Toạ đàm khoa học “Tháo gỡ rào cản thể chế đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ”
Tự chủ trong quản trị đại học là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều bên liên quan trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế. Cần phải nhận thức đúng về tự chủ trong quản trị đại học và có giải pháp gỡ những nút thắt về cơ chế, chính sách để thực hiện thành công mục đích của quản trị đại học là hỗ trợ, thúc đẩy hệ thống, mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phát triển bền vững, thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực cho xã hội phù hợp với mục tiêu chiến lược của quốc gia. Đó là quan điểm chung của các nhà quản lý giáo dục đại học trong Tọa đàm “Tháo gỡ rào cản thể chế đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ” diễn ra vào sáng ngày 25/10/2024 do Câu lạc bộ khối các trường đại học cao đẳng đã tự chủ thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với sự tham gia của gần 50 đại biểu.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm có sự tham dự của TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Ông Phạm Ngọc Lan - UVTV Trưởng ban Công tác Hội viên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Ông Hoàng Dũng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số thuộc Hiệp hội, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L; PGS.TS. Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm CLB Khối trường đại học đã tự chủ; cùng các thầy/cô là Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của các Trường đại học đã tự chủ trong cả nước.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS. Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm CLB Khối trường đại học đã tự chủ chào mừng quý thầy/cô tới tham dự tọa đàm, đây là hoạt động hàng năm theo kế hoạch của CLB và năm 2024 tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Thầy chia sẻ, “Tự chủ đại học là xu thế tất yếu của các trường đại học trên thế giới. Ở Việt Nam, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, những cải cách được thực hiện gần đây thể hiện một bước đi đúng hướng của Đảng, Nhà nước, Ngành Giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học, đã mang lại nhiều giá trị tích cực cho phát triển đại học trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo; mở rộng hợp tác và nghiên cứu khoa học; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng hiện đại. Tuy nhiên kết quả còn chưa được như mong đợi do có khoảng cách đáng kể giữa mục đích chính sách và việc triển khai thực tế của mỗi cơ sở giáo dục.
PGS.TS. Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm CLB Khối trường đại học đã tự chủ phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu chào mừng tại buổi tọa đàm khoa học
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, PGS.TS. Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm CLB Khối trường đại học đã tổng hợp các ý kiến của các trường tự chủ, về khó khăn, vướng mắc các cơ sở giáo dục đại học gặp phải trong quá trình triển khai tự chủ như vấn đề về thu hút giảng viên trình độ cao, nhất là giảng viên người nước ngoài; sử dụng, cho thuê tài sản công; định giá tài sản công; hợp tác công – tư, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài; cơ chế vay vốn ODA; vấn đề về chính sách thu thuế đối với cơ sở giáo dục; mở rộng tăng tín dụng cho sinh viên,…
Hội nghị tọa đàm sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ rất có giá trị, nhờ chính sách tự chủ mà mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động. Cùng với 2 đại học quốc gia, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số nút thắt, rào cản về thể chế cần được tháo gỡ để tự chủ mang lại giá trị thực chất. Thực tế, hoạt động tự chủ đại học của các trường đại học công lập đang chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức, các luật về thuế, tài chính và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong quá trình thực hiện, các trường đều nhận thấy rằng, dù đã có một số văn bản dưới luật cởi trói cho các trường được “thí điểm tự chủ”, nhưng do tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi Luật, đặc biệt là Luật Giáo dục đại học, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học Công nghệ, Luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước … nên thực tế, các trường đại học tự chủ vẫn cho rằng, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường tự chủ; một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai.
Các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện tự chủ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, lấy ý kiến thực tiễn các trường để hoàn thiện, đồng bộ thể chế về giáo dục đào tạo, có cơ chế đầu tư cho giáo dục đại học. Nhiều đại biểu nhấn mạnh phát biểu của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tự chủ đại học: “Tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư mà là đầu tư theo các "kết quả đầu ra" mà cơ sở giáo dục cam kết với Nhà nước; đặc biệt là ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ với các ngành nghề khó xã hội hóa,…”
GS.TS. Lê Anh Tuấn - Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Hội đồng Đại học, Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại toạ đàm
GS.TS. Vũ Văn Yêm - Trưởng Ban Tổ chức - Nhân sự Đại học Bách Khoa Hà Nội phát biểu tại toạ đàm
PGS. TS Bùi Hữu Đức - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại phát biểu tại toạ đàm
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại toạ đàm
PGS.TS. Lê Hiếu Giang - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại toạ đàm
GS.TS. Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phát biểu tại toạ đàm
Ths. Trần Hoàng Tâm - Phó trưởng Ban thường trực Ban Tài Chính - Kế hoạch đầu tư, Kế toán trưởng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại toạ đàm
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại toạ đàm
TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu kết luận toạ đàm, ghi nhận những khó khăn vướng mắc của các trường trong thực hiện tự chủ. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các trường, có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền, tháo gỡ rào cản để tự chủ sẽ trở thành động lực, nền tảng phát triển hệ thống đại học Việt Nam trên một tầm cao hơn, vững vàng gia nhập hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới
Toàn thể đại biểu chụp hình lưu niệm
Các đại biểu tham quan cơ sở 3 của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tại tỉnh Hà Nam
Một số hình ảnh khác của buổi tọa đàm: