[tienphong] Có nên bảo quản di tích bằng hóa chất?
TP - Ngày 22/10, tại Bảo tàng Quảng Nam (TP. Tam Kỳ), Viện Bảo tồn Di tích - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích. Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Những mối nguy ở Di tích Mỹ Sơn
Thạc sĩ Lê Văn Cường, Ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, các hiện vật tại di tích đối mặt với nhiều nguy cơ xuống cấp đòi hỏi những giải pháp tối ưu để bảo tồn, chống xâm hại. Hiện tượng nấm, rêu mốc ở tường và mủn hóa ở bề mặt đền tháp đang là mối lo lớn. Các tác động bao gồm: sự thay đổi của thời tiết, biến đổi khí hậu, đặc biệt vị trí của khu di tích Mỹ Sơn ở thung lũng kín nên tác động của khí hậu càng khắc nghiệt hơn.
Khu Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ảnh: Hoài Văn
“Việc bảo quản vật liệu tại di tích Mỹ Sơn giống như một bảo tàng mở, tất cả đền tháp, tường bao và hầu hết hiện vật đang trưng bày ngoài trời trong điều kiện môi trường tại thung lũng Mỹ Sơn là một thách thức lớn. Cùng với đó là thời tiết nắng lắm, mưa nhiều làm cho độ giãn nở của đền tháp, hiện vật tác động mạnh hơn, dễ nứt, sứt và rêu, mốc xâm hại nhiều hơn” - ông Cường nói.
Tại Khu di tích Mỹ Sơn có 40 đền tháp, hệ thống tường bao và 1.803 hiện vật, phần lớn bằng chất liệu sa thạch, gốm, đất nung.
Qua quan sát, tại một số khu tháp đã được tiến hành trùng tu vẫn có hiện tượng mủn hóa bề mặt, một số chỗ có tình trạng muối hóa. Các vấn đề này xuất hiện vào mùa mưa.
“Cần có nghiên cứu tổng thể để có giải pháp bảo quản vật liệu tại Mỹ Sơn tốt hơn trong tình hình mới. Hiện tượng địa y, nấm mốc trên hiện vật, tường tháp, mủn hóa bề mặt vật liệu. Bên cạnh chất bảo quản mới, cần quan tâm đến chất bảo quản tự nhiên, gần với người xưa. Tìm ra vật liệu phù hợp để khôi phục hiện trạng ban đầu, bảo vệ di tích khỏi sự tàn phá của thiên nhiên” - ông Cường đề xuất.
Theo ThS. KTS Trần Quốc Tuấn - Phó Viện Viện Bảo tồn Di tích, bảo quản vật liệu di tích bằng hóa học trong di tích là một trong những phương pháp đang được nghiên cứu, ứng dụng và phát triển tại Việt Nam, bước đầu đã cho thấy những tín hiệu khả quan về hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về bảo tồn tính toàn vẹn và đảm bảo gia tăng tính bền vững cho di tích.
Trong thực tiễn, Viện đã và đang thực hiện hàng loạt các dự án lớn về tu bổ, bảo quản di tích như dự án bảo quản vật liệu gạch Chăm thuộc dự án tu bổ tháp E7, khu di tích đền tháp Mỹ Sơn; Bảo quản vật liệu gạch thuộc dự án tu bổ di tích tháp Chăm Chiên Đàn (Quảng Nam); dự án bảo quản vật liệu gạch, đá tại quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, quần thể di tích Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, di tích đền Thánh Nguyễn - Ninh Bình…Kết quả các dự án được đối tác, hội đồng nghiệm thu đánh giá chất lượng tốt, đạt hiệu quả cao, đem lại giá trị thiết thực và lâu dài.
Thận trọng trong quy trình bảo quản hóa học
Theo TS. Nguyễn Minh Việt, Khoa công nghệ hóa - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho rằng, giải pháp công nghệ hóa học trong bảo quản vật liệu gạch, đá phục vụ công tác bảo tồn di tích có nhưng mặt ưu điểm cũng còn những vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá thêm.
Giải pháp công nghệ hóa học trong bảo quản vật liệu di tích là việc sử dụng các chế phẩm hóa học để ngăn chặn sự xuống cấp do môi trường, vi sinh vật và hoạt động của con người.
Tuy nhiên, nhược điểm là một số hóa chất bảo quản có thể gây ra phản ứng hóa học không mong muốn với vật liệu gốc, dẫn đến sự hư hỏng trong dài hạn. Ví dụ: một số chất bảo quản (H2O2) có thể làm đổi màu hoặc làm mềm chất liệu, gây ra sự suy yếu cấu trúc vật liệu. Bên cạnh đó, với phương pháp này thì chi phí bảo dưỡng cao. Hóa chất bảo quản và công nghệ liên quan đến giá thành bảo quản giá cao, đặc biệt là khi cần sử dụng liên tục để duy trì tác dụng bảo vệ. Ngoài ra, việc phải sử dụng các thiết bị đặc biệt để kiểm soát môi trường (nhiệt độ, độ ẩm) cũng gia tăng chi phí.
Quá trình sử dụng cần tuân thủ các quy định an toàn, bảo hộ lao động người sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của người thực hiện và ô nhiễm môi trường xung quanh di tích. Hơn thế, nếu quy trình bảo quản hóa học áp dụng không được thực hiện đúng cách, hiện vật có thể bị hư hại vĩnh viễn mà không thể khôi phục được di tích. Có ý kiến cho rằng sử dụng hóa chất bảo quản có thể làm mất đi giá trị nguyên bản của di sản văn hóa.
Theo Viện Bảo tồn di tích, kết quả của hội thảo sẽ đóng góp những cơ sở lý luận khoa học và ứng dụng thực tiễn nhằm tăng cường nhận thức, nâng cao hiệu quả, kết nối hợp tác, phát huy khả năng ứng dụng công nghệ hóa học để bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn của vật liệu di tích trong công tác bảo quản hiện nay và tương lai.
Nguồn: Báo điện tử Tiền Phong