Dịch COVID 19 - biến khó khăn thành động lực đẩy mạnh dạy học trực tuyến tại Đại học Công nghiệp Hà Nội
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sinh viên trên cả nước phải dừng học tập trung kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH chỉ đạo triển khai công tác đào tạo từ xa, khuyến khích sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến, đảm bảo chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra của học phần cũng như chương trình đào tạo. Đào tạo trực tuyến là môi trường đào tạo mà trong đó, người học có thể tương tác với môi trường học tập thông qua Internet hoặc các phương tiện truyền thông điện tử khác. Đây là môi trường có khả năng chia sẻ cao, vận hành không phụ thuộc vào không gian, thời gian, tạo điều kiện để sinh viên trao đổi, tìm kiếm, học tập một cách dễ dàng và đặc biệt phù hợp để khắc phục các hạn chế trong mùa dịch COVID-19, đó là:
- Giúp sinh viên và giảng viên tiếp tục thực hiện các hoạt động dạy - học trong thời gian nghỉ học ở trường, đảm bảo tiến độ và chất lượng đào tạo;
- Phát triển năng lực tự học của sinh viên, phát huy được các kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet và các phương tiện truyền thông khác của giảng viên;
- Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và sinh viên trong việc tổ chức và hỗ trợ học tập;
- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong triển khai đào tạo trực tuyến. Trong lĩnh vực Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin, từ năm 2016 Trường đã triển khai mô hình đào tạo kết hợp với 50% học trực tuyến và 50% học tập trung trên lớp, đây là mô hình phát huy được hết các ưu điểm cũng như khắc phục các hạn chế của từng phương pháp đào tạo. Đặc biệt từ tháng 5 năm 2018, Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường đại học đầu tiên ban hành Quy chế quản lý hoạt động đào tạo kết hợp, chính thức công nhận các hoạt động học tập của sinh viên và giảng dạy của giảng viên trên hệ thống trực tuyến có giá trị như các hoạt động trực tiếp trên lớp. Theo kế hoạch đến hết năm học 2020 - 2021, 20% số học phần của Nhà trường sẽ được triển khai theo mô hình kết hợp trực tuyến và trực tiếp (blended learning).
Khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, Lãnh đạo nhà trường đánh giá tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa xác định được thời gian kết thúc. Do đó ngay từ 17/02/2020 khi hầu hết các trường cho sinh viên nghỉ học thì Đại học Công nghiệp Hà Nội đã triển khai đào tạo trực tuyến với các học phần có tín chỉ lý thuyết, học phần đồ án, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên đại học khóa 11 cũng được điều chỉnh kế hoạch và áp dụng mô hình đào tạo kết hợp để đảm bảo tiến độ ra trường. Bên cạnh đó, ngay trong thời gian sinh viên nghỉ học tập trung, từ ngày 25/02 - 04/3/2020 Trường đã triển khai 03 đợt tập huấn xây dựng bài giảng điện tử, triển khai đào tạo kết hợp cho 230 giảng viên. Do có sự chuẩn bị đồng bộ trong đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng bài giảng điện tử, tập huấn về triển khai đào tạo kết hợp, xây dựng quy chế quản lý, công nhận kết quả học tập trực tuyến, nên khi dịch COVID-19 xảy ra hoạt động đào tạo của nhà trường đã giảm thiểu được mức độ ảnh hưởng.
Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức tập huấn xây dựng bài giảng điện tử
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ “chống dịch như chống giặc”, toàn dân cùng đoàn kết, tùy theo ví trí của mình để tham gia đẩy lùi dịch COVID-19. Ngành Y tế, Quân đội, Công an là những chiến sĩ trên tuyến đầu, trực tiếp chống dịch. Các thầy giáo, cô giáo, sinh viên Nhà trường cũng nhận thức rõ đây là giai đoạn khó khăn chung của cả nước, chung sức, đồng lòng thực hiện giải pháp đào tạo trực tuyến để khắc phục dịch COVID-19. Chia sẻ về việc học trực tuyến, bạn Trương Thị Kim Đào sinh viên lớp Ngôn ngữ Trung quốc 1 khóa 14 cho biết: “Tuy còn khó khăn như trang thiết bị và tốc độ mạng ở một số nơi chưa ổn định nhưng các bạn trong lớp em đều hào hứng với phương pháp học tập mới, các thầy cô giáo cũng chuẩn bị đầy đủ học liệu điện tử cho sinh viên, nghỉ dịch ở nhà em có nhiều thời gian hơn cho việc chuẩn bị bài trước và ôn tập nên các hoạt động học tập vẫn đảm bảo chất lượng”.
Một bạn sinh viên yêu trường ngồi nhà học trực tuyến
Cô Hà Thị Hồng Mai, giảng viên khoa Ngoại ngữ chia sẻ: “Các thầy cô giáo đều thấu hiểu với giai đoạn khó khăn hiện nay của cả nước nên khi Nhà trường triển khai kế hoạch giảng dạy trực tuyến, tuy việc chuẩn bị bài giảng điện tử đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian và công sức nhưng tất cả đều đồng lòng khắc phục bằng cách chuẩn bị học liệu cho sinh viên đầy đủ hơn, hướng dẫn nhiều hơn để đảm bảo sinh viên đạt chuẩn đầu ra của học phần”.
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động đào tạo, nhưng nhìn theo góc độ tích cực thì đây cũng là cơ hội để các cơ sở đào tạo, các thầy, cô giáo biến khó khăn thành động lực, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng mạnh mẽ các lĩnh vực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
TS. Đặng Trọng Hợp
Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp HN