Đại học Công nghiệp Hà Nội: Thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển trong thời kỳ hội nhập
I.Thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trên thế giới và Việt Nam
Trên bình diện quốc tế, phụ nữ và trẻ em gái cũng đang được hưởng lợi từ cách tiếp cận mới, toàn diện, sâu sắc hơn trong vấn đề bình đẳng giới hiện nay, đó là đặt bình đẳng giới trong tổng thể và gắn kết với tất cả các nội hàm của hoà bình bền vững và phát triển bền vững. Theo Thứ trưởng Nga, Chương trình nghị sự 2030 và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tăng quyền cho phụ nữ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đối với phụ nữ, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0. Nhận thức về địa vị phụ nữ trong xã hội, gia đình, cơ quan và nhà trường còn chuyển biến chậm. Định kiến xã hội, đề cao vai trò của nam giới và chính tâm lý e ngại, tự ti của phụ nữ vẫn khiến họ chịu nhiều thiệt thòi. Chưa kể đến phần lớn đội ngũ lao động nữ hiện nay phần lớn là lao động đơn giản, trình độ tay nghề thấp, lương thấp, việc làm không ổn định, bên cạnh những vấn nạn bạo lực giới, hạn chế cơ hội bình đẳng cho phụ nữ tham gia lãnh đạo…
Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Khi nền kinh tế của chúng ta càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình. Nó có thể giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tạo cho họ nhiều thời gian nhàn rỗi hơn để tham gia vào các hoạt động khác. Đồng thời nó còn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trên thị trường lao động,… Chính nhờ Đảng có sự lựa chọn đường lối đúng đắn cho sự phát triển của đất nước mà vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là những bước khởi đầu thuận lợi. Hiện thời chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục trong vấn đề bình đẳng giới, nhất là về mặt tư tưởng, quan điểm của con người trong xã hội, kể cả nam giới và nữ giới. Không chỉ có nam giới chưa nhận thức hoặc có thái độ không chấp nhận vai trò, vị trí của phụ nữ mà ngay chính bản thân nhiều phụ nữ cũng hiểu biết mơ hồ từ đó có những thái độ lệch lạc và không thể có cách giải quyết đúng đắn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống có liên quan đến vai trò, vị trí về giới của mình. Bà Rose Marie Greve, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong buổi tọa đàm “Vai trò của Phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XXI” nói trên, đã từng nhận định: “Đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng phía trước chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Bất bình đẳng giới vẫn còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo và là một trong những cản trở cho sự phát triển bền vững. Người phụ nữ cần phải được bộc lộ hết khả năng của mình cũng như thực thi và hưởng các quyền của mình. Thiếu bình đẳng về giới gây cản trở cho phát triển và ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các thành viên trong gia đình và xã hội.” Kết quả thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập; đồng thời được công nhận là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong hơn 20 năm qua ở khu vực Đông Nam Á…Tuy nhiên, bình đẳng giới và tạo cơ hội cho sự phát triển của phụ nữ không phải là công việc dễ làm và không phải ai cũng nhận thức đúng tầm quan trọng của nó. Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Ðông Nam Á, vốn chịu ảnh hưởng từ lâu đời của những tư tưởng phong kiến lạc hậu trọng nam, coi thường nữ, ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Thậm chí, nhiều người còn cho là một nét của “phong tục, tập quán” của văn hóa Việt không thể thay đổi. Theo đánh giá, nhìn chung tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện các nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử, phòng chống bạo lực với phụ nữ như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống mua bán người, Bộ luật Lao động sửa đổi; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống các cơ quan, tổ chức tham mưu và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam bao gồm Bộ Lao động thương binh và xã hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hệ thống này được thiết lập ở tất cả các cấp trong toàn quốc.
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng xu thế cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ, là nền tảng để Việt Nam thúc đẩy những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ.
II. Thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ ĐHCNHN
Thực hiện Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu trong chiến lược, kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được đặt trong kế hoạch, định hướng phát triển của nhà trường, tạo mọi điều kiện để nâng cao vị thế và phát huy vai trò của phụ nữ trên mọi lĩnh vực.
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ nhà trường được thành lập và hoạt động hiệu quả dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Giám hiệu và các tổ chức đoàn thể trong trường. Nữ công chức, viên chức nhà trường đã dần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nhà trường. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Giám hiệu, Công đoàn trường, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, trao đổi các chủ đề về phụ nữ nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ và ngày Phụ nữ Việt Nam với nội dung về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ; tổ chức cuộc thi “tìm hiểu chính sách pháp luật về bình đẳng giới và mái ấm gia đình” thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chức, viên chức, sinh viên nhà trường. Các buổi hội thảo, các cuộc thi đã có tác động rất lớn trong nhận thức cũng như suy nghĩ của công chức, viên chức, sinh viên về vai trò của phụ nữ trong xã hội nói chung và trong nhà trường nói riêng.
