Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thăm lại chiến trường xưa
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức về nguồn thăm lại chiến trường xưa tại Lạng Sơn và Cao Bằng.
Hoạt động này nằm trong hành trình về nguồn, thăm lại chiến trường xưa và các địa chỉ đỏ của cán bộ, hội viên Hội Chiến binh nhà trường để tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc tại tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Hành trình diễn ra từ ngày 22-24/7/2022 có sự tham gia của PGS.TS.Lê Hồng Quân - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ tịch Hội CCB và PGS.TS.Phạm Văn Bổng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng 20 cán bộ, hội viên.
Sau hành trình trên 200 km từ Hà Nội đến Lạng Sơn, đoàn tới Nhà bia tưởng niệm ghi danh các anh hùng liệt sĩ Sư đoàn 347 tại xã Đại Đồng, huyện Tràng Định. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đoàn đã dành phút mặc niệm, ôn lại truyền thống đấu tranh lịch sử, kính cẩn dâng nén hương thơm tưởng nhớ công lao to lớn của gần 500 cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 347 đã anh dũng hy sinh tại mặt trận biên giới tỉnh Lạng Sơn. Sư đoàn 347 - Quân khu 1 được thành lập ngày 11/4/1979. Sư đoàn đảm nhiệm khu vực phòng thủ từ Hang Chui, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đến mốc 21, tỉnh Cao Bằng.
Đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm ghi danh các anh hùng liệt sĩ Sư đoàn 347
Bia tưởng niệm ghi công gần 500 Anh hùng liệt sỹ Sư đoàn 347
Đoàn tiếp tục đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Ngày 28/01/1941, Pác Bó đã vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Đây cũng là nơi đã gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1941-1945.
Đến với Pác Bó, đoàn tận mắt chứng kiến và cảm nhận những địa danh quen thuộc đã đi vào trang sử hào hùng của đất nước như: Cột mốc biên giới Việt Trung số 108, hang Cốc Bó, Bàn đá dịch sử Đảng, lán Khuổi Nặm... cùng với dòng suối Lê Nin trong xanh hiền hòa, ôm lấy ngọn núi Các Mác hùng vĩ do chính Bác đặt tên trong thời gian người hoạt động tại nơi đây.
Đoàn dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
Điểm cuối của chuyến đi là Thác Bản Giốc - Biên giới phía Bắc. Thác Bản Giốc là một thác nước hùng vĩ và đẹp vào bậc nhất của Việt Nam, nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thác có độ cao trên 30 m với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Thác Bản Giốc nằm trên đường biên giới Việt – Trung
Cột mốc 836 ở đầu thác chính là cột mốc số 2 bên lãnh thổ Việt Nam. Đối diện sang bờ bên kia phía Trung Quốc có một cột mốc tương tự là cột mốc số 1. Đường biên giới phân thủy trên dòng sông Quây Sơn nơi có thác Bản Giốc được tính là trung tuyến giữa hai cột mốc này.
Hành trình về nguồn mang nhiều ý nghĩa với hội viên Hội CCB nhà trường khi trở về thăm chiến trường xưa để tri ân nghĩa tình với đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, họ đang nằm lại trên những mảnh đất lịch sử này.
Một số hình ảnh, tư liệu về hoạt động của đoàn trong chuyến đi: