Giảng đường doanh nghiệp
GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã giảm giờ học trên giảng đường, tăng cường cho sinh viên đến doanh nghiệp.
Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NTCC
Phương pháp đào tạo này nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Đây cũng là giải pháp bù đắp những thiếu hụt của sinh viên khi phải học trực tuyến kéo dài.
Bù đắp thiếu hụt
“Từ giảng đường đến doanh nghiệp” là phương pháp đào tạo của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Theo đó, sinh viên sẽ giảm giờ học trên giảng đường và tăng cường đến doanh nghiệp để thực hành, thực nghiệp. Sinh viên Lê Văn Hùng, Khoa Công nghệ thông tin cho hay, sau thời gian học lý thuyết, sinh viên được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, qua đó vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
Quan trọng hơn, sinh viên có được bài học từ thực tế - những thứ đang bị thiếu hụt do thời gian học trực tuyến kéo dài. Chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, tác phong và thái độ làm việc trong môi trường doanh nghiệp; cách xử lý các tình huống thực tế khi vận dụng kiến thức trên giảng đường vào công việc… “Nói chung, chúng em học được rất nhiều từ “giảng đường doanh nghiệp”. Đó là kiến thức, bài học ngoài giáo án và kỹ năng không có trong sách vở”, Văn Hùng chia sẻ.
TS Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - cho hay, không chỉ thuần túy dạy lý thuyết, công tác đào tạo của nhà trường ngày càng gắn với thực tiễn đời sống, xã hội. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp thường xuyên đóng góp vào quá trình đào tạo, nhất là trong thiết kế chương trình tham quan, trải nghiệm thực tế. Theo đó, sinh viên được đưa đến doanh nghiệp để “cọ xát” trực tiếp trong môi trường thực nghiệp.
Vì vậy, đây được xem là hành trình hướng nghiệp cho các em, giúp người học có cái nhìn cận cảnh, đa chiều và sâu sắc hơn về công việc trong tương lai. Qua đó, tự đánh giá năng lực của bản thân, soi xét tiêu chí nhân sự của doanh nghiệp để lựa chọn công việc phù hợp, trên hết là phát huy được thế mạnh của chính mình.
Để có chuyến tham quan thành công, nhiều năm qua, sợi dây liên kết giữa Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp luôn được phát huy mạnh mẽ và bền chặt hơn. Đến nay, nhà trường đã hợp tác với trên 3.000 tổ chức/doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ…
“Đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với thực tiễn nghề nghiệp giúp sinh viên trải nghiệm nghề từ rất sớm. Làm quen với doanh nghiệp, cũng là cách để người học vững chuyên môn, giỏi kỹ năng và có cơ hội làm việc ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Đó là những gì mà chúng tôi muốn bù đắp cho sinh viên sau thời gian dài học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19” - TS Kiều Xuân Thực bày tỏ.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thực tập, thực nghiệp tại doanh nghiệp. Ảnh: NTCC
Rút ngắn khoảng cách
Đồng quan điểm, TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội - cho hay, hàng năm, nhà trường cung cấp ra thị trường lao động khoảng 1.500 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy. Trong hoạt động, nhà trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị dệt may, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Với các vị trí việc làm mà doanh nghiệp về dệt may muốn tuyển dụng, sinh viên nhà trường đều có thể đáp ứng tốt, bởi trong quá trình học tập, các em được thực tập và tiếp cận dây chuyền công nghệ hiện đại nhất ngay tại Trung tâm sản xuất dịch vụ của trường.
Theo TS Hoàng Xuân Hiệp, Trung tâm có khoảng 500 lao động, tương đương với một doanh nghiệp loại vừa, nơi chuyên sản xuất sản phẩm xuất khẩu cao cấp như: Veston, jacket, quần âu... sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
“Điểm khác biệt hoàn toàn với các doanh nghiệp là 100% cán bộ của Trung tâm có trình độ đại học trở lên và được đào tạo nghiệp vụ sư phạm kỹ thuật để hướng dẫn sinh viên thực tập. Trung tâm đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ: Sản xuất và đào tạo. Đây là thế mạnh nổi trội trong công tác đào tạo của trường, giúp sinh viên được thực tập, quản trị kỹ thuật, ứng dụng mô hình công nghệ mới sát với thực tiễn doanh nghiệp”, TS Hiệp trao đổi.
Trường ĐH Phenikaa cũng hướng tới mô hình đại học trải nghiệm, đổi mới sáng tạo. Theo chia sẻ của GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng nhà trường, sinh viên có 50% thời gian học tập để trải nghiệm, học hỏi từ các chuyên gia của doanh nghiệp và tham quan, thực tập, thực tế tại doanh nghiệp. Vì vậy, việc hợp tác với đơn vị này có ý nghĩa quan trọng, giúp sinh viên được tiếp cận, cọ xát với môi trường thực tế, góp phần rút ngắn khoảng cách từ nhà trường đến doanh nghiệp.
Trường ĐH Phenikaa đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo phương pháp học đi đôi với hành. Qua đây, tăng cường tính thực tế và phong phú cho chương trình đào tạo. Chẳng hạn, nhờ hợp tác với FSOFT, sinh viên Trường ĐH Phenikaa được tiếp cận với môi trường làm việc thông qua các chương trình tham quan, kiến tập, thực tập và có cơ hội được ký hợp đồng làm việc nếu đáp ứng được yêu cầu làm việc.
Sau 23 năm hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa và bảo dưỡng ô tô, ông Shinichi Igarashi - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Toprank - cho rằng, nhân sự là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Toprank luôn tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên học tập, rèn luyện tay nghề, cũng như hỗ trợ việc làm tại Nhật Bản. Ngoài ra, các em được bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp, thái độ làm việc và biết cách hóa giải cảm xúc tiêu cực để có những năng lượng tích cực trong học tập cũng như công việc của mình.
Chúng tôi chú trọng đào tạo gắn với thực tiễn, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp theo hướng thực chất; coi các doanh nghiệp, doanh nhân vừa là đối tác, vừa là đồng nghiệp. Qua đó, sinh viên được trải nghiệm thực tế và thực nghiệp ngay tại doanh nghiệp, giúp các em tự tin và vững vàng hơn khi tham gia vào thị trường lao động. - PGS.TS Trần Quang Tiến (Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam)
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại