[daidoanket] Trường đại học chuẩn bị những điều kiện gì để ‘lên’ đại học?
Tính tới tháng 2/2024, nhiều trường đại học đã có lộ trình chuyển đổi lên đại học với các trường thành viên.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2025 đạt đủ các điều kiện để chuyển đổi mô hình lên đại học với đa lĩnh vực, ngành đào tạo theo quy định của Chính phủ.
Để thực hiện lộ trình này, trường dự kiến thành lập 3 trường thành viên từ năm 2024 - 2025 là: Điện - Điện tử, Kinh tế quản lý và Công nghệ thông tin truyền thông.
Cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Trước đó, tháng 12/2021, Hội đồng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường trực thuộc đầu tiên, trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và Khoa Du lịch (thành lập năm 2000).
Tiếp đến tháng 8/2023, Trường Cơ khí - Ô tô được thành lập trên cơ sở sáp nhập và phát triển khoa Cơ khí và khoa Công nghệ ô tô.
Theo TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trong lộ trình chuyển đổi, bài toán của nhà trường là tái cấu trúc các khoa sẵn có, chứ không phải là bài toán tăng quy mô.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã xây dựng và ban hành chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, trong đó xác định rõ lộ trình để hướng tới đại học.
Theo đó, trường sẽ thành lập 3 trường thành viên: Kinh doanh, Kinh tế, Công nghệ. Sinh viên 3 trường thành viên khi tốt nghiệp, chỉ có một cơ sở duy nhất cấp bằng, đó là Đại học Kinh tế Quốc dân.
Về quy mô sinh viên khi chuyển đổi từ trường đại học thành đại học, phương hướng chiến lược của nhà trường là không tăng mạnh quy mô mà tập trung vào đầu tư chiều sâu, để làm sao quy mô sinh viên tương đối ổn định. Tuy nhiên, nhà trường có thể tăng nhẹ quy mô ở nhóm sinh viên các ngành công nghệ.
Trường Đại học Hà Nội đã xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, nhà trường phấn đấu trở thành đại học đa ngành định hướng ứng dụng, nằm trong tốp đầu của Việt Nam, có danh tiếng ở khu vực châu Á.
Về tổ chức bộ máy, đến năm 2030, Trường Đại học Hà Nội hoàn thành chuyển đổi từ trường đại học thành đại học có mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả gồm 3 cấp: đại học, các trường thành viên/viện nghiên cứu/đơn vị đào tạo và quản lý thuộc đại học, và các đơn vị thuộc trường thành viên.
Ngoài các trường nêu trên, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Y Hà Nội cũng đã có lộ trình tiến lên đại học.
Hiện, cả nước có 7 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TPHCM.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc các trường đại học chuyên ngành dần phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực là xu hướng tất yếu. Khi chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, các trường đào tạo chuyên ngành muốn tồn tại thì cần phát triển trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Mặt khác, ở các trường đào tạo chuyên ngành, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng tốt ở lĩnh vực chuyên ngành. Còn ở đại học đa ngành, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn.
Đây là hai lý do mà TS Khuyến cho rằng nên khuyến khích các trường đại học phát triển thành đại học đa ngành.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, các trường đào tạo chuyên ngành muốn phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực cần phải có lộ trình chuẩn bị chu đáo từng bước về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chứ không thể chạy theo xu thế.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, theo TS Lê Viết Khuyến, Bộ GDĐT cần rõ ràng, nghiêm khắc và kiểm soát chặt chẽ việc này, nếu chạy theo xu thế đa ngành sẽ có thể dẫn sản phẩm đầu ra kém chất lượng.
Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết