GloCALL 2024: Trí tuệ nhân tạo đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức trong dạy và học ngoại ngữ
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những thay đổi lớn trong phương pháp, hình thức dạy và học ngoại ngữ. Đây là xu hướng tất yếu của giáo dục tiên tiến, hiện đại nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ sở đào tạo.
GS.TS. Glenn Stockwell - Đại học Waseda chia sẻ về vai trò chuyển đổi của công nghệ trong việc định hình giảng dạy và học ngôn ngữ, một xu hướng rõ rệt cả trong và ngoài lớp học trên toàn thế giới
Tại Hội thảo Quốc tế về Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy năm 2024 (GloCALL 2024), các chuyên gia và nhà khoa học cho rằng: Việc dạy và học ngoại ngữ có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cốt lõi là trí tuệ nhân tạo đã và đang diễn ra ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trên toàn thế giới. Để tích hợp trí tuệ nhân tạo vào quá trình dạy học, giảng viên cần hiểu rõ bản chất của công cụ, từ đó, nâng cao chất lượng giảng dạy; kích thích sự hứng thú học tập cho sinh viên; từng bước xây dựng, hình thành môi trường học thuật không biên giới.
Tại các ban chuyên môn, chủ đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học kỹ năng dịch, sản xuất hình ảnh, video được thảo luận sôi nổi
Những ứng dụng hiệu quả của trí tuệ nhân tạo trong dạy và học ngoại ngữ hiện nay được các nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo GloCALL 2024 chủ yếu liên quan đến việc tương tác hiệu quả với AI/Chat GPT trong việc đề xuất các ý tưởng, các chủ đề liên quan đến bài học, ứng dụng chúng vào việc hỗ trợ xây dựng bài học; Đóng vai trò như một “trợ lý ảo” thực hiện nhiệm vụ đọc lại và diễn đạt lại, sửa lỗi và đánh giá tự động; Sử dụng chatbots để người học rèn luyện kỹ năng phát âm, ngữ pháp và khả năng giao tiếp; Sáng tạo những hình ảnh minh họa, video bằng phần mềm AI; Tự động hóa quá trình kiểm tra và đánh giá chất lượng học tập và rèn luyện của người học,…
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh (HUFLIT) trình bày báo cáo: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy ngôn ngữ tại Việt Nam: từ lý thuyết tới thực tiễn
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng trí tuệ nhân tạo không thể thay thế vị trí và vai trò của người thầy trong quá trình giảng dạy. Để khai thác tiềm năng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình dạy và học ngoại ngữ, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều rào cản và thách thức khác nhau, như: tính chính xác và mức độ uy tín của thông tin, mức độ bảo mật thông tin và trách nhiệm sử dụng dữ liệu,… Đồng thời, đề ra một số giải pháp để các cơ quan quản lý giáo dục hoạch định chiến lược, giải pháp thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong dạy và học ngoại ngữ một cách hiệu quả hơn.
Một số ứng dụng học ngoại ngữ hữu ích có tích hợp trí tuệ nhân tạo như The Coach, Duolingo, Grammarly, ELSA Speak, ChatGPT,...
Hội thảo GloCALL 2024 đã thu hút hơn 160 bài báo cáo của gần 200 tác giả trong và ngoài nước. Với nhiều nội dung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm hấp dẫn, những góc nhìn đa dạng về đào tạo ngoại ngữ tích hợp công nghệ trong giảng dạy, tích hợp giáo dục STEM với giảng dạy tiếng Anh thông qua công nghệ hỗ trợ ngôn ngữ (CALL), từ đó, đề xuất nhiều giải pháp mới, chuyên sâu, phù hợp để phát triển năng lực, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm dạy và học trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều diễn giả danh tiếng đến từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Macao, Malaysia, Đài Loan, và Thái Lan
Một số hình ảnh tại Hội thảo GloCALL 2024:
Đại biểu tham dự chương trình
PGS. TS. Nguyễn Thúy Nga – Trưởng khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Ngoại ngữ Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: Hội thảo này là diễn đàn học thuật để chia sẻ kiến thức và nghiên cứu, là cơ hội để các học giả, nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu tham gia trao đổi, đặt câu hỏi, nêu lên thực trạng, thách thức và tạo ra các quan hệ đối tác mới, thúc đẩy lĩnh vực CALL và Học ngôn ngữ nâng cao bằng công nghệ (TELL)
Đại diện cho đơn vị đồng tổ chức, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, cho biết việc tích hợp công nghệ thông tin vào giảng dạy và học ngoại ngữ là một trong những nhiệm vụ chính của Đề án do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai
Đánh giá tầm quan trọng của ứng dựng công nghệ trong giảng dạy trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, 5.0, bà Siew Ming Thang – Chủ tịch Hiệp hội Ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tin tưởng rằng: Hội thảo là một diễn đàn bổ ích để chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong giảng dạy để tạo môi trường học tập hứng thú và hiệu quả, trao đổi và cập nhật thực trạng toàn cầu về việc học ngôn ngữ có ứng dụng công nghệ thông tin
GS.TS. Kean Wah Lee, Giám đốc Nghiên cứu tại Trường Giáo dục, Đại học Nottingham Malaysia, Phó Chủ tịch PacCALL trình bày báo cáo tại phiên toàn thể
TS. Mark Pegrum, Trường Đại học Tây Úc trình bày báo cáo tại phiên toàn thể
PGS.TS. Hea Suk Kim, Trường Đại học Nữ sinh Hàn Quốc trình bày báo cáo tại phiên toàn thể