Hội nghị Khoa học và Công nghệ toàn quốc về Cơ khí lần thứ V - 2018
Sáng ngày 05 tháng 10 năm 2018, Tổng hội Cơ khí Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội nghị Khoa học & Công nghệ (KHCN) toàn quốc về Cơ khí lần thứ V tại Hội trường A11 - Đại học Công nghiệp Hà Nội.
TS. Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị KHCN toàn quốc về Cơ khí lần thứ V vinh dự được đón tiếp các đại biểu: lãnh đạo Vụ KH&CN Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Tổng hội Cơ khí Việt Nam; đại diện Tập đoàn Phoenix Contact, Cộng hòa Liên bang Đức. Về phía trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, có sự tham dự của PGS.TS Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Nhà trường, lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, giảng viên ngành Cơ khí của Trường.
PGS.TS. Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chào mừng Hội nghị
Đặc biệt, Hội nghị lần này tập trung được hơn 400 nhà khoa học đến từ những cơ sở đào tạo hàng đầu tại Việt Nam: Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Công nghiệp Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nha Trang, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Học viện Nông nghiệp VN, ĐH Mỏ - Địa chất… Và các viện nghiên cứu: Viện Nghiên cứu Cơ khí - Bộ Công Thương; Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự; Viện Phát triển kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy Nông nghiệp; Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải…
Đại biểu tham dự Hội nghị KH&CN toàn quốc lần thứ V về Cơ khí
Đặc biệt là sự có mặt của hai diễn giả với 2 bài Keynotes trình bày tại phiên khai mạc: (1) ông Frank Knafla, Tập đoàn Phoenix Contact, CHLB Đức với nghiên cứu về “Sự thay đổi của công nghệ cơ khí trong cách mạng công nghiệp 4.0” và ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương với nghiên cứu: “Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0”.
Ông Frank Knafla, Chuyên gia đến từ Tập đoàn Phoenix Contact trình bày bài Keynote tại Hội nghị
Hội nghị là diễn đàn rộng lớn của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực cơ khí. Hội nghị được tổ chức định kỳ 2 năm một lần nhằm mục tiêu công bố các công trình khoa học công nghệ và là cơ hội giao lưu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước về lĩnh vực cơ khí.
Báo cáo tại phân ban Cơ khí Chế tạo máy
Mục đích của hội nghị là: công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực cơ khí; tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên thuộc lĩnh vực cơ khí có cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ; Hội nghị còn là cầu nối giữa các doanh nghiệp và các nhà khoa học trao đổi thông tin nhằm góp phần thúc đẩy vai trò của khoa học và công nghệ lĩnh vực cơ khí trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Báo cáo tại phân ban Cơ khí Nông lâm, Xây dựng, Giao thông và Nhiệt
Tại Hội nghị lần này, các chủ đề đã được tiếp cận, mô tả, phân tích và trao đổi theo nhiều góc độ. Dưới sự chủ trì của Ban Khoa học, các báo cáo khoa học tại hội nghị được trình bày tại 5 phân ban: Cơ khí Chế tạo máy; Gia công áp lực - Hàn, Vật liệu cơ khí; Tự động hóa - Robot, Cơ điện tử; Cơ khí động lực; Cơ khí Nông lâm, Xây dựng, Giao thông và Nhiệt. Hội nghị đã nhận được 212 bài báo cáo gửi đến Ban tổ chức từ các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo toàn quốc; trong đó có 176 bài được đăng trong kỷ yếu và 55 bài được lựa chọn để báo cáo tại hội nghị.
Báo cáo tại phân ban Cơ khí Động lực