PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Nữ giảng viên đam mê khoa học và tâm hồn thi sĩ

“Đam mê dạy và học, nghiêm túc trong công việc, nhiệt huyết trong hoạt động nghiên cứu khoa học” hay “Nữ giảng viên đam mê khoa học” - Đó là nhận xét mà nhiều đồng nghiệp nói về PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Giảng viên khoa Công nghệ Hóa, Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Ban truyền thông gặp PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai vào một ngày mát dịu của tiết trời thu tháng 10 để cùng nghe cô kể về cuộc sống và đam mê nghiên cứu khoa học của mình.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Nữ giảng viên đam mê khoa học và tâm hồn thi sĩPGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Giảng viên khoa Công nghệ Hóa, Đại học Công nghiệp Hà Nội

Hai lần xuất sắc đạt học vị, học hàm

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai tâm sự: Năm 2008, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại khoa Hoá trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), cô tiếp tục học nghiên cứu sinh, cô đã xuất sắc hoàn thành luận án tiến sĩ và bảo vệ thành công vượt trước thời hạn 02 năm.

Lần thứ hai cũng rất xuất sắc khi PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xét công nhận Phó Giáo sư năm 2017, lúc 45 tuổi. Cô chia sẻ, vì chưa đủ số năm giảng dạy bậc đại học (quy định trên 10 năm) bởi vậy để đạt được theo tiêu chuẩn quy định thì số công trình khoa học phải gấp đôi. May mắn khi đó cô đã có nhiều công trình khoa học đáp ứng quy định của Hội đồng.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Nữ giảng viên đam mê khoa học và tâm hồn thi sĩPGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai trao đổi với Ban chủ nhiệm khoa Công nghệ Hóa về các sản phẩm (trà, siro ho) được nghiên cứu, sản xuất thành công

Đam mê nghiên cứu khoa học

Đến nay, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai đã công bố trên 50 bài báo khoa học trong nước và quốc tế, gần chục cuốn sách, giáo trình chuyên ngành, chủ trì và tham gia nhiều dự án, đề tài KHCN trong và ngoài nước. Các nghiên cứu của cô tập trung vào các hợp chất có hoạt tính sinh học và ứng dụng trong lĩnh vực hóa dược.

Với PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, những gì mình được học thì không dừng lại ở kiến thức mà phải biến thành sản phẩm. Vì vậy, nhiều đề tài NCKH của cô đã được ứng dụng bào chế sản phẩm chuyển giao công nghệ. Năm 2012, 06 công trình sản xuất trà thảo dược được chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH CZ Pharma và 02 công trình nghiên cứu về viên nang cứng xạ đen và trà hoà tan xạ đen được chuyển giao cho công ty cổ phần nghiên cứu phát triển dược liệu Hoà Bình.

Các sản phẩm làm ra đều hoàn toàn từ thực vật của Việt Nam, không sử dụng hoá chất. Suốt nhiều năm, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai đã dày công đi tìm nơi thực vật sinh sống hợp với thổ nhưỡng và điều kiện canh tác hoàn toàn tự nhiên như Suối Giàng, Hồng Ca ở tỉnh Yên Bái, Bắc Mê, Cao Bồ, Yên định ở tỉnh Hà Giang hay Lạc Sơn ở tỉnh Hòa Bình.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Nữ giảng viên đam mê khoa học và tâm hồn thi sĩPGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai hướng dẫn sinh viên thực hành

Tiếp lửa đam mê Hóa học

Gần 10 năm đứng trên bục giảng, cô Mai luôn tâm niệm bản thân mình phải gương mẫu. Mình có tốt thì mới là một tấm gương để sinh viên noi theo.

Cô bảo: Hóa học là một môn khoa học thực nghiệm đòi hỏi phải kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Để sinh viên của mình hiểu và yêu thích môn học, cô Mai đã không ngừng tự học hỏi từ đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường, tự nghiên cứu tài liệu, dịch tài liệu, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy…

Nhiều năm liền cô Mai đã hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên đạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường. Năm học vừa qua, nhóm nghiên cứu gồm 4 sinh viên K12 đã xuất sắc đạt giải Nhất SV NCKH cấp trường sản phẩm Thanh tâm trà. Đề tài này tiếp tục tham dự SV NCKH cấp Bộ. Đó là niềm vui, hạnh phúc và tự hào đối với cô Mai.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Nữ giảng viên đam mê khoa học và tâm hồn thi sĩPGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai trên bục giảng tiếp lửa cho sinh viên

Khi được hỏi ngoài đam mê nghiên cứu khoa học, cô còn có đam mê nào khác? PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ: cô thích thơ văn và trồng cây. Theo quan niệm của nhiều người, “dân” kỹ thuật thường sống khô khan. Cô thì lại thấy những người làm kỹ thuật cũng rất lãng mạn. Đặc biệt, đối với phụ nữ làm kỹ thuật như cô có tính kiên trì, sự mềm mỏng, linh hoạt nên thường rất say mê, thả hồn vào ý tưởng, gắn ý tưởng với đời sống. Do đó, phụ nữ khi làm kỹ thuật thường dễ thành công trong những sản phẩm mình tạo ra, vừa thiết thực vừa hiệu quả. Mượn mấy vần thơ viết về phụ nữ, cô ngân nga:

"Giữa bao nhiêu mưa nắng đời thường

Phụ nữ vẫn là hoa, là thiên thần của đất

Dẫu ngày mai mặt trời có tắt

Hãy gọi tên 'phụ nữ' như ngọn đuốc của niềm tin!"

Nhân ngày Thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúc PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai luôn xinh đẹp, tươi trẻ và giữ mãi ngọn lửa đam mê khoa học!

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Nữ giảng viên đam mê khoa học và tâm hồn thi sĩ