kép” của người phụ nữ.
Chia sẻ về “Chính sách phát triển đội ngũ nữ trí thức Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Nhà trường”, ThS Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường cho biết, “ Về chiến lược phát triển đội ngũ đến năm 2030, đặt ra 3 mục tiêu: Số lượng giảng viên là 400 người, 50% giảng viên có học vị Tiến sĩ, 25% giản viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh.” Với chiến lược đúng đắn, để kế hoạch được cụ thể hóa, ThS Nguyễn Thị Thúy đưa ra 3 nhiệm vụ chính: Đảm bảo đủ số lượng, cân đối về cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ, từ đó liệt kê các giải pháp được nhà trường triển khai về Tuyển dụng; Đào tạo, bồi dưỡng; Chế độ, chính sách…
PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ Trường Đại học Thủ đô nhằm thực hiện những mục tiêu, chiến lược được nhà trường đặt ra. Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội gợi ý: trong thời gian tới, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có thể tổ chức Tọa đàm về " Thực trạng đội ngũ nữ cán bộ giảng dạy của Đại học Thủ đô Hà Nội, cơ hội và thách thức "nhằm tìm kiếm những giải pháp thu hút nhân lực chất lượng cao cho Trường Đại học Thủ đô.
Tọa đàm “Xây dựng mạng lưới nữ trí thức: Kết nối và Hợp tác vì sự phát triển Thủ đô Hà Nội” đã mở ra nhiều cơ hội cho các nữ trí thức hợp tác, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó đưa ra những giải pháp, hoạt động thiết thực, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng của nữ trí thức trong sự nghiệp phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ của Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội cũng như Thủ đô Hà Nội.
Nguồn: Ban VĂN HÓA - XÃ HỘI, Đài Tiếng nói Việt Nam