Tăng cường đào tạo về Hoá học xanh tại các trường đại học – Từ lý thuyết tới thực tiễn
Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2021 – Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục hoá chất, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm về Hoá học xanh tại doanh nghiệp và trường đại học”. Hội thảo có sự tham gia của gần 60 đại biểu, chuyên gia của Cục Hóa chất, Hội Hóa học Việt Nam, UNDP, lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Phenikaa và các doanh nghiệp sản xuất hóa chất lớn như Công ty Plato Việt Nam, Công ty TNHH Akzonobel Coatings Việt Nam, Công ty TNHH Nhựa và Hóa Chất TPC VINA, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì, Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM.
Photo: internet
Hiện nay, một số trường đại học đang có giáo trình dạy riêng về hóa học xanh (ví dụ như trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thời lượng giảng về hóa học xanh là 30 tiết tương đương 2 tín chỉ cho các sinh viên năm 3 đại học các chuyên ngành thuộc Khoa Công nghệ Hóa: Công nghệ kỹ thuật Hóa học, Công nghệ Hóa dầu, Công nghệ Hóa Môi trường, Công nghệ Thực phẩm). Tuy nhiên, đa số các trường đại học khác thì tích hợp, lồng ghép hóa học xanh trong môn học của khoa hóa, mà không tách riêng. Một số trường chưa đưa khái niệm hóa học xanh vào trong bài giảng. Đây là kết quả của khảo sát về mức độ mức độ hiểu, biết và hiện trạng giảng dạy về các nội dung của Hóa học xanh trong 44 trường đại học ở Việt Nam, do dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng, phát thải các hóa chất POPs và hóa chất nguy hại” thực hiện.
Hóa học xanh là xu hướng phát triển bền vững của công nghiệp hóa chất ở mọi quốc gia. Việc áp dụng hóa học xanh trong sản xuất giúp giảm mức độ ô nhiễm môi trường, đất, nguồn nước từ đó giảm bớt các tác động xấu của hóa chất độc hại tới sức khỏe con người. Ước tính, mỗi năm sản xuất công nghiệp tại Việt Nam phát thải khoảng 3 triệu tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 30% là chất thải độc hại. Do vậy việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy về hóa học xanh ở các trường đại học và áp dụng vào việc sản xuất là điều rất cần thiết.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục hoá chất, Bộ Công Thương cho biết: “Tất cả các hoạt động hoá chất hiện nay đều hướng đến mục tiêu phát triển ngành hoá chất Việt Nam một cách bền vững và đảm bảo an toàn cho môi trường. Chúng tôi rất mong các em sinh viên cũng được trang bị các kiến thức, kinh nghiệm thực tế về phát triển bền vững và hoá học xanh.”
TS. Vũ Đình Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hoá học, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi đã bắt đầu đưa Hoá học xanh vào thành một môn chính thức cho lứa sinh viên tuyển sinh năm 2020. Tuy nhiên, để cho môn học này có nội dung gắn với thực tiễn doanh nghiệp, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ các dự án và chuyên gia ở nước ngoài.”
Ông Hoàng Thành Vĩnh, Cán bộ chương trình, UNDP Việt Nam cho biết: “Chúng tôi có một số nguồn tài trợ nhỏ cho các công tác bảo vệ môi trường, hoá học xanh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp” và cũng nhấn mạnh rằng “trong khuôn khổ dự án này, UNDP sẵn sàng huy động các chuyên gia quốc tế để tư vấn, hỗ trợ các trường đại học cũng như các doanh nghiệp trong việc áp dụng hóa học xanh cũng như thiết kế các hệ thống xử lý nước thải hoặc các giải pháp kỹ thuật cần thiết.”
Ngoài việc thảo luận để lồng ghép HHX vào chương trình đào tạo một cách hiệu quả hơn, đại diện các trường đại học cũng có cơ hội lắng nghe những chia sẻ thực tiễn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam.
Ông Ngô Tiến Luân, Trưởng phòng Kỹ thuật, Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết, hiện công ty đang phát triển nhiều giải pháp kỹ thuật trong các quy trình sản xuất giấy như thay đổi công nghệ rửa, tái tuần hoàn nước, sử dụng các vật tư mới, đầu tư cải tạo và nâng cấp các mô-tơ, hệ thống chiếu sáng ... Ông Luân nhấn mạnh: “Đối với một doanh nghiệp muốn phát triển để bảo vệ môi trường, ngoài việc áp dụng những công nghệ mới, thay thế hoàn toàn dây chuyền sản xuất thì chúng ta cũng cần tận dụng những nguồn lực có sẵn, đẩy mạnh công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó ưu tiên các giải pháp tiết kiệm năng lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.”
Đại diện các doanh nghiệp tham dự hội thảo cũng chia sẻ rằng họ sẵn sàng hợp tác với dự án và các trường đại học trong việc chia sẻ thực tiễn và tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận kinh nghiệm áp dụng hóa học xanh.
Dự án “Áp dụng Hoá học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải sử dụng các hoá chất hữu cơ khó phân huỷ (POPs) và hoá chất nguy hại”, do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và UNDP hỗ trợ. Mục tiêu chính của Dự án là nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu Hóa học xanh (HHX) và những ứng dụng HHX cho các ngành sản xuất tại Việt Nam nhằm giảm thiểu việc sử dụng, phát thải các hóa chất thuộc danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm và Công ước Minamata.