Đổi mới đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội
Đại học Công nghiệp Hà Nội đang đào tạo 3 ngành tiến sĩ, 11 ngành thạc sĩ với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ trí thức tinh hoa, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo Sau đại học đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
Ban truyền thông của trường có cuộc phỏng vấn với TS. Dư Đình Viên - Giám đốc trung tâm Đào tạo Sau đại học về đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại trường.
PV: Tiến sĩ cho biết các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tại Đại học Công nghiệp Hà Nội?
TS. Dư Đình Viên: Một câu hỏi đặt ra cho trung tâm Đào tạo Sau đại học và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là: Các học viên sẽ thu nhận được những gì khi trải qua gần 02 năm học tập và nghiên cứu tại Trường? Với phương châm lấy “người học làm trung tâm” làm kim chỉ nam trong tất cả các hoạt động đào tạo của nhà trường thì việc nâng cao chất lượng đào tạo là một nhiệm vụ cốt lõi, cần được quan tâm và triển khai. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tại Đại học Công nghiệp Hà Nội:
1. Đổi mới phương pháp giảng dạy: Trong quá trình giảng dạy, giảng viên chú trọng dạy cách học, chứ không theo phương pháp truyền thống. Phương pháp giảng dạy tích cực, gợi mở, khuyến khích học viên phát huy chủ động nỗ lực tham gia thảo luận, trao đổi, hỏi đáp,... Một trong những mục tiêu quan trọng trong đào tạo là nâng cao tính sáng tạo, chủ động trong học tập, nâng cao kỹ năng tự học đảm bảo quá trình học tập suốt đời cho các học viên.
Đây là một yêu cầu không thể thiếu được của người học trong thời đại chuyển đổi số trên cơ sở khai thác tối đa các lợi thế mà công nghệ mang lại thực hiện Nghị quyết số 29, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Về việc giao đề tài và triển khai làm luận văn: Là một Trường định hướng ứng dụng, nên gắn kết đề tài luận văn với thực tế là một giải pháp mà Nhà trường đã và đang tiến hành: đó là, khuyến khích các học viên phát hiện và đề xuất các vấn đề cần giải quyết ở cơ sở mình đang công tác để phát triển thành đề tài luận văn; Triển khai mô hình gắn kết 03 “Nhà“ gồm Nhà nghiên cứu - Nhà trường (người thầy) và Nhà sản xuất, Kinh doanh nhằm phát huy những thế mạnh của người thầy về tính hàn lâm và tính thực tiễn của học viên, để tạo ra một sản phẩm có chất lượng.
Đề tài luận văn có thể do học viên đề xuất (rất hoan nghênh theo hướng này vì đây là nhu cầu của học viên); hoặc do các giảng viên đề xuất (đi theo hướng đề tài nghiên cứu hoặc các dự án mà các giảng viên đang chủ trì hoặc tham gia); và cuối cùng là trong trường hợp học viên chưa có ý tưởng về đề tài, dưới sự tư vấn của các giảng viên, học viên cùng giảng viên trao đổi, lựa chọn đề tài phù hợp với nhu cầu của học viên.
Đề tài luận văn được giao sớm cho các học viên, có thể trong đợt học tập trung đầu tiên của khóa học, tạo điều kiện học viên chọn đúng người hướng dẫn, đúng lĩnh vực cần quan tâm nghiên cứu, có thời gian dài làm việc với người hướng dẫn để nâng cao chất lượng luận văn.
Các kết quả của luận văn đạt chất lượng có thể được công bố trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ của Trường có một số ngành được Hội đồng giáo sư Nhà nước tính điểm tạo điều kiện cho các học viên tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.
3. Về xây dựng chương trình: Chương trình đào tạo cung cấp các kiến thức nâng cao và cập nhật, tập trung vào các vấn đề thực tiễn, để học viên hiểu được vấn đề và vận dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất.
4. Tạo mạng lưới liên kết giữa các học viên: Về học tập tại Trường, không chỉ có kiến thức mà còn là một cơ hội, các học viên được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan. Thông qua đó, học viên thu nhận được các thông tin là hữu ích về nghề nghiệp cũng như các mặt khác trong cuộc sống. Mối quan hệ này được duy trì không chỉ khi học viên học tập ở Trường, mà nó còn có ý nghĩa rất lớn khi các học viên đã tốt nghiệp ra trường.
PV: TS có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm của trung tâm Đào tạo Sau đại học trong thời gian tới như thế nào để đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra?
TS. Dư Đình Viên: Trong thời gian tới, để đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra đòi hỏi nhà trường cũng như trung tâm Đào tạo Sau đại học cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương pháp đào tạo hệ sau đại học trên các phương diện sau đây:
Một là, về quản lý: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo sau đại học, triệt để áp dụng hệ thống quản lý đại học điện tử của Nhà trường - đây là một sản phẩm của Nhà trường đã được nhiều giải thưởng, và đã được khẳng định cho hệ đào tạo trình độ đại học nhằm tối giản các thủ tục, giảm thời gian và tạo điều kiện dễ dàng cho người học.
Hai là, về tuyển sinh: Trong bối cảnh cạnh tranh lớn giữa các trường đại học, nhu cầu người học giảm, Trung tâm cần xây dựng đề án tuyển sinh mới nhằm thu hút nhiều hơn nữa các thí sinh dự thi trong và ngoài Trường, đặc biệt có những chính sách khuyến khích các sinh viên đã và đang học tại Trường; tiến tới cấp học bổng cho các thí sinh tùy thuộc và năng lực và kết quả học tập.
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo: Thông qua nâng cao chất lượng người thầy, người quản lý và chất lượng các luận văn.
Bốn là, duy trì phương pháp dạy và học theo phương pháp đào tạo kết hợp và tích cực.
Năm là, tìm kiếm các cơ hội: Hợp tác đào tạo với các trường đại học trong và ngoài nước với hình thức công nhận các học phần hay các khóa học liên trường nhằm phát huy các thế mạnh mà mỗi trường đã có.
Cuối cùng là triển khai các chương trình đào tạo có địa chỉ - kết hợp với các tập đoàn, các tổng công ty,... nhằm thực thi mô hình gắn kết 03 “Nhà“ gồm Nhà nghiên cứu - Nhà trường và Nhà sản xuất, Kinh doanh như đã nói ở trên để đáp ứng những yêu cầu đặc thù của các đơn vị.
Một số thông tin về hoạt động đào tạo sau đại học tại ĐHCNHN:
- Đào tạo 03 ngành trình độ Tiến sĩ gồm Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Hóa học và Kế toán.
- Đào tạo 11 ngành trình độ Thạc sĩ gồm: Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Cơ khí Động lực, Kỹ thuật Cơ điện tử, Kỹ thuật Hóa học, Kỹ thuật Điện tử, Kỹ thuật Điện, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ Dệt may
Liên hệ:
Trung tâm Đào tạo Sau đại học, Đại học Công nghiệp Hà Nội
Địa chỉ: Phòng 306, tầng 3, nhà A1
Số 298, đường Cầu Diễn, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.7655.121; Số máy lẻ 7266 hoặc 7249
Website: https://cps.haui.edu.vn.
E-mail: ttdtsdh@haui.edu.vn