[vov2] Phải đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ cao
[VOV2] - Con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới. Phải có chính sách hợp lý để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ cao đặc biệt các ngành công nghệ then chốt, công nghệ tiên tiến.
Sáng 28 tháng 9, Hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến năm 2045" do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội với sự tham gia của đại diện các cơ sở đào tạo Đại học trong cả nước, đại diện Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài Chính, Ngân hàng thế giới...
Hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến năm 2045" (Hà Nội 28-9-2024 )
Tại Hội thảo, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn, các đại biểu, các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến xác đáng nhằm góp ý hoàn thiện "Dự thảo Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến năm 2045".
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: Dự thảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045 là một công trình được xây dựng công phu và toàn diện.
Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao có vai trò chiến lược quan trọng đối với quốc gia trong việc phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là các ngành công nghệ then chốt như công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, hóa học, vật liệu tiên tiến và năng lượng xanh...
Yếu tố quyết định sự phát triển không chỉ là tài nguyên, công nghệ mà yếu tố cốt lõi chính là con người. Nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để đất nước ta nắm bắt cơ hội và vượt qua các thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế. Đề án "Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao" có vai trò chiến lược quan trọng đối với quốc gia trong việc phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là các ngành công nghệ then chốt như công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, hóa học, vật liệu tiên tiến và năng lượng xanh”, GS TS Chử Đức Trình khẳng định.
GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ ĐHQGHN
GS.TS Chử Đức Trình cho rằng, Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045 sẽ là kim chỉ nam định hướng cho các đơn vị giáo dục đại học và các cấp triển khai xây dựng các chiến lược phát triển và kế hoạch hành động để đảm bảo các sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay, đáp ứng tốt và bền vững nhu cầu nhân lực của đất nước.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ sang các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, vi mạch bán dẫn, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học... Để đáp ứng yêu cầu phát triển này, phải giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Chúng ta cần những chuyên gia, nhân lực không chỉ nắm vững kiến thức mà còn cần khả năng sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động và gia tăng sức cạnh tranh quốc tế.
Trước thách thức đó, vai trò của các trường đại học là vô cùng quan trọng. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ cần đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn phải là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, việc các trường Đại học liên kết với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng nhằm tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận những xu hướng công nghệ mới, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động toàn cầu, sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức.
Để đạt được điều này, theo GS Chử Đức Trình các cơ sở giáo dục cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cấp toàn diện chương trình đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên. Các hoạt động đào tạo cần gắn kết học thuật với thực tiễn, phát triển kỹ năng thực tế ở sinh viên, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lao động sản xuất của thị trường.
Bên cạnh đó, cải cách cơ chế hoạt động quản trị nhà trường là một yếu tốt quan trọng để mở ra những bậc tự do mới trong khuôn khổ pháp luật cộng hưởng các điều kiện để thúc đẩy sự phát triển.
Tham góp ý kiến cho dự thảo, đại diện Trường Đại học Duy Tân không khỏi lo lắng: Chủ trương đề án cần thiết phục vụ cho nguồn nhân lực ở các trường đại học tuy nhiên sự đầu tư cho nhiều trường liệu có dàn trải không? Bộ GD-ĐT cần xem thế mạnh của các trường để đầu tư vì nguồn lực có hạn, mà khối ngành kỹ thuật cần đầu tư về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, việc đề án dự kiến mời 2000 nhà khoa học nước ngoài về cũng cần phải tính đến nguồn kinh phí.
Đại diện Trường Đại học Duy Tân phát biểu
Là cơ sở đào tạo ứng dụng, đại diện trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng: Đề án có nhiều khảo sát liên quan đến cơ sở đào tạo tuy nhiên vẫn chưa đủ mà cần khảo sát cả nhu cầu của doanh nghiệp.
Đại diện trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nêu ý kiến
Đại diện ĐH Quy Nhơn chia sẻ: Việc khó tuyển sinh lĩnh vực khoa học cơ bản dẫn đến cần phải có chính sách đổi mới công tác tuyển sinh, khuyến khích học sinh tài năng vào học lĩnh vực Khoa học tự nhiên, STEM. Bên cạnh đó Đề án cần quan tâm tới yếu tố vùng miền để các trường được tham gia.
Đại biểu đến từ trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM góp ý: Cần có tiêu chí rõ ràng khi lựa chọn trường tham gia đề án để đầu tư hiệu quả và công bằng. Các trường được đầu tư phải có cam kết đạt được hiệu quả, đầu ra như thế nào để tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Bộ cũng nên căn cứ vào yếu tố này để lựa chọn. Ngoài ra cần làm rõ hơn vai trò của doanh nghiệp vì doanh nghiệp là nơi cập nhật nhanh nhất về công nghệ. Cần có thêm chính sách ưu đãi, chương trình để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cùng đào tạo để đạt hiệu quả cao nhất.
Đại biểu đến từ trường Đại học Vinh nêu ý kiến: Về thể chế cần bổ sung thêm chuẩn chương trình đào tạo giáo viên, cụ thể hóa khối Khoa học tự nhiên, công nghệ tích hợp để hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng giáo viên cho ngành công nghệ, tạo nguồn lực đào tạo giáo viên ở đại học. Trong các trường đại học đào tạo giáo viên nên có cấu phần đào tạo STEM để đào tạo giáo viên phổ thông có năng lực giảng dạy STEM vì phải nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông thì mới có nguồn tuyển tốt cho bậc Đại học.
Đại diện trường Đại học Vinh phát biểu
Đại biểu đại diện cho ĐH Đà Nẵng băn khoăn với con số 25% sinh viên học tập và làm việc trong lĩnh vực STEM khó thực hiện được. Bên cạnh đó, việc lựa chọn 100 chương trình đầu tư trọng điểm phải có tiêu chí lựa chọn để đầu tư.
Các chương trình như tiên tiến, chất lượng cao đã từng triển khai tuyển sinh đã khó. Việc hỗ trợ học phí cho sinh viên học STEM chưa hẳn là giải pháp thu hút sinh viên vào học mà quan trọng nhất là việc làm đúng ngành khi ra trường mới là cơ sở bền vững thu hút thí sinh theo học các ngành Khoa học công nghệ và STEM.
Đại diện trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đánh giá cao dự thảo của đề án về việc trao học bổng cho sinh viên ngành khoa học cơ bản, thậm chí cấp học bổng 100% và tăng số lượng lên. Nếu thực hiện được chương trình học bổng này chỉ sau 5 – 10 năm nữa chúng ta sẽ có đội ngũ nhân lực tốt.
Đại biểu đến từ ĐH Quốc gia TPHCM cho biết đã nghiên cứu rất kỹ đề án: Đề án đã phân tích toàn diện hệ thống, bao trùm nguồn nhân lực CLC. Hướng đào tạo của ĐHQGTPHCM dự kiến là đào tạo liên ngành như ngành trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học. Để làm tốt cần định hướng ngay từ đầu ở bậc phổ thông cho nguồn nhân lực này. Tiếp cận theo hướng liên ngành phải tập trung đào tạo theo mô hình mũi nhọn, nhân tài, không dàn trải. Đối với 3 ngành: Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sinh học và Vi mạch cần có sự tham gia của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo, như vậy câu hỏi đặt ra là: có cần phải thay đổi hoặc sửa lại chương trình đào tạo ko?
Đại diện của trường ĐH Giao thông Vận tải chia sẻ: Đây là đề án tổng thể thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề án mang tính chất đầu tàu dẫn dắt nhưng cần mở rộng ra đối tượng nguồn nhân lực khác để triển khai như đội ngũ kỹ thuật thông thường, công nhân lành nghề. Muốn có đầu vào đại học tốt cần đổi mới môn học từ phổ thông, đưa STEM vào ngay từ chương trình phổ thông.
Ông Đàm Quang Vinh – chuyên gia cao cấp của World Bank đưa ý kiến: Qua nghiên cứu ông rất ủng hộ đề án này. Chiến lược chính sách: Hạ tầng – thể chế - nhân lực. Trong đó đối với việc phát triển công nghệ cao đã được nêu là quốc sách nhưng đầu tư chưa được nhiều.
Giải pháp để thực hiện thành công chủ trương này là chương trình đào tạo. Bộ GD-ĐT cần rà soát các cơ sở giáo dục đại học trong vấn đề liên kết đào tạo; các trường tham gia đào tạo ở doanh nghiệp thì trình độ và kỹ năng có đủ đáp ứng đào tạo chương trình không? bằng cấp ra sao?
Ông Đàm Quang Vinh – chuyên gia cao cấp của Won Bank
Ông Vinh cũng cho rằng: Việc thu hút người học, tín dụng cho sinh viên là giải pháp khả thi nhất ngoài chính sách học bổng để sinh viên có thể dành toàn bộ thời gian cho học tập.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Hoàng Minh Sơn ghi nhận sự đóng góp ý kiến toàn diện đa chiều của các đại biểu, trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu và sẽ làm rõ phạm vi, đảm bảo nhiệm vụ Thủ tướng, Nghị quyết Chính phủ giao và tập trung để tránh dàn trải; đồng thời rà soát mục tiêu và chỉ số để sớm trình Chính phủ phê duyệt.
Nguồn: Ban VĂN HÓA - XÃ HỘI, Đài Tiếng nói Việt Nam