Hội thảo đánh giá hiệu quả mức độ đạt chuẩn đầu ra sinh viên
Trong hai ngày 11 và 13/01/2022, Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Đại học Arizona State và Dự án BUILD-IT tổ chức Hội thảo trực tuyến “Đánh giá hiệu quả mức độ đạt chuẩn đầu ra sinh viên” với sự tham gia của 50 cán bộ, giảng viên của Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Mục tiêu của Hội thảo là kết hợp giữa trao đổi và tập huấn, trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT), đánh giá hiệu quả mức độ đạt chuẩn đầu ra sinh viên, tiến tới kiểm định các CTĐT của Nhà trường theo tiêu chuẩn ABET, Hoa Kỳ.
Nội dung chính của Hội thảo xoay quanh các chủ đề: Rà soát yêu cầu hệ thống cải tiến liên tục và đánh giá AUN-QA ở cấp độ chương trình; các chỉ số hiệu năng (chỉ số kết quả đầu ra); chuẩn đầu ra môn học; chỉ số đánh giá và công cụ đo lường; xây dựng bảng kế hoạch đánh giá; đánh giá và thu thập dữ liệu…
Hội thảo đánh giá hiệu quả mức độ đạt chuẩn đầu ra sinh viên
Tại hội thảo, cán bộ và giảng viên tham gia đã được trang bị thêm kiến thức, nắm bắt sâu hơn về phương pháp “Đánh giá hiệu quả mức độ đạt chuẩn đầu ra sinh viên” trên cơ sở tham khảo ví dụ các chuẩn đầu ra xây dựng theo ABET dành cho khối Kỹ thuật. PGS.TS. Scott Danielson - Chuyên gia đến từ Đại học Bang Arizona hướng dẫn cách xây dựng các Chỉ số hiệu năng (Performance Indicator) cho các chuẩn đầu ra và phương pháp đánh giá mức độ đạt được các chuẩn đầu ra đó.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 50 cán bộ, giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội
Theo PGS.TS. Scott Danielson, mức độ chuẩn đầu ra của sinh viên gồm:
Chuẩn đầu ra 1: Sinh viên có khả năng áp dụng kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng và các công cụ hiện đại của toán học, khoa học, kỹ thuật và công nghệ để giải quyết các vấn đề kỹ thuật được xác định rộng rãi phù hợp với ngành học.
Chuẩn đầu ra 2: Sinh viên có khả năng thiết kế hệ thống, thành phần hoặc quy trình đáp ứng nhu cầu cụ thể cho các vấn đề kỹ thuật được xác định rộng rãi phù hợp với ngành học.
Chuẩn đầu ra 3: Sinh viên có khả năng áp dụng giao tiếp bằng văn bản, bằng miệng và đồ họa trong các môi trường kỹ thuật và phi kỹ thuật được xác định rộng rãi; và khả năng xác định và sử dụng tài liệu kỹ thuật thích hợp.
Chuẩn đầu ra 4: Sinh viên có khả năng thực hiện các bài kiểm tra, đo lường và thí nghiệm tiêu chuẩn; phân tích và giải thích kết quả để cải thiện quy trình.
Chuẩn đầu ra 5: Sinh viên có khả năng hoạt động hiệu quả với tư cách là thành viên/nhóm trưởng trong các nhóm kỹ thuật.
Chuẩn đầu ra 3: Sinh viên có khả năng áp dụng giao tiếp bằng văn bản, bằng miệng và đồ họa
Sau khi tham gia Hội thảo, cán bộ, giảng viên Nhà trường có thể triển khai thực hiện các hoạt động:
- Xây dựng các chỉ số hiệu năng liên kết giữa chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra môn học.
- Xây dựng bảng kế hoạch đánh giá cho chuẩn đầu ra sinh viên của mỗi chương trình đào tạo cụ thể.
- Đánh giá dữ liệu thu thập nhằm đưa ra quyết định cải tiến chương trình đào tạo.
Thông tin Dự án BUILD-IT
Dự án Thúc đẩy hợp tác Trường đại học-Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (Dự án BUILD-IT) được Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ USAID phối hợp với Đại học Arizona State khởi động một liên minh với nhiều đối tác doanh nghiệp và trường Đại học. Đại học Công nghiệp Hà Nội bắt đầu tham gia vào Dự án từ năm 2019.
Dự án BUILD-IT phát huy thế mạnh hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học ở Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm kết nối việc giảng dạy khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) ở các trường đại học của Việt Nam với nhu cầu và năng lực của các doanh nghiệp đối tác.
Mục tiêu của dự án nhằm có được những sinh viên tốt nghiệp có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, dựa vào công nghệ trên cơ sở tiên phong thúc đẩy chính sách giáo dục đại học; xúc tiến quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và khu vực tư nhân; xây dựng các quan hệ đối tác về chương trình đào tạo, dẫn dắt và các cơ hội thực hành do doanh nghiệp tài trợ để nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ thuật của sinh viên trong lĩnh vực STEM và cải thiện các chương trình, kết quả đào tạo nói chung.