Hành trình về với những “địa chỉ đỏ” - địa danh cách mạng miền Trung
Trong các ngày từ 22/4 đến 24/4/2022, đoàn cán bộ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức tham quan, dâng hương tại các “địa chỉ đỏ” - địa danh lịch sử cách mạng tại dải đất miền Trung. Đây thực sự là một vùng đất linh thiêng, huyền thoại, nơi mang trong mình nỗi đau thương chiến tranh một thuở, nhưng vẫn vang lên bản anh hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Đoàn cán bộ nhà trường có PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn; TS. Bùi Thị Ngân, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Phạm Văn Đông - Chủ tịch Công đoàn trường; TS. Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Phó Hiệu trưởng; đồng chí Đỗ Minh Hiền - Phó Bí thư Đoàn trường; cùng các thầy cô trưởng, phó các đơn vị trong nhà trường.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Về với miền Trung là về với mảnh đất của lịch sử, huyền thoại và những di sản gắn liền với ký ức hào hùng trong mỗi trái tim người Việt, càng đặc biệt và ý nghĩa hơn trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022).
Đoàn cán bộ đã vượt qua gần 1.300km thực hiện hành trình về với những “địa chỉ đỏ” - địa danh lịch sử cách mạng tại miền Trung. Đoàn đã đến dâng hương, đặt vòng hoa tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
Các thành viên trong đoàn thành kính dâng hương, tưởng nhớ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của Quân đội nhân dân và dân tộc Việt Nam, tri ân những công lao, cống hiến to lớn của Đại tướng cho Đảng, cho đất nước và cho dân tộc.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Mẹ Suốt. Nơi đây gắn với câu chuyện hy sinh anh dũng, kiên cường của nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Suốt.
Đoàn đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Bình.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô nhất, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã hy sinh máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Đoàn xem phim tư liệu lịch sử, dâng hương và tham quan tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. PGS.TS. Phạm Văn Bổng thay mặt đoàn cán bộ nhà trường xúc động ghi sổ lưu niệm: “Đoàn cán bộ, giáo viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội kính viếng các anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị. Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ, biết ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ để cho đất nước độc lập tự do. Đời đời nhớ ơn các anh!”
Trong suốt chiều dài lịch sử 50 năm qua, trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thị xã - Thành cổ Quảng Trị vẫn luôn là bản tráng ca hào hùng của toàn thể nhân dân cả nước, là bức tranh đẫm máu và hoa cùng với bao trận đánh anh dũng khác làm nên kỳ tích, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi đất nước…
Đoàn tới dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Địa danh này nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 thuộc địa phận xã Đồng Lộc; là tượng đài về ý chí sắt đá và sự hi sinh cao cả của Lực lượng TNXP trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Đoàn dâng hương và chụp ảnh lưu niệm tại Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 15/7/1990, 10 ngôi mộ được chuyển về dưới chân núi Trọ Voi, cách nhà bia tưởng niệm 30m. Hố bom cạnh nơi 10 chị hy sinh vẫn nằm nguyên vị trí cũ.
Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa của Đại học Công nghiệp Hà Nội trong những ngày tháng tư lịch sử. Đến với các ‘địa chỉ đỏ” trong những ngày này, các thế hệ cán bộ, viên chức được trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước. Các anh, chị là những tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo để sống, chiến đấu, lao động và học tập, cũng từ đó, nuôi dưỡng lòng tự hào về dân tộc Việt Nam, về đất nước con người Việt Nam.