Nhận thức được công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề, động lực để phụ nữ phát triển. Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu đã thường xuyên chỉ đạo Ban nữ công, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, phối hợp với công đoàn trường, đoàn thanh niên, hội sinh viên nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Nhà trường luôn khuyến khích nữ viên chức tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tham gia phong trào thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà, xây dựng gia đình văn hóa. Hiện tại nhà trường đang cử 81nữ viên chức đi học tập trong nước và nước ngoài. Nhiều chị em tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nhiều công trình nghiên cứu, nhiều sáng kiến cải tiến được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả cao trong quản lý và đào tạo của Trường. Mỗi năm nhà trường chi trên 1 tỉ đồng cho nữ viên chức đi học tập nâng cao trình độ và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Nhà trường thực hiện xây dựng và quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ và kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý nữ.
Tính đến nay, tổng số nữ công chức, viên chức của trường là 742 người/ 1.562 công chức, viên chức, chiếm 47,5%; trong đó nhiều chị em có trình độ học vấn cao, nhiều chị em giữ chức vụ quản lý trong nhà trường, cụ thể như sau:
Tổng số nữ CB,VC | Trình độ | ` Nữ cán bộ quản lý: 33 đồng chí. Trong đó: | ||||
742 | Phó GS | Tiến sĩ | Thạc sĩ | Phó Hiệu trưởng | Trưởng, Phó đơn vị | Trưởng bộ môn |
5 | 65 | 421 | 1 | 13 | 19 |
Công tác phát triển đảng viên nữ tại trường cũng luôn được đảng ủy và các chi bộ quan tâm: mỗi năm đảng ủy nhà trường phối hợp với đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội mở 01 lớp Bồi dưỡng chính trị cho đối tượng kết nạp đảng và 01 lớp Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, trong đó tỷ lệ nữ cán bộ, viên chức và nữ sinh tham dự lớp học chiếm 43%. Năm 2017: tổng số được kết nạp: 60 đảng viên, trong đó nữ là 29 người (48.3%), nữ sinh viên là 11 người (37.9%). Năm 2018: tổng số được kết nạp: 53 đảng viên, trong đó nữ là 30 người (56.6%), nữ sinh viên là 9 người (30%).
Tham gia BCH Đảng ủy: 02 chị
Tham gia BCH Công đoàn từ cấp cơ sở đến cấp trường: 52 chị
Tham gia BCH Đoàn trường: 9 chị
Bên cạnh đó, nhà trường còn quan tâm đặc biệt đến các chế độ, chính sách đối với nữ:
+ Hàng năm nhà trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ, mời đội ngũ y, bác sỹ chuyên ngành có chuyên môn tốt của các bệnh viện lớn, uy tín thực hiện tư vấn, khám sức khỏe cho nữ cán bộ, viên chức và nữ sinh trước khi tốt nghiệp ra trường.
+ Mọi chế độ đối với nữ công chức, viên chức được nhà trường quan tâm, thực hiện đúng quy định như: chế độ thai sản, chế độ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, thăm hỏi, trợ cấp ốm đau, tặng quà nhân dịp sinh nhật, 20/10, 8/3,… Mỗi năm nhà trường chi gần 200triệu cho khen thưởng nữ viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ có nhiều biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nói riêng, bao gồm:
Thứ nhất, thể hiện bình đẳng giới trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của các Bộ, ngành, địa phương và của các cơ sở giáo dục đào tạo. Đảm bảo cơ hội tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng cho phụ nữ và nam giới vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, rút ngắn khoảng cách giới” là mục tiêu chung của công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của các cơ quan, tổ chức trong giai đoạn tới. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu này là: Thực hiện lồng ghép giới trong các chính sách, pháp luật, chương trình, chiến lược; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; phát triển các hệ thống dịch vụ nhằm hỗ trợ phụ nữ và nam giới được tham gia thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực; đầu tư nguồn nhân lực, đầu tư ngân sách và sử dụng ngân sách có hiệu quả cho hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Thứ hai, bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe: Đổi mới và phát triển mạng lưới tư vấn sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản; hướng dẫn phụ nữ biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình; phòng trừ bệnh dịch.
Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa việc lồng ghép về luật bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Thứ tư, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ các cấp.
Thứ năm, vận động chị em tự lực tự cường phấn đấu để vươn lên, rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân đạo để khẳng định mình.
Khi ở vào thời kỳ mới, để khẳng định và phát huy vai trò của mình, phụ nữ Việt Nam có nhiều mặt thuận lợi do sự phát triển kinh tế mang lại, nhưng đồng thời với nó là những thử thách họ cần phải vượt qua. Có thể nói rằng bình đẳng giới trong giáo dục có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, có một nhà giáo dục đã viết: Giáo dục một người đàn ông, ta được một gia đình, giáo dục một người phụ nữ ta được cả một thế hệ. Lợi ích trăm năm trồng người chính là xuất phát từ việc bình đẳng giới trong giáo dục. Bình đẳng giới không phải mục tiêu có thể thúc đẩy nhanh chóng mà cần có chiến lược cụ thể lâu dài, nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập. Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng chung mục tiêu đó, Ban vì sự tiến bộ Phụ nữ ĐHCNHN tiếp tục thực hiện các Chiến lược mục tiêu quốc gia và Chương trình hành động của Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục & Đào tạo vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ./.
Trung tâm Truyền thông & Quan hệ công chúng