Hội thảo “Công nghệ số ứng dụng trong thiết kế, chế tạo khuôn đùn nhôm phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ”
Ngày 02/12/2019, Viện Công nghệ HaUI, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội thảo “Công nghệ số ứng dụng trong thiết kế, chế tạo khuôn đùn nhôm phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ”. Hội thảo là hoạt động nằm trong Đề án “Nghiên cứu, nâng cao năng lực thiết kế và chế tạo khuôn đùn ép sản phẩm nhôm định hình phục vụ công nghiệp hỗ trợ” thuộc chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ 2019”, do PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm đề án.
Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCNHN” có PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, đại diện viện Khoa học Công nghệ HaUI, phòng Khoa học Công nghệ, khoa Cơ khí, trung tâm Việt Nhật và các giảng viên, sinh viên nhà trường đang nghiên cứu về ngành gia công áp lực. Về phía khách mời là các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực khuôn mẫu và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo khuôn đùn ép nhôm, sản xuất sản phẩm nhôm định hình; các công ty cung cấp phần mềm CAD/CAE/CAM, giải pháp số trong thiết kế khuôn, mô phỏng khuôn như công ty Qform Group, ViHoth, VietBay.
PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: Phát triển công nghiệp hỗ trợ được xác định là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trong đó việc áp dụng công nghệ số trong thiết kế, chế tạo khuôn đùn nhôm phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ là cần thiết. Hy vọng qua nghiên cứu và thử nghiệm thực tế, đề án sẽ giúp nâng cao năng lực thiết kế và chế tạo khuôn đùn ép sản phẩm nhôm định hình phục vụ công nghiệp hỗ trợ.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Mai trình bày chuyên đề 1 với nội dung “Thiết kế khuôn đùn nhôm và giải pháp mô phỏng - tối ưu hóa thiết kế”
Đại diện nhóm nghiên cứu Thạc sĩ Nguyễn Trọng Mai đã trình bày chuyên đề 1 với nội dung “Thiết kế khuôn đùn nhôm và giải pháp mô phỏng - tối ưu hóa thiết kế”. Qua nghiên cứu, nhóm thiết kế khuôn theo cách tiếp cận hiện đại gồm 5 bước: thiết kế khuôn; mô phỏng đùn thử; sửa/tối ưu hóa thiết kế; chế tạo khuôn và bước cuối cùng là sản xuất. Nhóm đã ứng dụng các phần mềm ưu việt trong thiết kế như ứng dụng Solidwork trong thiết kế 3D khuôn; mô phỏng quá trình đùn trên Qform; tối ưu hóa bearing khuôn trên Qform… Sau 1 năm nghiên cứu và thử nghiệm tại một số công ty, nhà xưởng, nhóm nghiên cứu kết luận các giải pháp mô phỏng - tối ưu hóa thiết kế khuôn ép đùn giúp rút ngắn quá trình hoàn thiện thiết kế khuôn; tối ưu hóa kết cấu khuôn; giảm thiểu sửa khuôn và các sản phẩm khuôn đùn nhôm gần như hoàn chỉnh.
Đại diện các công ty VietBay, Qform, ViHoth trình bày tham luận tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, đại diện các công ty VietBay, Qform, ViHoth đã trình bày tham luận với nội dung liên quan đến công nghệ số ứng dụng trong thiết kế, chế tạo khuôn đùn nhôm phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Các chuyên đề trình bày giúp làm rõ tình hình hoạt động của nghành công nghiệp hỗ trợ cơ khí trong thời gian qua, đặc biệt là các khó khăn vướng mắc trong thiết kế, chế tạo khuôn đùn nhôm trong thực tế. Qua đó các giải pháp đã được đưa ra như ứng dụng phần mềm Solidworks, Qform, CAD… nhằm tối ưu hóa thiết kế, chế tạo khuôn đùn nhôm.
Một số thông tin về Đề án:
Đề án “Nghiên cứu, nâng cao năng lực thiết kế và chế tạo khuôn đùn ép sản phẩm nhôm định hình phục vụ công nghiệp hỗ trợ” được thực hiện và triển khai trong năm 2019 do PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm. Đề án thuộc chương trình phát triển Công nghiệp Hỗ trợ năm 2019 do Bộ Công Thương chủ trì và Cục Công nghiệp phụ trách triển khai thực hiện. Đối tác của Đề án gồm các công ty: Công ty Cổ phần (CTCP) nhôm Nam Hải (Euroha); CTCP Cơ khí Đông Anh; Công ty TNHH Brothers và Công ty TNHH Ausdoor.
Theo nhóm nghiên cứu thì mục tiêu của đề án gồm:
- Xây dựng phòng thí nghiệm tính toán hiệu năng cao, phục vụ tính toán, thiết kế, mô phỏng, tối ưu thiết kế khuôn tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội;
- Tính toán, thiết kế một số loại khuôn đùn ép cho sản xuất thanh nhôm định hình có biên dạng phức tạp trong kết cấu; xây dựng mô hình toán học khuôn, mô phỏng quá trình làm việc bằng phần mềm QForm, tiến tới mục tiêu tối ưu hóa thiết kế của khuôn đối với từng loại sản phẩm;
- Chế tạo và thử nghiệm các khuôn đùn ép nhôm trong điều kiện sản xuất thực tế nhằm đánh giá thiết kế của khuôn;
- Chuyển giao công nghệ thiết kế, mô phỏng khuôn đùn ép cho doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo khuôn đùn ép nhôm nhằm đáp ứng nhu cầu thiết kế sản phẩm mới, nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp;
- Cung cấp sản phẩm khuôn và các dịch vụ cho các doanh nghiệp sản xuất thanh nhôm định hình trong công nghiệp hỗ trợ.