Nữ sinh chế tạo tay máy robot, đạt giải Nhất nghiên cứu khoa học
(Dân trí) - Cả lớp Điện 3 của Nga có tổng số 65 sinh viên thì chỉ có 6 bạn nữ. Năng lực xuất sắc của Nga phủ nhận câu nói "con gái khó học tốt ngành kỹ thuật".
Nguyễn Thị Nga, sinh viên lớp Điện 3, chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là một trong 30 sinh viên xuất sắc vừa được trao Học bổng Năng lượng tương lai - học bổng nhằm khích lệ và bồi dưỡng nguồn lực cho tương lai ngành năng lượng Việt Nam.
Để nhận được học bổng này, ngoài hồ sơ với thành tích học tập xuất sắc, Nga phải trải qua các vòng phỏng vấn qua điện thoại, phỏng vấn trực tiếp.
Em Nguyễn Thị Nga, sinh viên lớp Điện 3, chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Nga sinh năm 2001, quê huyện Yên Thế, Bắc Giang, đang là sinh viên năm cuối tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ngành kỹ thuật thường ít bạn nữ theo học, cả lớp Điện 3 của Nga có tổng số 65 sinh viên thì chỉ có 6 sinh viên nữ.
Nga tâm sự, ngay từ nhỏ, em đã thấy rất yêu thích các thiết bị tự động. Đó là lý do khi tốt nghiệp THPT, em quyết định đăng ký theo một ngành kỹ thuật là Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, thay vì chọn các ngành nghề có vẻ "nhàn" hơn, được nhiều bạn nữ chọn hơn.
Quyết định này của Nga không được đa số người xung quanh ủng hộ. Mọi người khuyên ngăn: "Con gái học ngành này vất vả lắm, mai sau rất khó xin việc". Bố mẹ Nga ban đầu lo lắng, nhưng thấy sự quyết tâm của con gái, ông bà đành đồng ý.
Theo học một ngành kỹ thuật, những bạn nữ như Nga gặp nhiều khó khăn, nhất là khi học các môn thực hành, phải "động tay động chân".
"Ví dụ, với môn Thiết kế lắp đặt tủ điện, để thiết kế thì khá dễ dàng, nhưng để lắp đặt tủ lại khó hơn. Các thiết bị trong phòng thực hành đều to, nặng, vận hành khó. Chúng em phải cắt, đấu dây điện trong tủ điện, trong khi nhiều bạn nữ trước đó chưa biết cầm dây điện thế nào, cầm cái kìm để cắt dây ra sao,…", Nga kể.
Nga cùng các bạn nam trong lớp Điện 3 (Ảnh: NVCC).
Tuy nhiên, dần dần, Nga đã vượt qua, thích nghi, thậm chí cảm thấy yêu thích việc học các môn thực hành. "Trong lớp, các bạn nữ luôn được ưu ái, nếu gặp khó khăn luôn được giảng viên hướng dẫn rất tận tình. Lớp em cũng rất đông bạn nam nên không bạn này hỗ trợ thì sẽ có bạn kia giúp", Nga nói.
Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Nga có thành tích học tập rất tốt. Kết quả trung bình chung học tập của em đến hết năm học 2021-2022 đạt 3.75/4.0. Bí quyết giúp Nga học tốt các môn thực hành là tập trung tối đa trong giờ học trên lớp, nhất là những buổi học đầu tiên và thường xuyên luyện tập.
Với các môn lý thuyết, ngoài việc nắm chắc kiến thức theo đề cương của thầy cô, em cũng thường tìm thêm tài liệu từ mạng internet, xin từ anh chị khóa trước để tự học.
Nga cũng rất yêu thích việc nghiên cứu khoa học. Năm học 2020 - 2021, đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tay máy robot 6 bậc tự do dạng self-study robot (robot tự học - PV)" của Nga và nhóm bạn đã và đạt giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường.
Nhờ đó, Nga cũng đạt phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học công nghệ năm 2021 do Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức.
Năm học 2021 - 2022, Nga tiếp tục tham gia nghiên cứu 2 đề tài, gồm "Ứng dụng công nghệ IoT để xây dựng bộ điều khiển trung tâm Home Gateway điều khiển các thiết bị thông mình trong nhà" và "Nghiên cứu truyền thông Modbus RTU biến tần với vi điều khiển ESP32 và ứng dụng điều khiển, giám sát động cơ thông qua Webserver". 2 đề tài này cũng đã giành giải Nhất - Nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường.
