[toquoc] Nguồn nhân lực du lịch phải gia tăng cả về số lượng, chất lượng

(Tổ Quốc) - Hội thảo quốc gia "Vai trò của các bên liên quan trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch" vừa được Bộ VHTTDL tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm đề ra các kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch.

[toquoc] Nguồn nhân lực du lịch phải gia tăng cả về số lượng, chất lượng

Hình minh họa

Đòi hỏi nguồn nhân lực gia tăng cả về số lượng và chất lượng

Theo TS. Ngô Xuân Hào, Trường Đại học Văn Hiến, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia. Đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 đến nay, Du lịch Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực.

Hiện nay, du lịch Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu du lịch đang hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống (văn hóa bản địa), giá trị tự nhiên (nguyên sinh), giá trị sáng tạo trên nền tảng công nghệ cao (hiện đại, thích ứng); sự cạnh tranh trong khu vực và quốc tế ngày càng gay gắt...Vì vậy, ngành du lịch phải nắm bắt thời cơ, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cùng cách tiếp cận, cách làm phù hợp qui luật phát triển mới.

TS. Ngô Xuân Hào cho rằng, trong xu hướng phát triển mới du lịch Việt Nam đang từng bước chuyển dịch sang phát triển về chất trên nền tảng đầu tư khai thác các giá trị con người, yếu tố có vai trò quyết định trong mọi nhiệm vụ của quá trình phát triển.

Chính vì vậy, hệ thống đào tạo nhân lực du lịch cần có kế hoạch chiến lược đầu tư phát triển toàn diện cơ sở đào tạo (chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo; phát triển đội ngũ chất lượng, trình độ cao, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo...); các hình thức và không gian liên kết đào tạo.

Đặc biệt là việc xác định rõ trách nhiệm, nâng cao vai trò của các bên liên quan như các cấp quản lý ngành, quản lý hành chính (chính quyền) từ Trung Ương tới địa phương; đơn vị sử dụng nhân lực du lịch (doanh nghiệp du lịch); các ngành kinh tế; cộng đồng dân cư cùng các tổ chức hiệp hội du lịch... thì mới thực hiện được chiến lược này, tạo được nguồn nhân lực mới đáp ứng nhu cầu của xã hội thời kỳ hội nhập.

Phát triển nguồn nhân lực trong cơ sở lưu trú du lịch nên có trọng tâm cho từng nhóm đối tượng

ThS. Nguyễn Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý lưu trú du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, từ tháng 3/2022 đến nay, ngành Du lịch Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng, nguồn nhân lực phục vụ đòi hỏi gia tăng cả về số lượng và chất lượng để có thể đứng vững trong cạnh tranh, hội nhập và phát triển, đặt ra yêu cầu phát triển nhân lực tay nghề cao trong du lịch để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới.

Cùng với sự lớn mạnh của ngành Du lịch tại Việt Nam, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, đa dạng về loại hình, góp phần tạo nên sức hấp dẫn chung cho sản phẩm du lịch, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách với các mức chi tiêu khác nhau, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giai đoạn tới từ năm 2024 đến năm 2030, việc phát triển nguồn nhân lực trong cơ sở lưu trú du lịch nên có trọng tâm cho từng nhóm đối tượng để đạt mục đích hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách lưu trú nội địa và quốc tế ở các cấp độ khác nhau.

PGS. TS. Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, du lịch là một trong 2 lĩnh vực đặc thù, có sự khác biệt so với các lĩnh vực khác, nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại các cơ sở đào tạo như trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề vẫn còn một số hạn chế.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút người học, các cơ sở đào tạo du lịch cần có thêm các cơ chế, chính sách thuận lợi, cởi mở hơn; tổ chức thực hiện quy chuẩn chung trong Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học, giai đoạn 2020 - 2025; đồng thời bám sát chính sách về tổ chức và đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên; liên kết, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch, đặc biệt trong khâu thực hành nghiệp vụ…

Theo ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc gắn kết doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo là một trong những vấn đề đang rất được quan tâm. Làm sao để phối hợp hài hòa, nhịp nhàng, linh động giữa nhà trường và doanh nghiệp để đảm bảo cung cấp đủ kiến thức nền, kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ, kỹ năng thực hành trong thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đảm bảo chương trình đào tạo của mỗi trường linh hoạt theo từng vùng, miền.

Yêu cầu đối với nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ngày càng cao

TS. Trần Thị Tùng Lâm - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, thời gian qua, công tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực du lịch mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi thực tiễn còn tồn tại nhiều bất cập cần giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo đó, yêu cầu đối với nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cũng ngày càng cao, đặc biệt yêu cầu về chất lượng, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ quản lý, ngoại ngữ và cơ cấu hợp lý. Các nước có ngành Du lịch phát triển đều quan tâm vấn đề này và đầu tư cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Trước thực tế này, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch nhất là các trường đại học đào tạo du lịch có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (công nghiệp du lịch), phát triển bền vững và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Du lịch Việt Nam, TS. Trần Thị Tùng Lâm cho rằng, cần phải chuẩn hóa đầu ra nguồn nhân lực du lịch Việt Nam Nam (xây dựng chương trình, nội dung đào tạo theo tiêu chuẩn VTOS- bộ tiêu chuẩn kỹ năng cần thiết về nghề Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn); Ứng dụng khoa học công nghệ vào đào tạo du lịch; Tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm, gắn với thực tiễn cho sinh viên ngành du lịch.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên du lịch; Đổi mới chương trình đào tạo ngành Du lịch và phương pháp dạy, học; Tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; Sử dụng hợp lý đào tạo trực tuyến kết hợp đào tạo truyền thống.

"Việc phát triển nhân lực ngành Du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững, đóng góp tích cực và hiệu quả hơn vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức của đất nước là một việc làm cần thiết, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn" - TS. Trần Thị Tùng Lâm cho hay./.

Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc