[daibieunhandan] 20.000 tỷ đồng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao sẽ đầu tư vào đâu?

Tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao đến năm 2030 dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4.000 tỷ đồng.

Điểm nghẽn lớn nhất là thiếu hụt đội ngũ nhân lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM)

Ngày 28.9, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới năm 2045.

[daibieunhandan] 20.000 tỷ đồng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao sẽ đầu tư vào đâu?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, lý do xây dựng Đề án là hiện nay cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư gắn với sự phát triển đột phá của các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ số, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Những nghề nghiệp hoặc công việc giản đơn nhanh chóng bị thay thế bằng những
việc làm mới yêu cầu trình độ và kỹ năng cao, trong khi cả nguồn cung nhân lực mới và một bộ phận lao động của nước ta hiện có chưa đáp ứng được.

Nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng trong các lĩnh vực công nghệ then chốt, mới nổi trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia.

Trong bối cảnh mới, nước ta có cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của CMCN lần thứ tư như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới và vật liệu tiên tiến, cũng như đầu tư và phát triển các lĩnh vực ứng dụng những công nghệ đó.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn. Đây chính là nguồn nhân lực nền tảng phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao, đặc biệt là những lĩnh vực then chốt.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực này sẽ dẫn đến nguy cơ lớn nhất làm Việt Nam tuột mất cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây là chủ trương lớn đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; là nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc xây dựng “Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045” là yêu cầu cấp thiết nhằm phân tích, đánh giá khách quan thực trạng và nhu cầu, từ đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy hợp tác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nói chung và một số lĩnh vực công nghệ cao then chốt nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trước những thách thức và cơ hội của cuộc CMCN lần thứ tư.

"Đề ánĐào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) có trình độ đại học, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ làm lực lượng nòng cốt của đội ngũ nhân lực công nghệ cao; trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ nhân lực tài năng STEM phục vụ phát triển một số lĩnh vực công nghệ then chốt cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh như công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến và năng lượng xanh" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

[daibieunhandan] 20.000 tỷ đồng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao sẽ đầu tư vào đâu?

Điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM)

Đầu tư gì trong 20.000 tỷ đồng đến năm 2030?

Theo Dự thảo đề án, dự kiến tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng chưa bao gồm: Phần kinh phí đào tạo tiến sĩ cho giảng viên (đã có trong đề án thực hiện theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ); Phần kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu đặc thù của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan và doanh nghiệp; Phần kinh phí đầu tư xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu xuất sắc theo hình thức hợp tác công-tư (thực hiện theo đề án riêng).

Bộ GD-ĐT đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của đề án là tăng nhanh quy mô đào tạo trình độ cao thuộc khối ngành STEM, nhất là các ngành khoa học cơ bản và các ngành liên quan tới công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học: Tỉ lệ người theo học các ngành STEM đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 2,5% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 18% thuộc các ngành liên quan tới công nghệ số.

Tính trên tổng quy mô đào tạo khối ngành STEM, số người học các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ chiếm ít nhất 10% và số người học các chương trình đào tạo tiến sĩ chiếm ít nhất 1%; tỉ lệ nữ giới chiếm ít nhất 25%. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 80 nghìn người/năm trong đó ít nhất 10% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 20 nghìn người/năm trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ; 100% chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ thuộc khối ngành STEM được tích hợp kiến thức, kỹ năng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về sinh học, công nghệ sinh học và y sinh đạt 5 nghìn người/năm trong đó ít nhất 20% được cấp bằng
kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Đề án kỳ vọng tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo các ngành STEM, nhất là các ngành khoa học cơ bản và các ngành liên quan tới công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học: Các chỉ số chất lượng tuyển sinh đại học của phần lớn nhóm ngành STEM được cải thiện rõ rệt và cao hơn mức trung bình chung; ít nhất 40% học sinh từ các trường THPT chuyên chọn học các ngành STEM. Các chỉ số điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khối ngành STEM tiếp tục được cải thiện và cao hơn mức trung bình chung, trong đó tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ cao hơn 42%.

Hơn 80% chương trình đào tạo ngành STEM trình độ đại học có tỉ lệ tốt nghiệp và tỉ lệ có việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn đạt trên 80%, trong đó hơn 50% làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới công nghệ cao.

[daibieunhandan] 20.000 tỷ đồng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao sẽ đầu tư vào đâu?

Bộ GD-ĐT kỳ vọng: Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo tài năng trong các lĩnh vực công nghệ then chốt đạt khoảng 5 nghìn kỹ sư, thạc sĩ và 500 tiến sĩ (hằng năm), trong đó ít nhất 20% thuộc các chương trình chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo.

Kỳ vọng 2.000 người có trình độ tiến sĩ các ngành STEM nước ngoài được tuyển dụng

Bộ GD-ĐT mong muốn đề án tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tài năng STEM gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ then chốt, cụ thể: Hơn 2.000 người có trình độ tiến sĩ các ngành STEM đang làm việc ở nước ngoài được tuyển dụng làm giảng viên đại học trong nước, trong đó trên 50% có chuyên môn thuộc các lĩnh vực công nghệ then chốt.

Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo tài năng trong các lĩnh vực công nghệ then chốt đạt khoảng 5 nghìn kỹ sư, thạc sĩ và 500 tiến sĩ (hằng năm), trong đó ít nhất 20% thuộc các chương trình chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo.

Khoảng 50 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận thuộc các lĩnh vực STEM trong đó có 30 nhóm thuộc các lĩnh vực công nghệ then chốt; thứ hạng về công bố quốc tế trong các lĩnh vực STEM được cải thiện liên tục.

Bộ GD-ĐT kỳ vọng các chỉ số thành phần liên quan tới GDĐH và nguồn nhân lực chất lượng cao trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) được cải thiện liên tục từ năm 2028. Việt Nam trở thành quốc gia có đội ngũ chuyên gia trí tuệ nhân tạo mạnh nhất khu vực ASEAN.

Đồng thời, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH trọng điểm về STEM trở thành hạt nhân, nòng cốt của hệ sinh thái đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo về các lĩnh vực công nghệ then chốt tại các vùng kinh tế, trong đó: Hình thành khoảng 6 đến 10 cơ sở GDĐH trọng điểm về STEM trong mỗi lĩnh vực công nghệ then chốt gồm : Công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, năng lượng xanh.

Các cơ sở GDĐH trọng điểm về STEM đào tạo hơn 50% số tiến sĩ, đóng góp hơn 50% số bài báo Scopus, hơn 50% số bằng độc quyền sáng chế và hơn 50% số công ty khởi nguồn, công ty khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực STEM của cả nước.

Có ít nhất 03 cơ sở GDĐH có lĩnh vực đào tạo STEM nằm trong tốp 300 thế giới; 02 cơ sở đào tạo trí tuệ nhân tạo và 01 cơ sở đào tạo công nghệ sinh học nằm trong tốp 20 khu vực ASEAN.

25 đại học, học viện được Đề án lựa chọn ưu tiên, đề xuất đầu tư và triển khai chương trình đào tạo tài năng gồm:

ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Khoa học công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Thủy Lợi, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam.

3 cơ sở tư thục Bộ GD-ĐT khuyến khích đầu tư và tham gia đào tạo tài năng gồm: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH VinUni.

Cần thay đổi định hướng cho các em học sinh lựa chọn STEM từ bậc phổ thông

Tại hội thảo góp ý Đề án do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 28.9, các đại biểu ở các trường đại học, các bộ, ngành đã nhận định: Đề án được xây dựng kĩ lưỡng, công phu với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển công nghệ cao của đất nước, đồng thời, đưa ra những góp ý, đề xuất để hoàn thiện đề án hiệu quả.

[daibieunhandan] 20.000 tỷ đồng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao sẽ đầu tư vào đâu?

Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng

Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng đánh giá, sự cần thiết của đề án không chỉ nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn phục vụ hiệu quả cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trung tướng Nguyễn Văn Oanh kiến nghị, cần bổ sung thêm ngành máy tính và công nghệ thông tin; nghiên cứu các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực dài hạn hơn, đặc biệt là định hướng cho các em học sinh lựa chọn STEM ngay từ giáo dục phổ thông.

Đại diện đại học Quy Nhơn cho rằng, cần có những chính sách thay đổi trong tuyển sinh, đào tạo ở giáo dục phổ thông, khuyến khích học sinh học khoa học tự nhiên, STEM. Đồng thời, đề án cần quan tâm đến yếu tố vùng miền; rà soát, bổ sung các đơn vị tham gia nếu đáp ứng nhu cầu về năng lực trong các giai đoạn 5 năm, 10 năm…

Ông Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp phát triển doanh nghiệp Ngân hàng thế giới nhấn mạnh sự ủng hộ với đề án để ngành giáo dục nâng cao chất lượng nhân lực, đóng góp lâu dài cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh đầu tư cho khoa học công nghệ chưa được nhiều.

