Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7
Thay đổi về chính sách BHXH, BHYT, quy định mới sử dụng tài chính công đoàn, đất đai, thuế là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7.
Thu hẹp diện rút bảo hiểm một lần
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định ngừng giải quyết bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần cho người gia nhập hệ thống từ ngày 1/7/2025, trừ một số trường hợp quy định. Đó là người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; suy giảm khả năng lao động 81% trở lên, khuyết tật đặc biệt nặng.
Lao động tham gia trước 1/7/2025, đóng BHXH dưới 20 năm, sau 12 tháng nghỉ việc vẫn được rút nếu có yêu cầu. Luật mới được kỳ vọng giữ chân hơn 18 triệu lao động ở lại lưới an sinh, chấm dứt làn sóng rút một lần. Những năm qua, bình quân mỗi năm 800.000 lao động rời hệ thống.
Ngoài chính sách trên, luật mới cũng sửa đổi quy định lao động tham gia đủ 15 năm BHXH trở lên, đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng hưu trí. Thời điểm luật có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của lao động nam đủ 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ 56 tuổi 8 tháng. Tuổi hưu sau đó tăng dần theo lộ trình cho đến khi đạt 62 với nam năm 2028 và 60 với nữ năm 2035.
Người dân rút Bảo hiểm Xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, năm 2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Luật bổ sung tầng an sinh mới dành cho người đủ 75 tuổi trở lên mà không hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; người già từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các chế độ gồm trợ cấp hưu trí xã hội, hỗ trợ chi phí mai táng và hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngân sách nhà nước.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội do Chính phủ quy định tùy điều kiện kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và định kỳ 3 năm một lần rà soát để điều chỉnh. Dự kiến thêm 700.000 người được thụ hưởng khi chính sách có hiệu lực.
Thêm 4 nhóm được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1/7 mở rộng 4 nhóm được ngân sách nhà nước chi trả tiền mua BHYT.
Một là người nhận trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng, tức từ đủ 75 tuổi trở lên và áp dụng từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Theo thống kê, khoảng 1,5 triệu người từ đủ 75 đến 80 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí xã hội từ 1/7.
Hai là nhóm đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (do thân nhân đã mất, thường là vợ/chồng), gồm người từ đủ 75 tuổi trở lên và đủ 70 đến dưới 75 thuộc hộ cận nghèo, trong khi quy định hiện hành là 80 tuổi.
Ba là nhóm tham gia BHXH nhưng chưa đủ 15 năm, đủ tuổi về hưu nhưng chưa đến tuổi nhận trợ cấp hưu trí mà nhận trợ cấp hàng tháng từ tiền đóng góp vào Quỹ. Đây là nhóm không có thu nhập và đối mặt với rủi ro sức khỏe cao nhất. Cuối cùng là dân quân thường trực - lực lượng sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ đột xuất như phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Luật sửa đổi quy định mức đóng của các nhóm này tối đa bằng 6% mức tham chiếu và do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tham chiếu hiện hành là 2,34 triệu đồng, tương đương mức đóng tối đa của các nhóm được hỗ trợ là 1,404 triệu đồng mỗi người một năm.
Bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Tài chính công đoàn có thể dùng xây nhà ở xã hội
Luật Công đoàn sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định tài chính công đoàn gồm đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng góp; ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; viện trợ tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tài chính công đoàn sẽ được sử dụng để giúp đỡ thành viên công đoàn, như bảo vệ quyền lợi và dạy họ những kỹ năng mới, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao... Ngoài ra, luật mới bổ sung quy định tiền công đoàn còn được dùng để xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên và người lao động thuê; làm công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên, người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.
Chủ tịch xã được cấp sổ đỏ
Theo Nghị định 151/2025 về phân cấp, phân quyền lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7, chủ tịch UBND cấp xã sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu cho người dân. Đồng thời, cấp xã được cấp sổ đỏ theo phương án góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh đất đai được phê duyệt. Nhiệm vụ này trước do cấp tỉnh và huyện đảm nhiệm.
Các trường hợp cấp sổ đỏ thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh sẽ giao về xã, phường, đặc khu gồm: Cấp sổ đỏ cho tổ chức trong nước như cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, đơn vị vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Trụ sở UBND phường Hải Châu mới được bố trí tại số 15 Lê Hồng Phong, TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Chính phủ giao UBND cấp xã được xác định lại diện tích đất ở và cấp sổ đỏ trong trường hợp thửa đất có vườn, ao, đất thổ cư được cấp sổ đỏ trước ngày 1/7/2004.
Ngoài ra, hàng loạt thẩm quyền khác được chuyển giao từ cấp huyện về chủ tịch UBND cấp xã, như: Chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế; phê duyệt phương án sử dụng đất lúa của cá nhân; thu hồi đất; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án cưỡng chế và kinh phí cho hoạt động cưỡng chế; quyết định giá đất cụ thể; quyết định giá bán nhà ở tái định cư trong địa bàn.
Chủ tịch UBND cấp xã được thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cũng như quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với cá nhân, trước đây thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
Quy định mới về nộp thuế trên sàn thương mại điện tử
Theo Nghị định 117/2025, sàn thương mại điện tử, nền tảng số phải khấu trừ, nộp thuế thay khoản thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân cho người bán (hộ, cá nhân kinh doanh) trên sàn từ 1/7. Người bán sẽ gồm cá nhân cư trú ở trong nước và nước ngoài.
Các khoản thuế trên sẽ được khấu trừ ngay khi đơn hàng được xác nhận thành công và người mua chấp nhận thanh toán. Số thuế được xác định theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu của mỗi giao dịch được hoàn tất.
Chẳng hạn, thuế VAT với nhóm hàng có tỷ lệ 1%, dịch vụ 5%, vận tải, dịch vụ gắn với hàng hóa là 3%. Còn thuế thu nhập cá nhân với cá nhân cư trú trong nước, tỷ lệ thuế thu là 0,5% với hàng hóa, 2% với dịch vụ, 1,5% với vận tải, dịch vụ gắn với hàng. Cá nhân ở nước ngoài chịu mức thuế thu nhập cá nhân khi bán hàng trên sàn online là 1%, dịch vụ 5%, vận tải và dịch vụ gắn với hàng hóa là 2%.
Nhà ở tại đô thị phải có thiết bị truyền tin báo cháy
Theo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực từ 1/7, nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương, thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy chữa cháy phải đảm bảo một số điều kiện.
Cụ thể, nhà phải trang bị bình chữa cháy; thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy. UBND thành phố trực thuộc trung ương xác định khu vực trong diện này và thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định. Hiện, cả nước có 6 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Đối với nhà ở tại khu vực khác, việc lắp thiết bị truyền tin báo cháy không bắt buộc, song được khuyến khích trang bị. Ngoài ra, nhà ở phải bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng; bố trí lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp.
Mở rộng chế độ thai sản với nam giới đóng bảo hiểm xã hội từ 1/7
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 mở rộng chế độ thai sản với lao động nam đóng BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện.
Ở khu vực BHXH bắt buộc, chính sách nới khoảng thời gian nghỉ thai sản của lao động nam lên 60 ngày kể từ khi vợ sinh con thay vì 30 ngày như trước. Người lao động có thể nghỉ nhiều lần miễn sao tổng số ngày nghỉ không vượt quá quy định và lần nghỉ cuối cùng nằm trong 60 ngày đầu sau khi vợ sinh.
Số ngày nghỉ được giữ nguyên như cũ, cụ thể: 5 ngày làm việc nếu vợ sinh thường; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi, trường hợp sinh ba trở lên thì được nghỉ thêm 3 ngày làm việc cho mỗi con tính từ trẻ thứ ba trở đi; 14 ngày nếu vợ sinh đôi phải phẫu thuật. Trường hợp sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì nam giới được nghỉ thêm 3 ngày làm việc cho mỗi con tính từ trẻ thứ ba trở đi.
Luật sửa đổi tăng gấp đôi thời gian nghỉ việc đi khám thai của lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc lên hai ngày mỗi lần thay vì một ngày như hiện nay, không phân biệt vị trí địa lý hay tình trạng sức khỏe thai nhi. Trong khi trước đây quy định trường hợp đặc biệt mới được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám. Lao động nữ phá thai do bệnh lý hay ngoài ý muốn đều được hưởng chế độ thai sản, hiện hành chỉ áp dụng với trường hợp phá thai bệnh lý.
Chính sách mới nâng số tuần tuổi thai nhi để tính số ngày nghỉ cho lao động nữ trong trường hợp không may gặp vấn đề. Cụ thể, lao động nữ được nghỉ 40 ngày nếu thai từ 13 đến dưới 22 tuần tuổi; nghỉ 50 ngày nếu thai từ 22 tuần tuổi trở lên. Trong khi luật hiện hành quy định thời gian nghỉ như trên áp dụng với thai dưới 25 tuần tuổi.
Luật sửa đổi bổ sung nhiều nhóm vào diện đóng BHXH bắt buộc và người lao động được thụ hưởng chế độ thai sản. Trong đó có lao động làm việc theo hợp đồng thời hạn từ đủ một tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm trả công, tiền lương và quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Nam đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được nghỉ thai sản trong vòng 60 ngày tính từ khi vợ sinh thay vì 30 ngày như trước.
Ngoài ra, còn có chủ hộ kinh doanh của hộ có đăng ký kinh doanh; các chức danh quản lý tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, hợp tác xã (HTX); người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; người làm việc không trọn thời gian; công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc nhóm đóng BHXH bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng không xác định thời gian từ đủ 12 tháng trở lên.
Mức đóng vào Quỹ Ốm đau thai sản của nhóm chủ hộ kinh doanh thuộc hộ kinh doanh có đăng ký; quản lý doanh nghiệp, kiểm sát viên, đại diện phần vốn nhà nước, chức danh quản lý được bầu của HTX là 3% tiền lương làm căn cứ tham gia BHXH mỗi tháng. Các nhóm còn lại do chủ sử dụng trích đóng với cùng tỷ lệ trên.
Với BHXH tự nguyện, lần đầu tiên trợ cấp thai sản áp dụng với lao động nữ sinh con và lao động nam có vợ sinh con. Điều kiện là người đó đóng BHXH tự nguyện hoặc có thời gian tham gia ở cả hai khu vực bắt buộc và tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Mức trợ cấp thai sản 2 triệu đồng cho mỗi con sinh ra, do ngân sách nhà nước chi trả. Tùy thời kỳ, Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và khả năng ngân sách.
Trường hợp chỉ có mẹ đóng BHXH mà không may qua đời sau sinh thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng khoản này. Nếu cha và mẹ cùng đóng BHXH thì chỉ một trong hai người được hưởng trợ cấp thai sản.
Trường hợp lao động vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản thuộc khu vực tự nguyện vừa đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản của BHXH bắt buộc thì được hưởng trong khu vực bắt buộc.
Nếu mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản BHXH bắt buộc và cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản BHXH tự nguyện thì ai tham gia khu vực nào hưởng chính sách của khu vực đó và ngược lại.
Hết năm 2024, lao động tham gia BHXH đạt 20 triệu, tương đương 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, khu vực bắt buộc 17,7 triệu và 2,3 triệu người thuộc khu vực tự nguyện.