[baohoabinh] Động lực cho người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt lên nghịch cảnh

Trải qua khó khăn, trở ngại, bỏ lại đằng sau sự mặc cảm, tự ti, nhiều người khuyết tật (NKT) mạnh mẽ vươn lên, nhiều trẻ mồ côi (TMC) nỗ lực học tập để có một tương lai tốt đẹp. Bên cạnh ý chí của bản thân NTK, TMC, tinh thần trợ giúp và vòng tay yêu thương của cộng đồng chính là động lực cho NKT, TMC phát huy hết khả năng và sống hòa nhập.

[baohoabinh] Động lực cho người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt lên nghịch cảnh

Chị Lê Thị Ngọc Lan, tấm gương người khuyết tật vượt lên số phận, trở thành bà chủ cửa hàng kinh doanh và sửa chữa điện dân dụng tại tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc).

Là những người sinh ra với phần cơ thể bị khiếm khuyết hoặc vì tai nạn, ốm đau mà mất đi khả năng lao động; những đứa trẻ bơ vơ, côi cút vì không còn cha mẹ. Số phận kém may mắn nhưng họ đã vượt lên chính mình để trở thành tấm gương NKT, TMC truyền cảm hứng, lan tỏa nghị lực sống đến nhiều người cùng cảnh ngộ.

Những người khuyết tật có nghị lực phi thường

Biến cố bất ngờ xảy đến vào năm 2007 khiến anh Lê Huy Tích (SN 1978), phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) từ một thanh niên khỏe mạnh thành người tàn phế. Với di chứng của vụ tai nạn gây chấn thương cột sống, gãy xương quai xanh, trật khớp vai trái, liệt 2 chi dưới, việc đi lại của anh từ đó hoàn toàn phụ thuộc vào xe lăn.

Anh Tích nhớ lại: Tỉnh dậy trong tận cùng nỗi đau và đôi chân không còn cảm giác gì, tôi đã vô cùng tuyệt vọng, thậm chí không còn thiết sống. Mãi sau này, tôi hiểu rằng nếu cứ buông xuôi thì cuộc đời mình sẽ trở nên vô nghĩa trong khi bản thân vẫn còn đôi tay lành lặn… Nghĩ vậy nên sau đó tôi tìm kiếm việc làm, có thời gian gắn bó với nghề sửa chữa điện thoại. Tranh thủ lúc vắng khách, tôi mày mò nghiên cứu thiết kế xe lăn gắn vào đầu kéo điện nhằm giúp cho việc di chuyển của mình tiện lợi hơn. Khi ý tưởng lớn dần lên, tôi bàn với gia đình và mạnh dạn thực hiện kế hoạch mở cửa hàng sửa chữa, sản xuất xe lăn đầu kéo điện.

Sau những khó khăn ban đầu, bằng tâm huyết và nỗ lực cho ra sản phẩm xe lăn đầu kéo điện có giá thành hợp lý, đạt tiêu chuẩn chất lượng, anh Tích đã có được thành công rất đáng khâm phục khi nhiều người có nhu cầu sử dụng tìm đến, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Thời gian tiếp theo, anh mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đầu tư cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng, thay thếphụ tùng và mua bán, trao đổixe điện, gia công chế tạo xe cho người già, NKT. Cơ sở của anh hiện tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có 3 lao động là NKT.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng công việc sửa chữa điện dân dụng là của đàn ông, càng không nghĩ đó là việc mà một phụ nữ khuyết tật có thể làm được. Bởi thế khi đến thăm cửa hàng sửa chữa điện dân dụng Kỷ Lan tại tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Tiếp chúng tôi là chị Lê Thị Ngọc Lan (SN 1984), chủ cửa hàng, đồng thời là một trong những NKT tiêu biểu.

"Cuộc sống của NKT khó khăn và gặp nhiều lực cản, nhưng nếu đủ ý chí vượt qua và tìm được lối đi phù hợp thì cánh cửa tương lai vẫn luôn rộng mở” - niềm tin đó đã theo chị Lan suốt hành trình vươn lên và khát khao khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Cách đây 17 năm, với nhiều nỗ lực trên con đường học vấn, chị nhận tấm bằng cử nhân tin học hệ cao đẳng của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, đồng thời nhận chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ kế toán tổng hợp xếp loại giỏi do trường Đại học Kinh tế quốc dân cấp.

Chia sẻ về công việc đã lựa chọn gắn bó nhiều năm, chị Lan cho biết: Ở huyện vùng cao Đà Bắc, nhu cầu về sửa chữa đồ điện, các thiết bị sử dụng điện của gia đình khá lớn nhưng lại có rất ít điểm phục vụ. Với ý nghĩ đó nên tôi tranh thủ sự ủng hộ của chồng, quyết tâm tìm cơ sở học nghề và mở cửa hàng sửa chữa điện dân dụng tại nhà. Nhờ chăm chỉ và cố gắng nên tôi sớm thành thạo công việc, khách hàng ngày càng yên tâm, tin tưởng tìm đến. Nắm bắt nhu cầu ở địa phương, tôi mở rộng thêm quy mô hoạt động, không chỉ sửa chữa mà còn kinh doanh đồ điện các loại. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, tôi đã dạy nghề sửa chữa điện dân dụng miễn phí cho 20 học viên, trong đó có 3 học viên là NKT. Nhiều học viên ở khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện sau khi hoàn thành đào tạo đã ra mở cửa hàng, công việc phát triển tốt.

Và những đứa trẻ vượt lên số phận

Mồ côi cha từ lúc chưa tròn 1 tuổi, tiếp đó là đằng đẵng tháng ngày dài thiếu vắng tình thương của mẹ, cảnh ngộ của cô bé "chim cánh cụt” Phan Mỹ Chi, 9 tuổi, ở xóm Đồi 2, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) khiến nhiều người vừa cảm phục, vừa xót xa.

Cô bé không có 2 tay sống nương tựa bà ngoại từ khi mới 15 tháng tuổi. Nhưng giờ bà đã già yếu, mắt mờ, chân chậm, thuộc hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bà con láng giềng giúp đỡ xây cho căn nhà mái ấm tình thương nên 2 bà cháu có được nơi ăn, chốn ở ổn định. Do cơ thể khiếm khuyết và không có ai hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày nên Chi tập làm mọi việc, từ ăn uống, vệ sinh cá nhân… bằng hai chân. Năm lên 6 tuổi, Chi được đến trường học tập như bao bạn bè cùng trang lứa. Với người lành lặn lúc mới đi học viết chữ bằng tay đã khó, với Chi phải dùng chân viết lại càng khó hơn. Nhưng em không nản chí mà dành thời gian miệt mài luyện chữ mỗi ngày. Bằng nỗ lực của chính mình, cô bé "chim cánh cụt” không những viết được chữ đẹp như các bạn trong lớp mà còn biết trình bày sạch đẹp, rõ ràng. Càng cảm phục hơn là dù chịu bất hạnh, thiệt thòi nhưng em luôn cố gắng để hòa nhập với các phong trào, hoạt động của lớp, của trường, đạt được kết quả cao trong học tập với thành tích hàng năm đều đạt khá, giỏi.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và TMC tỉnh cho biết: Trong cuộc sống hiện nay có không ít tấm gương trẻ khuyết tật, mồ côi vượt lên nghịch cảnh. Hàng chục trẻ khuyết tật, mồ côi toàn tỉnh đạt được những thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, xứng đáng được biểu dương, như: Phạm Quỳnh Chi (SN 2011) ở thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy); Bùi Thị Yến Nhi (SN 2011) ở xã Gia Mô (Tân Lạc); Nguyễn Đào Tuấn Anh (SN 2009) ở xã Đông Bắc, Hoàng Việt Anh (SN 2013) ở xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi); Hoàng Kiều Cát Tiên (SN 2017) ở xã Nhuận Trạch (Lương Sơn); Vì Thị Ngọc Ánh (SN 2016) ở xã Chiềng Châu (Mai Châu); Bùi Thị Quỳnh Như (SN 2009) ở xã Bình Hẻm (Lạc Sơn); Bùi Minh Huế (SN 2011) ở xã Hợp Phong (Cao Phong)… Các em đã và đang trở thành người có ích cho xã hội, nỗ lực thực hiện ước mơ trở thành bác sỹ, giáo viên, kỹ sư nông nghiệp góp phần xây dựng quê hương.

Nguồn: Báo Hòa Bình Điện Tử