Ưu đãi tín dụng cho sinh viên khối ngành STEM: Chiến lược nhân lực dài hạn
Theo lãnh đạo các trường đại học, chính sách cho sinh viên khối ngành STEM vay ưu đãi học phí, sinh hoạt phí là chiến lược dài hạn nâng chất lượng nhân lực của lĩnh vực then chốt quốc gia.
Mức vốn vay tối đa cho sinh viên các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật (STEM) và toán tối đa 5 triệu đồng/tháng. Đây là dự thảo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến nhắm hướng tới mục tiêu hỗ trợ người học trang trải toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt, để các em yên tâm học tập, cống hiến và đóng góp vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. | Nguồn: VNA - Thông tấn xã Việt Nam
(Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)
Giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút được nguồn tuyển chất lượng, từ đó tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho những lĩnh vực then chốt là nhận định của các trường đại học về dự thảo chính sách ưu đãi tín dụng cho sinh viên khối ngành STEM vừa được Bộ Tài chính công bố.
Bớt áp lực, tăng chất lượng
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM), sinh viên khối ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) sẽ được vay tín dụng toàn bộ học phí và mức tối đa 5 triệu/tháng cho sinh hoạt phí. Lãi suất ưu đãi bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và không cần bảo đảm tiền vay nếu dưới mức 500 triệu đồng.
Người vay có tối đa 12 tháng sau khi tốt nghiệp để bắt đầu trả nợ và thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn giải ngân. Kỳ hạn trả nợ có thể được gia hạn nợ nếu người vay gặp khó khăn khách quan.
Chính sách áp dụng cho tất cả học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang theo học các ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc và xây dựng, sản xuất và chế biến, toán và thống kê tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo Bộ Tài chính, đây không chỉ là một chính sách đột phá mà còn là một cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực STEM, những người đóng vai trò then chốt trong quá trình đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước. Chính sách được kỳ vọng sẽ giúp học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh giảm bớt gánh nặng tài chính, yên tâm học tập và cống hiến hết mình cho sự phát triển của khoa học công nghệ nước nhà.
Là con nhà nông, khoản tiền 20 triệu đồng học phí 1 năm cộng với 4 triệu đồng tiền sinh hoạt mỗi tháng là áp lực không nhỏ với Ngô Văn Tiến, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Để bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, ngoài việc học, Tiến tranh thủ thời gian chạy xe hay phục vụ quán nước.
“Nếu được vay 5 triệu đồng/tháng thì sẽ là niềm vui lớn với em và gia đình. Em có thể giảm làm thêm để dành thời gian tập trung cho việc học, tham gia nghiên cứu, tìm thêm tài liệu,” Tiến nói.
Việc ưu đãi tín dụng sẽ giúp sinh viên khối ngành STEM tập trung hơn cho việc học. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đây cũng là chia sẻ của sinh viên Nguyễn Ngọc Dương, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. “Được vay vốn sẽ giúp tâm lý sinh viên thoải mái hơn do bớt phải đau đầu vì vấn đề kinh tế,” Dương cho hay.
Chính sách chiến lược dài hạn
Theo lãnh đạo các trường đại học, đây là chính sách mang ý nghĩa chiến lược dài hạn. Việc đầu tư vào nâng cao chất lượng đào tạo và khoa học công nghệ sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các lĩnh vực như AI, robotics, dữ liệu lớn, kỹ thuật số... đều đòi hỏi lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng STEM.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên Việt Nam theo học các ngành STEM hiện đang ở mức khiêm tốn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Hiện tỷ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM ở Việt Nam dao động từ 27% đến 30%, thấp hơn so với một số quốc gia như Singapore (46%), Malaysia (50%), Hàn Quốc (35%), Phần Lan (36%) và Đức (39%).
Không chỉ khiêm tốn về số lượng, chất lượng nguồn tuyển cho các ngành kỹ thuật, công nghệ, vốn cần những học sinh giỏi khoa học tự nhiên cũng đang bị suy giảm, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và chất lượng nhân lực trong tương lai. Năm 2025, tỷ lệ thí sinh chọn nhóm môn khoa học tự nhiên để thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông ở mức dưới 30%.
Vì vậy, chính sách ưu đãi tín dụng này phù hợp với xu hướng phát triển quốc gia, là bước chuẩn bị cho mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chính sách này giúp điều tiết lại xu hướng chọn ngành, tạo động lực dịch chuyển nguồn nhân lực sang khối STEM – là động lực then chốt của nền kinh tế số và công nghiệp 4.0. Nhiều học sinh, sinh viên giỏi nhưng có khó khăn về tài chính có cơ hội học tập đúng ngành yêu thích, nhất là các ngành kỹ thuật, công nghệ thường có thời gian học tập kéo dài, với chi phí học tập cao.
Cùng chia sẻ này, Giáo sư, Tiến sỹ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định đây là chính sách đầu tư kịp thời và chắc chắn sẽ tác động đến tâm tư, tạo sự quan tâm của học sinh và phụ huynh. Ông Trình cho rằng mức vay tối đa thậm chí có thể tăng lên 10-15 triệu đồng.
“Tôi cho rằng đây là chính sách quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong đầu tư cho sự phát triển nhân lực trong tương lai,” Giáo sư Chử Đức Trình chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cũng cho rằng bên cạnh chính sách đầu tư từ Nhà nước cũng cần sự đồng hành của doanh nghiệp vì bản chất các trường đào tạo sinh viên là tạo nguồn nhân lực đầu vào cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cần chi trả, đầu tư cho chính tương lai của mình.
“Nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải tạo hệ sinh thái việc làm có thu nhập ổn đinh, cao sau khi sinh viên tốt nghiệp. Đó mới là điều căn cơ. Vì vậy trong thời gian tới rất mong Đảng, Chính phủ sẽ có chính sách toàn diện, xây dựng ra hệ sinh thái liên quan đến việc này,” Giáo sư Chử Đức Trình nói./.