Điều lệ Hội Sinh viên Việt Nam
ĐIỀU LỆ HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM (sửa đổi) (Thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VII vào ngày 31 tháng 12 năm 2003)
ĐIỀU LỆ(sửa đổi)
HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
(Thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam
lần thứ VII vào ngày 31 tháng 12 năm 2003)
Tên Hội: HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
Ngày truyền thống của Hội: 9 tháng 1
Biểu trưng của Hội: Biểu tượng hình tròn, nền xanh da trời (xanh Cyan 100%), biểu tượng hình ngọn lửa và ngôi sao dưới dòng có chữ Hội Sinh viên Việt Nam.
Bài hát chính thức của Hội: Bài ca sinh viên của nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến.
Hội sinh viên Việt Nam có tư cách pháp nhân, trụ sở Trung Ương Hội đặt tại Thủ đô Hà Nội.
Hội Sinh viên Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của sinh viên Việt Nam. Trải qua các giai đoạn cách mạng, Hội Sinh viên Việt Nam đã tập hợp đông đảo sinh viên, phát huy truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, cùng các tổ chức thanh niên khác có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Hội Sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống trí tuệ, sức trẻ và tinh thần tình nguyện của sinh viên Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của thuổi trẻ.
Hội hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Nước Cộng hoà xã hợi chủ nghĩa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước và vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Hội là thành viên của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên quốc tế.
Chương I: MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ CỦA HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
Điều 1: Mục đích tổ chức và hoạt động của Hội:
Hội Sinh viên Việt Nam đoàn kết, tập hợp rộng rãi mọi sinh viên Việt Nam cùng phấn đấu học tập, rèn luyện vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của sinh viên; đoàn kết và hợp tác bình đẳng với các tổ chức sinh viên, thanh niên tiến bộ và nhân dân các nước trên thế giới vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Hội sinh viên Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước, được phép hoạt động ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại.
Điều 2: Nhiệm vụ của Hội Sinh viên Việt Nam:
1. Đoàn kết, khuyến khích, giúp đỡ Hội viên, sinh viên trong học tập và rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ của người sinh viên, góp phần xây dựng nhà trường vững mạnh.
2. Giáo dục lý tưởng, truyền thống đạo đức, lối sống và ý thức pháp luật cho hội viên, sinh viên.
3. Phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên; tham gia đề xuất các chủ trương, chính sách liên quan đến sinh viên. Tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, sinh viên và tổ chức Hội.
4. Đoàn kết, phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với các tổ chức sinh viên, thanh niên tiến bộ và nhân dân các nước trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chương II: HỘI VIÊN
Điều 3:
1. Sinh viên là công dân Việt nam đang học bậc đại học, cao đẳng ở trong và ngoài nước tán thành điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội thì được kết nạp vào Hội Sinh viên Việt Nam.
2. Cán bộ, giáo viên, các nhà hoạt động chính trị, khoa học, kinh tế, xã hội, văn hoá, nghệ thuật … có uy tín trong sinhv iên, trong xã hội, ở trong và ngoài nước có đóng góp tích cực cho Hội và tự nguyện tham gia các hoạt động của Hội thì có thể được kết nạp làm hội viên danh dự Hội Sinh viên Việt Nam.
3. Những người đã qua bậc đại học, cao đẳng, nếu được cử vào cơ quan lãnh đạo của Hội thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Hội.
4. Thủ tục kết nạp hội viên; quyền và nghĩa vụ của hội viên danh dự do Ban Thư Ký Trung ương Hội quy định.
Điều 4: Hội viên có nhiệm vụ:
5. Luôn luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh; tích cực học tập, rèn luyện và tham gia công tác xã hội, đoàn kết giúp đỡ các hội viên, sinh viên trong học tập và trong cuộc sống.
6. Chấp hành Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ gìn nhân cách người sinh viên, tham gia xây dựng môi trường văn hoá trong sinh viên và trong xã hội.
7. Thực hiện nghiêm chỉnh điều lệ và các nghị quyết của Hội, tuyên truyền nâng cao uy tín và mở rộng ảnh hưởng của Hội trong sinh viên và trong xã hội, sinh hoạt và đóng hội phí đầy đủ.
Điều 5: Hội viên có quyền:
1. Được yêu cầu tổ chức Hội đại diện, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình trước pháp luật và công luận, được giúp đỡ và tạo điều kiện phấ đấu để trưởng thành.
2. Được tham gia mọi hoạt động và được hưởng các phúc lợi tập thể của Hội hoặc do Hội quản lý.