[daibieunhandan] 20.000 tỷ đồng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao sẽ đầu tư vào đâu?

Ông Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp phát triển doanh nghiệp Ngân hàng thế giới trao đổi tại hội thảo

Ông Vinh cho rằng nhân lực là yếu tố phát triển then chốt trong làm chủ công nghệ, ông Vinh đề xuất Bộ GDĐT cần có những giải pháp rà soát, tạo ra sự thuận lợi hơn cho việc thành lập các cơ sở giáo dục đào tạo công nghệ cao, hay có cơ chế thí điểm cho những mô hình đào tạo mới có sự kết hợp với doanh nghiệp, nước ngoài để mở rộng hơn các chương trình đào tạo.

Hội thảo cũng ghi nhận các ý kiến, đóng góp trong xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo của giáo viên; Cơ chế cho các trường sư phạm trong đào tạo giáo viên phổ thông có năng lực STEM; thu hút học sinh nữ vào ngành STEM; đổi mới phương pháp dạy học từ phổ thông, có định hướng STEM cho học sinh; khoanh vùng sơ bộ điểm mạnh của từng trường để đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiệu quả.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cảm ơn các ý kiến sâu sát, toàn diện và đa chiều của các đại biểu cho dự thảo đề án. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại hội thảo, tập trung vào những nội dung cần thực hiện, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của đề án.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2030-2035

Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 100 nghìn người/năm trong đó ít nhất 15% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 30 nghìn người/năm trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Hơn 5.000 người có trình độ tiến sĩ các ngành STEM đang làm việc ở nước ngoài được tuyển dụng làm giảng viên đại học trong nước, trong đó trên 50% có chuyên môn thuộc các lĩnh vực công nghệ then chốt.

Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo tài năng trong các lĩnh vực công nghệ then chốt đạt khoảng 8 nghìn kỹ sư, thạc sĩ và 1 nghìn tiến sĩ (hằng năm).

Khoảng 80 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận thuộc các lĩnh vực STEM trong đó có 50 nhóm thuộc các lĩnh vực công nghệ then chốt; thứ hạng về công bố quốc tế trong các lĩnh vực STEM tiếp tục được cải thiện.

Các cơ sở GDĐH trọng điểm về STEM đào tạo hơn 70% số tiến sĩ, đóng góp hơn 70% số bài báo Scopus, hơn 70% số bằng độc quyền sáng chế và hơn 70% số công ty khởi nguồn, công ty khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực STEM của cả nước.

Có ít nhất 02 cơ sở GDĐH có lĩnh vực đào tạo STEM nằm trong tốp 200 thế giới; 02 cơ sở đào tạo trí tuệ nhân tạo và 01 cơ sở đào tạo công nghệ sinh học nằm trong tốp 10 khu vực ASEAN…

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân

Tin đã đưa

» [baodautu] Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học: Hướng đi nào cho Việt Nam?

Thứ Ba, 22:33 26/11/2024

» [moit] Lấy ý kiến đối với đề nghị khen thưởng Chiến sĩ thi đua toàn quốc và Huân chương Lao động

Thứ Ba, 17:05 26/11/2024

» [VTV3] Thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu khoa học trong trường đại học

Thứ Ba, 08:51 26/11/2024

» [vietnamhoinhap] Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội: Nơi giúp tôi học hỏi, trải nghiệm và trở nên năng động sáng tạo

Thứ Hai, 16:29 25/11/2024

» [doanthanhnien] Thanh niên Tuyên Quang khởi nghiệp thành công với nông nghiệp công nghệ cao

Chủ Nhật, 11:07 24/11/2024

» [vov2] Phải đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ cao

Thứ Bảy, 19:23 28/09/2024

» [tuyenquang] Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trao hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng con bão số 3

Thứ Sáu, 17:42 27/09/2024

» [baotuyenquang] Công đoàn Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trao 600 triệu đồng hỗ trợ xã Chiêu Yên, Phúc Ninh khắc phục bão số 3

Thứ Sáu, 16:38 27/09/2024

» [baoninhbinh] Hoa Lư: Hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên

Thứ Sáu, 13:19 27/09/2024

» [congthuong] Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đoạt giải Nhất hội diễn văn nghệ chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô

Thứ Năm, 17:44 26/09/2024