[vovgiaothong] Bài toán nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ còn vướng mắc ở đâu?
Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, bài toán nguồn nhân lực càng trở nên cấp thiết hơn để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực sản xuất, tự tin cạnh tranh nhờ việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuỗi giá trị.
Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách cũng như sự chủ động nắm bắt cơ hội của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang có những bước phát triển rõ nét. Tuy nhiên, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp.
Tọa đàm “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ”
Chia sẻ tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ” ngày 12/10, ông Cao Văn Bình, quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhận định, việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao khiến nhiều doanh nghiệp tốn không ít nguồn lực, chi phí. Sau khi tuyển dụng xong gần như phải đào tạo lại để phù hợp với trình độ chuyên môn và mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng việc phát triển nguồn nhân lực là vấn đề rất cần suy nghĩ đến, để làm sao phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn mới, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng", ông Bình chia sẻ.
Ông Bình cho rằng, các trường, cơ sở đào tạo nên đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút hoặc tận dụng chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm để đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật của Việt Nam. Việc tận dụng hiệu quả nguồn lực chuyên gia, giảng viên chất lượng, giàu kinh nghiệm và kiến thức từ các nước bạn đi trước trong ngành công nghiệp hỗ trợ, sẽ mang lại những hiệu quả cao trong việc phát triển nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao ý thức trong phát triển nguồn nhân lực, có định hướng trong thu hút nhân tài và phát triển nhân lực chất lượng cao. Khi có nhân lực rồi cần tiếp tục đào tạo nội bộ thường xuyên, tạo điều kiện cho cán bộ, người lao động tiếp tục được học và đào tạo, để tăng cường trình độ khoa học kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu mới mà thị trường và chuỗi cung ứng đặt ra.
Ngành công nghiệp hỗ trợ đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao - Ảnh Công thương
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quý Thành, Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang đề xuất, các trường đại học nên kết hợp với một số tổ chức đánh giá, chứng nhận quốc tế. Từ đó, hoạch định yêu cầu đầu ra các chứng chỉ nghề nghiệp cần có cho mỗi ngành học cụ thể, rồi đưa những chứng chỉ vào ngay trong chương trình đào tạo. Điều này sẽ giúp sinh viên nâng cao được năng lực cạnh tranh lên rất nhiều và doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.
Ông Thành cho biết, TOMECO luôn sẵn sàng phối hợp với trường đại học trong việc gửi sinh viên đến thực tập, đào tạo thực tiễn: "Tôi được biết hiện nay các trường đại học như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội có được những cơ sở vật chất về thực hành rất tốt, với những máy móc công nghệ hiện đại. Tuy nhiên điều hơn ở doanh nghiệp, đó là những yêu cầu của từng đơn hàng thực tế. Các bạn sinh viên sẽ được giải quyết những khó khăn trong quá trình đàm phán, quá trình sản xuất đơn hàng, tôi nghĩ nó sẽ đem lại những kinh nghiệm rất quý báu cho các bạn sinh viên trong quá trình học tập tại nhà trường".
TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội
Còn theo TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội, để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ, cần đẩy mạnh công tác dự báo, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề.
Bên cạnh đó, cần thêm chính sách thúc đẩy, khuyến khích hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Sẵn sàng bổ sung các module cần thiết trong chương trình đào tạo để sinh viên đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp.
TS. Kiều Xuân Thực cho biết, từ năm 2020, Đại học Công nghiệp Hà Nội, đã triển khai 5 chương trình đào tạo lĩnh vực công nghệ kỹ thuật theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng ABET của Hoa Kỳ. 5 chương trình này có 5 ban cố vấn doanh nghiệp, mỗi ban cố vấn doanh nghiệp huy động đại diện của 15-17 doanh nghiệp và đây là những thành phần cơ hữu của chương trình, như giảng viên của nhà trường.
Ít nhất mỗi năm 2 lần, các chuyên gia của ban cố vấn doanh nghiệp sẽ ngồi cùng với nhà trường để rà soát lại mục tiêu đào tạo chuẩn đầu ra, các chủ đề, các cập nhật công nghệ kỹ thuật mới trong các chương trình đào tạo để đảm bảo không còn khoảng cách nữa.
"Với các nhóm giải pháp như vậy, cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động từ cả hai phía doanh nghiệp và nhà trường, chúng tôi cho rằng bài toán nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và việc xóa khoảng cách, xóa độ vênh giữa đào tạo với sử dụng chắc chắn sẽ được giải quyết triệt để", TS. Kiều Xuân Thực nhận định.
Nguồn: Kênh VOV Giao thông