3. Được bàn bạc và giám sát các công việc của Hội, được ứng cử và đề cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Hội.
Chương III: NGUYÊN TẮC, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
Điều 6: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội:
Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Nội dung cơ bản của nguyên tắc này là:
Tất cả sinh viên tham gia vào tổ chức và hoạt động của Hội trên cơ sở tự nguyện.
Dân chủ thảo luận, hiệp thương biểu quyết bằng hình thức giơ tay khi quyết định các nội dung, kế hoạch công tác của Hội, khi bầu Ban Chấp Hành, Ban Thư Ký, các chức danh lãnh đạo của Hội ở các cấp và đại biểu đi dự Đại hội, Hội nghị đại biểu Hội cấp trên.
Các thành viên có trách nhiệm đề xuất, thảo luận, thống nhất và phối hợp để tổ chức thực hiện các chương trình hoạt động của Hội.
Điều 7: Tổ chức của Hội bao gồm:
Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Hội sinh viên tỉnh, thành phố.
Hội sinh viên các trường đại học, cao đẳng, Học viện, Viện đào tạo hệ đại học, cao đẳng.
Hội sinh viên các trường được thành lập các đơn vị trực thuộc gồm: Các Liên chi Hội, chi Hội, câu lạc bộ, đội, nhóm công tác của sinh viên.
Việc thành lập, sáp nhập, giải thể và thanh quyết toán tài sản, tài chính của các cấp Hội phải theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ Hội và hướng dẫn của Ban Thư Ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Nhiệm vụ của Ban Chấp Hành, Ban Thư Ký Hội sinh viên Đại học quốc gia, Đại học khu vực và nhiệm vụ của Ban Chấp Hành Liên chi hội do Ban Thư Ký Trung ương Hội quy định.
Điều 8:
Hội Sinh viên Việt Nam được thành lập trong sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Việc thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định do Ban Thư Ký Trung ương Hội ban hành sau khi được phép của các cơ quan Nhà
Điều 9: Đại hội Hội sinh viên các cấp:
1. Nhiệm kỳ của Đại hội Hội sinh viên các cấp:- Đại hội đại biểu toàn quốc, tỉnh, thành phố: 5 năm 1 lần.- Đại hội đại biểu cấp trường: 5 năm 2 lần- Đại hội chi hội: 1 năm 1 lầnNhiệm kỳ Đại hội của Liên chi Hội do Ban Thư Ký Trung ương Hội quy định. Khi cần thiết và có quá ½ số ủy viên Ban Chấp Hành đề nghị, các cấp của Hội có thể triệu tập hội nghị đại biểu bất thường.
2. Số lượng đại biểu cấp nào do Ban Chấp Hành Hội ở cấp đó quyết định, thành phần đại biểu gồm các uỷ viên Ban Chấp Hành, đại biểu do Đại hội hoặc hội nghị đại biểu cấp dưới hiệp thương dân chủ cử lên và đại biểu chỉ định (số lượng đại biểu chỉ định dự Đại hội không quá 5% tổng số đại biểu được triệu tập).
3. Nhiệm vụ của Đại hội, hội nghị đại biểu Hội sinh viên các cấp:- Tổng kết nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành Hội cùng cấp;- Quyết định mục tiêu, chương trình hành động của Hội nhiệm kỳ mới;- Hiệp thương thống nhất bầu ra Ban Chấp Hành Hội cùng cấp;- Thảo luận góp ý kiến vào các văn kiện;- Hiệp thương thống nhất biểu quyết cử đại biểu đi dự Đại hội, hội nghị đại biểu cấp trên (nếu có).
Điều 10: Cơ quan lãnh đạo các cấp của Hội sinh viên:
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Sinh viên Việt Nam là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo của Hội ở mỗi cấp là Đại hội ở cấp đó. Cơ quan lãnh đạo giữa 2 kỳ Đại hội của các cấp là Ban Chấp Hành cùng cấp do Đại hội hiệp thương thống nhất bầu ra.
Ban Chấp Hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Ban Chấp Hành Hội sinh viên cấp tỉnh, thành phố và cấp trường bầu ra Ban Thư Ký gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội và các uỷ viên Ban Thư Ký. Thường trực Ban Thư Ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam gồm: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Ban Thư Ký là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa 2 kỳ họp Ban Chấp Hành.
Ban Chấp Hành chi hội bầu ra chi hội trưởng, chi hội phó.
Hội nghị thường kỳ của Ban Chấp Hành Trung ương Hội một năm họp một kỳ. Ban Chấp Hành Hội sinh viên tỉnh, thành phố một năm họp hai kỳ. Ban Chấp Hành Hội sinh viên cấp trường một năm họp bốn kỳ. Ban Chấp Hành chi hội mỗi tháng họp một kỳ. Ngoài hội nghị thường kỳ, Ban Chấp Hành có thể có các hội nghị bất thường.
Điều 11:
Số lượng uỷ viên Ban Chấp Hành cấp nào do đại hội cấp đó quyết định căn cứ vào hướng dẫn của Ban Thư Ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Ban Chấp Hành Hội các cấp được quyền quyết định kiện toàn Ban Chấp Hành Hội cấp mình theo số lượng, cơ cấu đã được Đại hội thông qua trên cơ sở hiệp thương, giới thiệu từ cấp dưới lên và đề nghị Hội cấp trên trực tiếp công nhận.
Điều 12: Nhiệm vụ của Ban Chấp Hành và Ban Thư Ký các cấp:
1. Trung ương Hội:
a) Ban Chấp Hành có nhiệm vụ:
Tổ chức thực hiện Điều lệ Hội và nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam.
Quyết định các chương trình hành động, nhiệm vụ đối nội, đối ngoại và công tác tổ chức, tài chính của Hội.
Triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam.
Hiệp thương bầu Ban Kiểm tra và trưởng Ban Kiểm tra trong số uỷ viên Ban Chấp Hành.
b) Ban Thư Ký có nhiệm vụ:
Thay mặt Ban Chấp Hành Trung ương Hội chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ Hội trong việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Ban Chấp Hành Trung ương Hội; quan hệ, phối hợp với các cơ quan của Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế để giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác Hội và phong trào sinh viên, phát ngôn chính thức của Hội Sinh viên Việt Nam đối với các sự kiện trong nước và quốc tế.
Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra Hội cấp dưới trong việc thực hiện các chủ trương công tác của Ban Chấp Hành Trung ương Hội.
Chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Chấp Hành Trung ương Hội.
Quản lý tài chính của Hội cùng cấp.
d) Thường trực Ban Thư Ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam có nhiệm vụ điều hành công việc hàng ngày giữa hai kỳ hội nghị của Ban Thư Ký Trung ương Hội.
2. Hội sinh viên tỉnh, thành phố:
a) Ban Chấp Hành có nhiệm vụ:
Tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội của cấp mình và các Nghị quyết, chương trình hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam.
Quyết định các chương trình hành động, công tác tổ chức, kiểm tra và tài chính của Hội cấp mình.
Triệu tập Đại hội đại biểu cấp tỉnh, thành phố.
Hiệp thương bầu Ban Kiểm tra và trưởng Ban kiểm tra trong số uỷ viên Ban kiểm tra.
b) Ban Thư Ký có nhiệm vụ:
Tổ chức thực hiện Nghị quyết, chương trình công tác của Ban Chấp Hành Hội cấp mình.
Quan hệ, phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức trong tỉnh, thành phố để giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác Hội và phong trào sinh viên ở địa phương.
Chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp Hành cấp tỉnh, thành phố.
Quản lý tài chính của Hội cùng cấp.
3. Hội sinh viên trường:
a) Ban Chấp Hành có nhệim vụ:
Tổ chức thực hiện các Nghị quyết, chương trình công tác của Hội cấp trên, quyết định và tổ chức thực hiện các chương trình công tác của Hội cấp mình.
Triệu tập Đại hội đại biểu Hội sinh viên cấp trường.
Hiệp thương bầu Ban Kiểm tra và Trưởng Ban kiểm tra trong số uỷ viên Ban Kiểm tra.
b) Ban Thư Ký có nhiệm vụ:
Tổ chức thực hiện Nghị quyết, chương trình công tác của Ban Chấp Hành Hội cấp mình.
Giúp Ban Chấp Hành nắm vững tình hình và nhu cầu của sinh viên trong đơn vị để phản ánh với nhà trường và Hội cấp trên.
Chuẩn y kết nạp Hội viên mới của các chi Hội.
Kiến nghị, đề xuất cấp uỷ, Ban Giám Hiệu nhà trường, phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong trường để giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác Hội và phong trào sinh viên của trường.
Chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp Hành.
Quản lý tài chính của Hội cùng cấp.
4) Nhiệm vụ của Ban Chấp Hành chi Hội:
Tổ chức thực hiện các chủ trương công tác của chi Hội và Hội các cấp.
Nắm vững tình hình và nhu cầu sinh viên để kiến nghị, đề xuất với Ban Chấp Hành Hội cấp trường.
Kết nạp Hội viên mới, quản lý Hội viên; giới thiệu Hội viên ưu tú cho Đoàn bồi dưỡng kết nạp.
Quản lý thu, chi, trích nộp hội phí.
Chương IV: CÔNG TÁC KIỂM TRA CỦA HỘI VÀ BAN KIỂM TRA CÁC CẤP
Điều 13:
1. Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Hội. Tổ chức Hội phải tiến hành công tác kiểm tra.
2. Các cấp bộ Hội lãnh đạo công tác kiểm tra và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra các tổ chức Hội và hội viên chấp hành Điều lệ, Nghị quyết và thực hiện các chương trình công tác của Hội.
Điều 14:
1. Ban Kiểm tra của Hội được thành lập từ Trung ương đến cấp trường. Ban Kiểm tra do Ban Chấp Hành cùng cấp hiệp thương bầu ra và được Ban Thư Ký Hội sinh viên cấp trên trực tiếp công nhận.
2. Cơ cấu, số lượng uỷ viên Ban Kiểm tra mỗi cấp; việc công nhận và cho rút tên uỷ viên Ban Kiểm tra thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thư Ký Trung ương Hội.
3. Nhiệm kỳ của Ban Kiểm tra theo nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành cùng cấp.
Điều 15:
1. Ban Kiểm tra các cấp là cơ quan giúp việc và chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp Hành cùng cấp và sự chỉ đạo của Ban Kiểm tra cấp trên.
2. Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra các cấp:
3. Tham mưu cho Ban Chấp Hành và Ban Thư Ký cùng cấp kiểm tra việc thi hành Điều lệ, Nghị quyết, chủ trương và các chương trình công tác của Hội.
4. Kiểm tra cán bộ, hội viên, uỷ viên Ban Chấp Hành cùng cấp và tổ chức Hội cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ của Hội.
5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, hội viên và nhân dân liên quan đến cán bộ, hội viên; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên.
6. Kiểm tra công tác hội phí, việc sử dụng các nguồn quỹ khác của các đơn vị trực thuộc Ban Chấp Hành cùng cấp và cấp dưới.
7. Tham mưu cho Ban Chấp Hành và Ban Thư Ký cùng cấp về công tác khen thưởng, kỷ luật và kiểm tra việc thi hành của tổ chức Hội cấp dưới.
Chương V: KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 16:
Cán bộ, hội viên, các cấp Hội và những người có công trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng sinh viên, trong công tác xây dựng Hội và phong trào sinh viên đều được xem xét khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng.
Cán bộ, hội viên, các cấp Hội vi phạm Điều lệ Hội, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Hội thì bị xem xét kỷ luật với các hình thức sau:
+ Đối với cán bộ, hội viên: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Hội.
+ Đối với các cấp Hội: Khiển trách, cảnh cáo, giải thể.
Quy định cụ thể về khen thưởng và kỷ luật theo hướng dẫn của BTk Trung ương Hội.
Chương VI: TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Điều 17:
1. Tài chính của Hội gồm các nguồn thu sau đây:
- Hội phí do hội viên đóng góp.
- Kinh phí Nhà nước và nhà trường hỗ trợ.
- Các khoản thu hợp pháp khác.
2. Các khoản chi phí của Hội gồm có:
- Các hoạt động của Hội.
- Khen thưởng.
- Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động của Hội.
Việc sử dụng tài chính của Hội sinh viên do Ban Chấp Hành, Ban Thư Ký Hội các cấp thực hiện theo nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước.
Chương VII: CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI
Điều 18:
Điều lệ Hội Sinh viên Việt Nam gồm 7 chương, 18 điều; mọi cán bộ, hội viên và tổ chức Hội phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Hội. Điều lệ Hội Sinh viên Việt Nam chỉ có giá trị khi được Bộ Nội vụ phê duyệt và được phép lưu hành theo quy định của pháp luật.
Việc sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ Hội do Đại hội hoặc hội nghị đại biểu toàn quốc thông qua. Mọi sửa đổi, bổ sung phải được Bộ Nội vụ phê duyệt và được phép lưu hành theo quy định của pháp luật.
Ban Thư Ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện Điều lệ Hội.
(Điều lệ sửa đổi này đã được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc
Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VII vào ngày 31 tháng 12 năm 2003)