Nga tâm sự, có lẽ chính việc tham gia nghiên cứu khoa học đã giúp em biết thêm nhiều kiến thức để vận dụng vào việc học, giúp học nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Không chỉ có thành tích học tập tốt, Nga còn là một cán bộ Đoàn năng nổ. Em hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Liên chi Hội Sinh viên khoa Điện.
Nữ sinh từng tham gia tổ chức, hỗ trợ rất nhiều chương trình lớn tại trường và khoa như hoạt động chào tân sinh viên, Ngày hội Sinh viên 5 tốt TP Hà Nội năm 2022, các chương trình thiện nguyện, giải bóng đá sinh viên,… Ngoài ra, Nga cũng làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Học tập của khoa Điện, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Nguyễn Thị Nga (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong chương trình thiện nguyện tại vùng cao (Ảnh: NVCC).
Để cân bằng tốt giữa việc học và các hoạt động Đoàn, Nga thường lên kế hoạch cho từng kỳ học: trên lớp tập trung cho việc học tập, rèn luyện kỹ năng thực hành, học buổi nào xong buổi đó, khi về nhà chỉ cần ôn tập lại. Từ đó, em có nhiều thời gian rảnh để tham gia hoạt động Đoàn.
"Em học cũng nhiều nhưng chơi cũng nhiều. Bản thân em luôn xác định, với bất cứ việc gì cũng sẽ làm hết mình, làm tới khi xong thì thôi và không để tốn thời gian sang công việc khác", nữ sinh chia sẻ.
Vẫn đang học đại học nhưng hiện nay, Nga đã được nhận vào làm tại một công ty về giải pháp tự động hóa với công việc quản lý tại trung tâm tự động hóa, báo giá, quản lý kho,… Em nhận mức lương khởi điểm là 10 triệu đồng/tháng cùng nhiều đãi ngộ tốt - mức lương khá ổn đối với một sinh viên chưa ra trường. Mức lương và đãi ngộ này có thể tăng lên nhiều lần khi em có nhiều năm kinh nghiệm.
Với một số ý kiến cho rằng con gái khó học tốt các ngành kỹ thuật, Nga tâm sự, nữ giới khi theo các ngành kỹ thuật sẽ có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Trong đó, bạn hoàn toàn có thể tận dụng những điểm mạnh của nữ giới để học rất tốt các ngành này. "Ví dụ, các bạn nữ thường có tính tỉ mỉ hơn, cẩn thận hơn bạn nam. Những tố chất này rất quan trọng trong ngành Điện", Nga nói.
Em cũng chia sẻ, học ngành kỹ thuật không có nghĩa công việc sau này sẽ nặng nhọc, phải vận động nhiều. Ở ngành học của em, nhiều bạn nữ hướng tới các công việc nhẹ nhàng như thiết kế phần mềm, thiết kế tự động hóa, quản lý kho, quản lý thiết bị, sale (bán hàng),…
Nguyễn Thị Nga (thứ tư từ trái sang) được trao học bổng Năng lượng Tương lai năm học 2022-2023 (Ảnh: N.A).
Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành điện và năng lượng
Tại một hội thảo quốc tế về Chuyển dịch năng lượng được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ở Việt Nam đầu năm 2022, các chuyên ra đã đưa ra các con số dự báo quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam có thể cần khoảng 1,61 đến 1,93 triệu lao động.
Cùng với đó, quá trình chuyển dịch này sẽ góp phần tạo ra 315.000 việc làm mỗi năm tại các đơn vị sản xuất điện mặt trời, điện gió và sinh khối trong giai đoạn đến 2030.
Trong bối cảnh đó, thị trường rộng mở cơ hội việc làm cho các bạn trẻ tại các nhà máy, dự án đầu tư, phát triển năng lượng là rất lớn.
Sinh viên học ngành điện có khả năng làm việc tại các công ty điện lực, làm việc trong các trạm truyền tải và phân phối điện năng, làm việc trong các công ty xây lắp công trình điện, hoặc đảm nhiệm công việc trong các tổ cơ điện, phòng bảo dưỡng bảo trì thiết bị điện của các nhà máy, xí nghiệp,...
Nguồn: Báo điện tử Dân trí