Hội nghị triển khai hoạt động Khoa học, Công nghệ năm 2019
Nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), nâng cao số lượng, chất lượng các công bố quốc tế của cán bộ, giảng viên, qua đó góp phần nâng cao thứ hạng Nhà trường trong đánh giá, xếp hạng trường đại học ở Việt Nam, tiến tới nâng cao thứ hạng trong bảng xếp hạng quốc tế. Trong 2 ngày 30&31/3/2019, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động Khoa học, công nghệ năm 2019 cho tất cả các ngành khoa học, các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo. PGS.TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Nhà trường dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các thầy/cô trong Ban Giám hiệu, Hội đồng trường, cán bộ quản lý các phòng, khoa, trung tâm, viện nghiên cứu và hơn 250 PGS, TS, các nhà khoa học của Trường.
PGS.TS. Trần Đức Quý phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai hoạt động khoa học, công nghệ năm 2019
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Hoạt động KH&CN đóng vai trò quan trọng trong giáo dục đại học. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài về đổi mới sáng tạo. Đồng thời tạo ra các sản phẩm trí tuệ, nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. PGS.TS.Trần Đức Quý nhấn mạnh: lãnh đạo Nhà trường mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học trong việc trao đổi, chia sẻ ý tưởng, tìm giải pháp cho các vấn đề KH&CN; tìm kiếm hợp tác, hình thành các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực nhằm giải quyết các bài toán lớn của Nhà trường nói riêng và xã hội nói chung trong lĩnh vực KHCN. Từ đó góp phần nâng cao thứ hạng Nhà trường trong bảng xếp hạng đại học của khu vực và quốc tế.
Ông Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng thuyết trình tại Hội nghị
Trong chuyên đề tham luận tại Hội nghị về “xếp hạng đại học và vai trò của hoạt động khoa học công nghệ”, ông Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đã giới thiệu khái quát về các bảng xếp hạng đại học phổ biến trên thế giới hiện nay như THE, QS world, QS Asia, ARWU, Webometrics... Theo ông Hoàng Anh, uy tín của trường đại học thường gắn liền với những sản phẩm mà nhà trường đã tạo ra. Kết quả nghiên cứu khoa học vì thế có trọng số rất cao trong xếp hạng các trường đại học thế giới. Vì vậy, để nâng cao vị trí của Nhà trường trong hệ thống các trường đại học cần các giải pháp đồng thời và toàn diện nhưng cần ưu tiên hoạt động KHCN.
PGS.TS. Vũ Minh Tân - Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ trình bày báo cáo tại Hội nghị
PGS.TS. Vũ Minh Tân - Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ chia sẻ với Hội nghị về “nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”. Theo số liệu thống kê, các đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong giai đoạn 2014 - 2018 có tăng dần về các nghiên cứu cấp Bộ, Tỉnh và cấp Nhà nước. Cụ thể: năm 2017 có 12 đề tài NCKH cấp Bộ, Tỉnh, năm 2018 tăng lên 15 đề tài; Đề tài, dự án cấp Nhà nước cũng tăng từ 3 lên 6 đề tài, dự án trong năm 2017 và 2018.
Hội thảo triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ năm 2019 được chia làm 3 phiên diễn ra trong 2 ngày với các nhóm chuyên ngành: 1) Cơ khí, Công nghệ Ô tô, Công nghệ Hóa, Công nghệ May & TKTT; 2) Kế toán – Kiểm toán, Quản lý Kinh doanh, Lý luận Chính trị & Pháp luật, Du lịch, Ngoại ngữ; 3) Điện, Điện tử, Công nghệ Thông tin, Khoa học Cơ bản.
PGS.TS. Đặng Ngọc Hùng - Trưởng khoa Kế toán Kiểm toán chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng công bố bài báo quốc tế
Tham luận “Kinh nghiệm và kỹ năng công bố bài báo khoa học quốc tế” được các chuyên gia: PGS.TS.Phạm Đức Cường - Viện trưởng Viện Công nghệ HaUI, PGS.TS.Đặng Ngọc Hùng - Trưởng khoa Kế toán Kiểm toán và TS.Phan Thanh Hòa - Viện Công nghệ HaUI chia sẻ tại Hội nghị. Theo các chuyên gia, để có thể công bố một bài báo quốc tế thành công thì tác giả cần chuẩn bị thật tốt các kết quả nghiên cứu có được về lý thuyết, mô phỏng, thực nghiệm...; chất lượng trình bày bài báo chuyên nghiệp; khả năng Tiếng Anh tốt; lựa chọn tạp chí thích hợp; tạo tiêu đề và phần tóm lược ấn tượng... Đặc biệt, muốn có công bố quốc tế, tác giả phải nhìn nhận nghiên cứu của mình có điểm gì nổi bật, tính mới thế nào và đóng góp gì cho khoa học. Để có yếu tố mới thì ý tưởng của công trình phải khác với những gì đã có trong quá khứ. Yếu tố mới của nghiên cứu khoa học là tiêu chí tiên quyết để các tạp chí quốc tế uy tín chấp thuận đăng bài.
TS. Nguyễn Anh Ngọc - Trưởng khoa Công nghệ Ô tô thuyết trình Quy trình gửi đăng bài báo khoa học quốc tế
Khi viết được bài báo khoa học thì một bước quan trọng mà các tác giả cần lưu ý đó là “Quy trình gửi đăng bài báo khoa học quốc tế”. Dựa trên kinh nghiệm đã đăng các bài báo khoa học quốc tế, TS.Nguyễn Anh Ngọc - Trưởng khoa Công nghệ Ô tô, TS.Lê Ba Phong - Khoa Quản lý Kinh doanh và TS.Trần Tiến Dũng - Khoa CNTT đã đưa ra các bước chính của quy trình đăng bài báo khoa học quốc tế gồm: Lựa chọn tạp chí, quy trình gửi bài, quy trình phản biện, kết quả sau phản biện, chỉnh sửa nội dung, chấp nhận đăng bài, truyền thông bài báo sau khi được công bố. Để bài báo khoa học được chấp thuận, tác giả cần chú ý đến việc: đặt tiêu đề ấn tượng, phần viết tóm tắt ngắn gọn, xúc tích; tài liệu tham khảo uy tín và cập nhật; đọc kỹ và phản hồi đầy đủ các nhận xét, yêu cầu từ các phản biện; nên trao đổi kinh nghiệm và hợp tác nghiên cứu với những học giả có uy tín.
PGS.TS. Trịnh Trọng Trưởng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ HaUI thuyết trình tại Hội nghị
Có nhiều cách, nhiều chỉ tiêu để đánh giá năng lực nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu, trong đó, việc rèn luyện “kỹ năng viết đề xuất và thuyết minh nhiệm vụ KH&CN” là rất quan trọng. Vấn đề này được 3 chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo: PGS.TS. Trịnh Trọng Trưởng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ HaUI, PGS.TS.Nguyễn Thị Hồng Nga - Phó trưởng khoa KTKT và PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi - Viện Công nghệ HaUI. Về kỹ năng viết đề xuất, tác giả cần dùng từ ngắn gọn, dễ hiểu, tránh dùng từ nhiều nghĩa; tên nhiệm vụ KH&CN không quá 20 từ và bao trùm được các nội dung cần nghiên cứu; cập nhật các số liệu mới nhất về lĩnh vực tác giả đề xuất... Về kỹ năng viết thuyết minh nhiệm vụ KHCN, tác giả phải nêu được những nội dung, giải pháp cụ thể cần thực hiện để đạt được mục tiêu đề tài và tạo ra sản phẩm; nội dung nghiên cứu phải xuất phát từ tổng hợp tình hình nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu; ghi đầy đủ, trình tự các bước thực hiện chủ yếu của đề tài từ khi thu thập thông tin tư liệu, lập thuyết minh đề tài đến khi nghiệm thu đề tài; dự toán kinh phí phải bám sát các văn bản quy định...
PGS.TS. Nguyễn Thanh Quang - Khoa Công nghệ Ô tô đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Tại phần thảo luận, Hội nghị được nghe nhiều ý kiến, đề xuất từ các nhà khoa học nhằm đóng góp vào việc phát triển KH&CN của ĐHCNHN. Các ý kiến thảo luận chủ yếu tập trung vào những nội dung: Nhà trường xây dựng cơ chế khuyến khích giảng viên tham gia NCKH nhằm tăng số lượng bài báo, công trình khoa học; xây dựng cơ chế, thành lập các nhóm nghiên cứu có sự hợp tác từ các đối tác bên ngoài, đặc biệt là hợp tác quốc tế; công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm khoa học công nghệ; tham gia các Hội thảo khoa học bên ngoài; tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động NCKH... Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS.Trần Đức Quý tiếp thu các ý kiến đóng góp; yêu cầu trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo; kêu gọi cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học đầu tư cao và sâu hơn cho khoa học, công nghệ. Hội nghị triển khai các hoạt động KHCN năm 2019 của Nhà trường sẽ là nền tảng để đẩy mạnh, phát triển hoạt động khoa học công nghệ, tiến tới nâng cao thứ hạng Nhà trường trong đánh giá, xếp hạng trường đại học ở Việt Nam và bảng xếp hạng quốc tế.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Toàn cảnh các phiên Hội nghị
Các nhà khoa học thuyết trình tại Hội nghị
Các đại biểu tham dự trao đổi, đề xuất các ý kiến nhằm nâng cao hoạt động KHCN của Nhà trường