Hội nghị Khoa học & Công nghệ toàn quốc về Cơ khí lần thứ VII
Ngày 3/11/2023, Tổng hội Cơ khí Việt Nam phối hợp với Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội nghị Khoa học & Công nghệ toàn quốc về Cơ khí lần thứ VII. Hội nghị đã thu hút hơn 350 báo cáo viên, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên chuyên ngành Cơ khí tham dự.
Toàn cảnh Hội nghị
Đại biểu tham dự Hội nghị
TS.Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS.Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Hội nghị Khoa học & Công nghệ toàn quốc về Cơ khí là diễn đàn lớn nhất của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực cơ khí.
Ban Tổ chức Hội nghị đã nhận được 108 bài viết khoa học của 288 tác giả từ hơn 33 cơ sở giáo dục, học viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn từ 3 quốc gia: Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
PGS.TS.Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu chào mừng
PGS.TS.Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội vui mừng chào đón các đại biểu dự hội nghị khoa học và chia sẻ: Đây là lần thứ 3 Đại học Công nghiệp Hà Nội vinh dự được tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ toàn quốc về Cơ khí và đặc biệt ý nghĩa khi Hội nghị diễn ra đúng dịp Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 125 năm truyền thống nhà trường và chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hội nghị là cơ hội để Đại học Công nghiệp Hà Nội được tham gia sâu rộng hơn về học thuật trong lĩnh vực cơ khí và kỳ vọng hội nghị lần này trở thành diễn đàn quan trọng cho các chuyên gia, các nhà khoa học công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực Cơ khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ.
TS.Trần Anh Quân với báo cáo“Kỹ thuật cơ khí trong thời đại công nghiệp 4.0: Cơ hội, thách thức và tiềm năng phát triển bền vững”
Hội nghị đã nghe phần trình bày của diễn giả TS.Trần Anh Quân với chủ đề “Kỹ thuật cơ khí trong thời đại công nghiệp 4.0: Cơ hội, thách thức và tiềm năng phát triển bền vững”. Theo đánh giá của ban tổ chức, tham luận mang tính thời sự cao và đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học.
Các bài viết được thẩm định, phản biện khách quan, nghiêm túc, ban tổ chức lựa chọn các bài có chất lượng tốt gửi đăng trên: Key Engineering Materials (ISSN: 1662-9795, thuộc danh mục Scopus); Applied Mechanics and Materials (ISSN: 1662-7482); Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (P-ISSN: 1859-3585, E-ISSN: 2615-9619, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước và Hội đồng Giáo sư liên ngành Cơ khí – Động lực tính điểm công trình khoa học tối đa 0,75).
Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng mới nhất của các tác giả đã chia sẻ những khám phá mới, những ý tưởng đột phá trong lĩnh vực Cơ khí; tạo cơ hội và giải pháp ứng dụng vào các doanh nghiệp, tạo bước tiến vượt bậc thúc đẩy sự phát triển bền vững và khởi tạo những nghiên cứu mang tầm quốc tế.
Phân ban: Cơ khí chế tạoPhân ban: Cơ khí động lực
Phân ban: Cơ học máy, Cơ điện tử và năng lượng
Phân ban: Vật liệu, hệ thống công nghiệp
Phân ban: Công nghệ dệt, may
Phân ban: Cơ khí nông lâm, xây dựng, giao thông
Sau phiên toàn thể, Hội nghị chia thành 06 phân ban: Cơ khí chế tạo; Cơ khí động lực; Cơ học máy, Cơ điện tử và năng lượng; Vật liệu, hệ thống công nghiệp; Công nghệ dệt, may; Cơ khí nông lâm, xây dựng, giao thông. Đã có tổng số 30 báo cáo trực tiếp, các báo cáo đã nhận được các đóng góp, thảo luận sôi nổi của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; được đánh giá cao bởi các ban điều hành. Đồng thời, các khách mời và các nhà nghiên cứu đánh giá các poster phần lớn có nội dung khoa học cao, có hình thức trình bày rõ ràng, đẹp mắt, đặc biệt đã nêu bật lên được những đóng góp khoa học chính của nghiên cứu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Một số hình ảnh tại Hội nghị: