Hội nghị sơ kết đánh giá tính hiệu quả đào tạo kết hợp giai đoạn 2020-2022
Ngày 23/02, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tính hiệu quả đào tạo kết hợp giai đoạn 2020-2022 nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, qua đó, tìm ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả hoạt động đào tạo kết hợp giai đoạn đến năm 2025.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết đánh giá tính hiệu quả đào tạo kết hợp giai đoạn 2020-2022
Tham dự Hội nghị có: TS.Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS.Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng; TS.Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng; trưởng, phó một số đơn vị; trưởng bộ môn và một số giảng viên tham gia hoạt động đào tạo kết hợp.
TS.Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo trình bày báo cáo sơ kết đánh giá tính hiệu quả đào tạo kết hợp giai đoạn 2020-2022
Trình bày báo cáo sơ kết đánh giá tính hiệu quả đào tạo kết hợp giai đoạn 2020-2022 tại Hội nghị, TS.Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo đã nêu những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập tồn tại trong hoạt động đào tạo kết hợp giai đoạn 2020-2022.
Sau 2 năm thực hiện, hoạt động đào tạo kết hợp giai đoạn 2020-2022 đã gặt hái được nhiều kết quả khởi sắc trên tất cả các mặt, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo:
Nhà trường đã ban hành hệ thống văn bản đồng bộ; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng giúp giảng viên nắm bắt được các công cụ, kỹ thuật cơ bản về xây dựng bài giảng điện tử; phương pháp tổ chức hoạt động dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
Phân hệ đã được xây dựng với đầy đủ chức năng xây dựng, thẩm định bài giảng điện tử và tổ chức dạy – học. Ngoài phân hệ trên hệ thống đại học điện tử, một số đơn vị còn xây dựng bài giảng trên các hệ thống dạy học kết hợp có từ trước (hệ thống EOP) hoặc trang LMS do trung tâm công nghệ thông tin phát triển.
Hiện nay, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 192 học phần. Các học phần được chọn chủ yếu nằm trong khối kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành phù hợp với định hướng nhà trường đề ra. Các bài giảng được thiết kế phù hợp về hình ảnh, âm thanh minh họa, khối lượng kiến thức phù hợp, có mối liên hệ với thực tiễn, các bài tập, bài kiểm tra có câu hỏi tường minh, rõ ràng, có hướng dẫn cụ thể cách thức làm bài.
Khoa và Giảng viên đã chủ động trong đề xuất để xây dựng bài giảng điện tử; đã có sự đầu tư chuẩn bị cho giờ giảng, đã có năng lực sư phạm số trong dạy học kết hợp. Kết quả về học tập của sinh viên khi chuyển sang hình thức giảng dạy mới vẫn đạt được kết quả tương đương với dạy học truyền thống. Quá trình dạy - học được thực hiện một phần trực tuyến trên hệ thống đại học điện tử góp phần giảm tải cho cơ sở vật chất về phòng học, giúp người học có nguồn học liệu để học tập, nghiên cứu, chủ động học tập.
Hội nghị đã được nghe báo cáo của 04 tham luận và một số ý kiến đóng góp với nội dung rất sâu, cụ thể, sát thực, từ các giảng viên trong việc triển khai đào kết hợp giai đoạn 2020-2022.
TS.Đặng Trọng Hợp, đại diện Khoa Công nghệ thông tin trình bày tham luận “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học và vai trò của đào tạo kết hợp”
PGS.TS.Phạm Thị Mai Hương, đại diện Khoa Công nghệ hóa trình bày tham luận “Phương pháp giảng dạy và vai trò của giảng viên trong đào tạo kết hợp”
TS.Nguyễn Thị Xuân Hồng, đại diện Khoa Kế toán Kiểm toán trình bày tham luận “Lựa chọn, xây dựng và thẩm định bài giảng kết hợp”
TS.Nguyễn Hoàng Tú, đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin trình bày tham luận “Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác đào tạo kết hợp tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội giai đoạn 2020-2022”
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo kết hợp
Sau khi nghe báo cáo và tham luận của các đơn vị, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra những ý kiến trao đổi, thảo luận nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo kết hợp tại Đại học Công nghiệp Hà Nội hiện nay và thời gian tới. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: xây dựng bài giảng điện tử, phát triển nguồn tài liệu mở, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở pháp lý; tập huấn, nâng cao năng lực số, năng lực sư phạm,….
Kết luận tại Hội nghị, TS.Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Nhà trường ghi nhận những kết quả đã đạt được của các đơn vị trong hoạt động đào tạo kết hợp giai đoạn 2020-2022
Trên tinh thần kế thừa những kết quả đạt được, TS.Kiều Xuân Thực đề nghị thời gian tới, Nhà trường cần tập trung bám sát chiến lược phát triển đến năm 2025. Trong đó, số lượng học phần dạy học bằng hình thức kết hợp tối thiểu là 30% tổng số học phần mỗi chương trình đào tạo, đồng thời phải đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Theo TS.Kiều Xuân Thực, trực tuyến là con đường thực tiễn cá nhân hóa. Vì vậy, Thầy đề nghị giảng viên cần xây dựng lộ trình học mang tính cá nhân hóa, nâng cao chất lượng để thu hút người học. Xây dựng các quy định nhằm kiểm tra, đánh giá chuẩn đầu ra của người học…
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cả về năng lực số và năng lực sư phạm; hoàn thiện các cơ sở pháp lý, quy định, quy chế, hướng dẫn, tiêu chí đánh giá cho đào tạo trực tuyến.
Để hoạt động đào tạo kết hợp đạt được mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi sự đoàn kết nhất trí cao của tập thể Nhà trường. Giữa các giảng viên, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm chia sẻ nguồn lực chung về con người, tài nguyên số và cơ sở hạ tầng.