[khcncongthuong] Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế về các công nghệ mạng đặc biệt
Mới đây, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức hội thảo quốc tế ADHOCNETS nhằm trao đổi, thảo luận về các công nghệ mạng đặc biệt và các ứng dụng của mạng.
Hội thảo quốc tế ADHOCNETS là một hội thảo chuyên môn sâu, uy tín, với chất lượng đã được khẳng định qua 13 lần tổ chức. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật trao đổi, thảo luận về các công nghệ mạng đặc biệt và các ứng dụng của mạng.
Hội thảo cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học trong nước và quốc tế công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất của mình, làm cầu nối để các nhà khoa học trao đổi tri thức, học thuật và tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Từ đó, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tham gia trao đổi, thảo luận về các công nghệ mạng đặc biệt và các ứng dụng của mạng. (Ảnh: HaUI)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh: Kỷ nguyên mới về khoa học và công nghệ với sự ra đời của các mô hình trí tuệ nhân tạo dữ liệu lớn như ChatGPT, Copilot và các hệ thống tương tự, điều này đã chuyển đổi sự tương tác giữa con người với máy tính và Kết nối vạn vật - Internet of Things (IoT) và Mạng lưới vạn vật - Web of Things (WoT) đang cách mạng hóa khái niệm về các thiết bị được kết nối với nhau.
Cùng với đó, việc tích hợp mạnh mẽ các mô hình AI và học máy (Machine learning) vào mạng Ad Hoc là cần thiết, bắt buộc cho quá trình ra quyết định tự động trong MANET, VANET và mạng cảm biến. Điều này kỳ vọng sẽ mang đến các hệ thống mạng thông minh hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Sức mạnh tổng hợp giữa các mô hình AI và mạng Ad Hoc theo đó có thể mở ra những khả năng chưa từng có trong điện toán biên, thành phố thông minh và xử lý dữ liệu thời gian thực.
“Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác, trao đổi học thuật, tìm kiếm những hướng nghiên cứu mới mà đặc biệt là các hướng nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực là xu thế tất yếu đối với các nhà khoa học về kết nối mạng, mạng máy tính và truyền thông. Hội thảo Quốc tế ADHOCNETS 2023 sẽ là diễn đàn chuyên sâu, nơi các chuyên gia hội tụ để trao đổi về những tiến bộ, ý tưởng công nghệ mới, đóng góp những giải pháp trong phát huy tiềm năng, phát triển công nghệ thông minh hơn, kết nối hơn và trực quan hơn.” PGS.TS.Phạm Văn Đông khẳng định.
PGS.TS.Trần Hoàng Nguyên – Đại học Sydney trình bày đề tài “Kỹ thuật PCA phân tán cho hệ thống phát hiện bất thường trong IOT” (Ảnh: HaUI)
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe phần trình bày của những diễn giả có uy tín trong lĩnh vực mạng AD HOC hiện nay như TS.Nguyễn Hữu Nhật Minh - Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn - Đại học Đà Nẵng và PGS.TS.Trần Hoàng Nguyên – Đại học Sydney.
Sau phiên toàn thể, Hội thảo đã chia thành 03 ban chuyên môn: Hệ thống tích hợp thông minh; Truyền thông vô tuyến; Giải pháp mạng. Các báo cáo được trình bày tại ban chuyên môn đều được đánh giá cao, đã đóng góp những thành tựu, những khám phá mới, những ý tưởng đột phá trong lĩnh vực các công nghệ mạng đặc biệt và các ứng dụng của mạng; tạo bước tiến vượt bậc thúc đẩy sự phát triển bền vững và khởi tạo những sản phẩm, dịch vụ mang tầm quốc tế.
Năm 2023, ban tổ chức Hội thảo ADHOCNETS đã nhận về hơn 60 bản thảo của các tác giả đến từ 22 cơ sở giáo dục đại học từ 5 quốc gia: Nam Phi, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, có 15 bài sau khi phản biện được đề nghị chấp nhận đăng và báo cáo tại hội thảo. Tất cả các bài được chấp nhận đăng sẽ được Springer xuất bản và đăng trên Thư viện Kỹ thuật số SpringerLink đồng thời được lập chỉ mục trong các dịch vụ lập chỉ mục hàng đầu, bao gồm EI Compendex, ISI Web of Science, Scopus, CrossRef, Google Scholar, DBLP, cũng như Thư viện kỹ thuật số EU (EUDL) của chính EAI.
Nguồn: khcncongthuong