Ngày Môi trường Thế giới 2025: HaUI và những nỗ lực "Beat Plastic Pollution"
Thực trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa, đang là một thách thức nhức nhối trên toàn cầu. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa, trong đó hơn hai phần ba là các sản phẩm sử dụng một lần và nhanh chóng trở thành rác thải, gây ô nhiễm đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Tại Việt Nam, tình hình cũng không kém phần đáng lo ngại khi ước tính mỗi năm phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ khoảng 27% trong số đó được tái chế. Trước bối cảnh đó, chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution) được UNEP lựa chọn cho Ngày Môi trường thế giới năm 2025 như một lời kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động quyết liệt. Hưởng ứng lời kêu gọi này, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong Tháng hành động vì môi trường, khẳng định vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc bảo vệ hành tinh xanh.
TS. Nguyễn Văn Thiện - Phó Hiệu trưởng nhà trường, đồng chí Đỗ Minh Hiền - Bí thư Đoàn Thanh niên, ông Vũ Thái Giang - Phó Trưởng phòng Quản trị tại buổi ra quân
Thế hệ trẻ, với sức sáng tạo, sự nhiệt huyết và khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng, đóng một vai trò tiên phong trong việc thay đổi nhận thức và hành vi cộng đồng về bảo vệ môi trường. Nhận thức sâu sắc điều này, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chính thức khởi động Kế hoạch số 300/KH-ĐHCN hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2025. Các hoạt động được triển khai sâu rộng tại cả 3 cơ sở của trường từ ngày 02/6/2025 đến hết ngày 30/6/2025, với các hoạt động cao điểm diễn ra từ ngày 02/6 đến 09/6/2025. Mục tiêu chính mà nhà trường hướng tới là nâng cao nhận thức và thúc đẩy những thay đổi hành vi tích cực của viên chức, người lao động, các bạn sinh viên về vấn đề "Chống ô nhiễm nhựa".
Các hoạt động hưởng ứng được Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xây dựng một cách đa dạng, bám sát các chỉ đạo từ Công văn số 2141/BNNMT-VP của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công văn số 746/ATMT-MT của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) và Công văn số 2720/BGDĐT-KHCNTT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua việc treo băng rôn, pano, áp phích với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” tại các khu vực trung tâm, đồng thời phát động chiến dịch truyền thông trên các nền tảng số của Nhà trường, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên. Nhà trường còn tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề và talkshow nhằm cung cấp kiến thức sâu rộng về bảo vệ môi trường và các giải pháp xử lý rác thải nhựa.
Song song với các hoạt động tuyên truyền, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường, huy động sự tham gia của đông đảo sinh viên. Các tình nguyện viên sẽ cùng nhau dọn dẹp vệ sinh khuôn viên nhà trường, ký túc xá và các khu vực công cộng xung quanh. Hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác nhựa, nhôm, giấy để tái chế cũng được chú trọng. Một điểm đáng chú ý là nhà trường đã chỉ đạo hạn chế việc bày bán các sản phẩm có vỏ nhựa và túi nilon tại các khu vực căng-tin, thể hiện sự quyết tâm trong việc giảm thiểu rác thải nhựa từ gốc. Bên cạnh đó, các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cũng được triển khai mạnh mẽ, vận động viên chức, người lao động và người học thực hành tiết kiệm điện, nước, giấy in, không sử dụng túi nilon, đồng thời khuyến khích sử dụng chai nước cá nhân và hạn chế tối đa đồ nhựa dùng một lần.
Phát biểu tại buổi ra quân, ông Vũ Thái Giang - Phó Trưởng phòng Quản trị mong muốn, mỗi viên chức, người lao động, học viên và sinh viên hãy là một “đại sứ môi trường”, là lực lượng tiên phong trong việc thay đổi nhận thức và hành vi vì môi trường, lan tỏa lối sống xanh đến bạn bè, gia đình và cộng đồng.
Xuyên suốt chiến dịch, các thông điệp ý nghĩa như: "Vì một Việt Nam không rác thải nhựa - Hành động hôm nay, sống xanh mai sau", "Giảm chất thải nhựa - Giữ rừng, giữ biển, giữ tương lai", "Hành động xanh - Mỗi người dân là một chiến binh bảo vệ môi trường", "Phân loại tại nguồn - Bước nhỏ, chuyển đổi lớn", và "Tuổi trẻ không ngại thử thách - Hành động vì Trái đất xanh" được lan tỏa mạnh mẽ.
Với sự vào cuộc đồng bộ và những hành động cụ thể, thiết thực, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong viên chức, người lao động và người học mà còn lan tỏa tinh thần trách nhiệm đến cộng đồng. Những nỗ lực này khẳng định cam kết của nhà trường trong việc chung tay giải quyết vấn nạn ô nhiễm nhựa, hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam.