Giao lưu trực tuyến "Chọn ngành, chọn trường: Đừng để ’trượt oan’"

Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chọn ngành, chọn trường: Đừng để “trượt oan” diễn ra từ 9h30 đến 10h30 ngày 27/5 trên Báo Giáo dục & Thời đại điện tử.

Giao lưu trực tuyến

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT);

- PGS.TS Phạm Văn Bổng – Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Bộ GD&ĐT cho biết, tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022 có một số điều chỉnh kỹ thuật. Theo đó, Bộ sẽ thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1. Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 trường và nhiều trường nhưng chỉ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa.

Năm nay, thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng. Các em được trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của mình khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Lưu ý: thí sinh chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất.

Những điều chỉnh trên ít nhiều sẽ tác động đến việc chọn ngành, chọn trường của thí sinh. Vì thế các em cần lưu ý để có quyết định lựa chọn đúng và trúng, phù hợp với bản thân, tránh rơi vào tình cảnh “trượt oan”.

Trong chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay, các vị khách mời sẽ tư vấn cho thí sinh, phụ huynh xung quanh những vấn đề nêu trên.

Độc giả có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây hoặc gửi hộp thư email: gdtddientu@gmail.com.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến
- Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển 1 lần sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm ngoái thí sinh đăng ký xét tuyển cùng thi tốt nghiệp, sau khi biết điểm lại được điều chỉnh nguyện vọng nên rất thuận lợi cho thí sinh. Với việc điều chỉnh như năm nay, liệu quyền lợi xét tuyển của thí sinh bị thu hẹp? (minhchau***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT):
Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là, quyền lợi xét tuyển của thí sinh không hề bị thu hẹp. Năm nay, thí sinh có 6 tuần để vừa đăng ký, vừa điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của mình (không giới hạn số lần). Thời gian đăng ký và điều chỉnh từ khi thi xong tốt nghiệp THPT đến khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Như vậy là, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
- Các khoa của trường có áp dụng nhiều công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy hay không? Nếu em muốn theo học hệ cao đẳng ngành Cơ khí của trường thì đăng ký ra sao? (Vũ Thế Vinh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Nhà trường có hệ thống đại học điện tử nên toàn bộ công tác quản lý đều ứng dụng công nghệ thông tin. Còn trong giảng dạy, hầu hết các môn đều được sử dụng công nghệ thông tin. Nếu em muốn theo học hệ cao đẳng của ngành Cơ khí của trường, em có thể tham khảo thông tin và đăng ký trên trang thông tin tuyển sinh của trường. Thời gian nhận đăng ký dự kiến từ 15/6 đến 30/7/2022. Dự kiến các em sẽ nhập học vào cuối tháng 8 nếu đủ điều kiện.
- Tuyển sinh là việc tự chủ của các trường đại học, song với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT sẽ có những giải pháp kiểm tra, giám sát như thế nào để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh? (thuychi***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Bộ có nhiều giải pháp để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Các trường được tự chủ nhưng vẫn phải trong khuôn khổ, có Quy chế tuyển sinh nên các trường buộc phải tuân thủ. Lịch tuyển sinh được công khai, các trường cũng phải công khai đề án tuyển sinh trường.

Để đảm bảo công bằng nên Bộ dự kiến lọc ảo chung tất cả các phương thức tuyển sinh đợt 1. Kết quả thí sinh đăng ký đều đưa vào phần mềm xét tuyển chung của Bộ.
Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm, đồng thời công khai các trường sai phạm và kết quả xử lý.
- Nếu là nữ thì có thể theo học ngành Công nghệ ô tô tại trường được không? Những lợi thế và điểm yếu nếu em muốn học ngành này là gì ạ? (Nguyễn Hồng Nhung, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Các khoa/ngành của trường đều vẫn có nữ sinh theo học. Với ngành Công nghệ ô tô thì vẫn có nữ sinh theo học nhưng ít. Khi học, nữ sinh có hạn chế về mặt sức khỏe không bằng nam sinh viên. Tuy nhiên, lợi thế ở chỗ ít nữ nên sẽ được giảng viên quan tâm hơn. Các em sau này ra trường có thể làm kỹ thuật ở các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, bảo hành, sửa chữa ô tô và cho thu nhập tương đối tốt phù hợp với năng lực.
- Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp mã định danh cho thí sinh khi đăng ký thi, xét tuyển đại học. Đây là điểm khá mới, vậy cụ thể như thế nào? (ngochau***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Mỗi thí sinh sẽ được cấp tài khoản, mã định danh (chính là căn cước công dân). Mã định danh này đã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Khi đăng ký xét tuyển, những thông tin cá nhân sẽ được hiển thị (nếu thiếu sẽ được bổ sung) nên thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm. Nếu gặp khó khăn, các em sẽ được nhà trường tư vấn, trợ giúp.
- Thưa các thầy cô, em muốn đăng ký vào khoa Cơ khí của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thì chương trình đào tạo sẽ như thế nào, kéo dài trong bao lâu, cơ hội để sinh viên được đi thực tập và ra nghề có lâu không? (Trần Văn Nam ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Giao lưu trực tuyến
Ngành Cơ khí có 2 chương trình đào tạo gồm: Đào tạo hệ cử nhân đại học (học 4 năm) và đào tạo hệ chuyên sâu (học 5 năm cấp bằng kỹ sư). Trong quá trình học, các em sẽ được thực hành thực nghiệm tại xưởng của trường và các phòng thí nghiệm. Ở học kỳ cuối, sinh viên sẽ được thực tập tại doanh nghiệp liên kết với nhà trường trong khoảng thời gian 2 tháng.
- Năm nay có tới 20 phương thức xét tuyển khiến thí sinh và phụ huynh bối rối. Vậy thầy có tư vấn gì cho thí sinh, để các em không bị “trượt oan” vì nhiều phương thức xét tuyển? (haiminh***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Mỗi trường sẽ có nhiều phương thức xét tuyển nhưng không quá 4 phương thức/ngành. Thí sinh căn cứ vào tiêu chí, điều kiện tuyển sinh mà của trường đưa ra và kết quả/thi học tập của thí sinh để đưa ra lựa chọn phù hợp với nhất với điều kiện của mình cũng như yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Lưu ý: Trong các phương thức thì thí sinh lựa chọn phương thức có lợi nhất cho mình (lựa chọn theo thế mạnh của mình) hoặc có thể lựa chọn nhiều phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển cho mình.
- Thưa thầy, năm nay em có nguyện vọng thi vào Khoa Kế toán – Kiểm toán của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, vậy cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành này có cao không? Mức thu nhập khởi điểm là bao nhiêu ạ? Chương trình đào tạo của trường có gì khác so với các trường thuộc khối kinh tế? (Nguyễn Tuấn Hưng, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm ngành Kế toán - Kiểm toán của trường những năm gần đây khoảng 95%. Mức thu nhập dao động trên 10 triệu đồng/tháng. Chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn CDIO của Mỹ. Chương trình đào tạo được công bố trên website của trường, thí sinh có thể truy cập để tìm hiểu thêm.
- Khi chọn ngành, chọn trường, nhiều thí sinh bị ảnh hưởng bởi gia đình, bạn bè, người thân. Vậy thầy có lưu ý gì để các em học sinh có thể tự định hướng vào trường phù hợp cho mình?(tranhung***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Về phía gia đình, bạn bè, người thân, nhất là những người có kinh nghiệm là rất cần thiết. Bản thân thí sinh cũng phải biết năng lực, sở trường của mình như thế nào… Ngoài ra, các em phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định lựa chọn cho mình. Tuy nhiên, quan trọng là chọn ngành phù hợp với mình nhất. Lưu ý, ngành mình thích nhất chưa chắc đã phù hợp với mình nên thí sinh cần cân nhắc giữa hai yếu tố: thích nhất và phù hợp nhất khi lựa chọn ngành học, trường học.
-Thưa thầy, em là học sinh miền núi, gia đình em khó khăn, em muốn hỏi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có chính sách gì hỗ trợ cho học sinh miền núi và khi học có được ưu tiên gì không ạ? (Em Văn Chiến ở TX.Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái)

Giao lưu trực tuyến
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Nhà nước đã ban hành chế độ chính sách với sinh viên thuộc một số đối tượng được thể hiện trong Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Theo đó, đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình thuộc hộ nghèo/cận nghèo; thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì sẽ được hỗ trợ miễn 100% học phí theo mức trần của nhà nước. Nếu các em vượt khó học tốt thì sẽ có cơ hội nhận được học bổng của trường. Các em có thể tìm hiểu thêm thông tin trên cổng thông tin điện tử của nhà trường về chính sách hỗ trợ với sinh viên sau khi theo học.
-Với học sinh vùng thuận lợi, việc đăng ký thi và xét tuyển đại học bằng phương thức trực tuyến không có gì khó khăn. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, thí sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ gặp khó khăn. Vậy Bộ có giải pháp gì để bảo đảm công bằng cho thí sinh ở các vùng miền trên cả nước, bảo đảm quyền lợi cho các em? (hathao***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Năm 2021, mặc dù thí sinh được lựa chọn 1 trong 2 phương thức đăng ký xét tuyển bằng phiếu hoặc trực tuyến, nhưng toàn hệ thống đã có khoảng 50% thí sinh đăng ký trực tuyến; trong đó các tỉnh miền núi như: Cao Bằng, Lào Cai, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông… tỷ lệ thí sinh đăng ký trực tuyến đều trên 70%.
Do đó, năm nay việc đăng ký trực tuyến sẽ không có gì khó khăn. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt mà thí sinh không đăng ký trực tuyến được thì các trường THPT sẽ hỗ trợ thí sinh để thực hiện việc đăng ký xét tuyển vào đại học.
-Thưa thầy, em được biết năm nay Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có phương thức xét tuyển kết quả học tập bậc THPT, em dự định đăng ký vào ngành Công nghệ đa phương tiện. Thầy cho em hỏi về điều kiện đăng ký xét tuyển và cách tính điểm xét tuyển của phương thức này như thế nào ạ?(em Tuấn Hưng ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)

Giao lưu trực tuyến TS. Phạm Như Nghệ (bên phải) trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ trong buổi giao lưu trực tuyến

Thứ nhất, điều kiện đăng ký xét tuyển là tất cả điểm tổng kết các môn học trong tổ hợp xét tuyển ở tất cả các học kỳ phải lớn hơn hoặc bằng 7,5. Với thí sinh tốt nghiệp năm 2021 trở về trước tính điểm theo 6 học kỳ, các thí sinh tốt nghiệp năm 2022 chỉ tính 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 của năm lớp 12). Ví dụ, 5 học kỳ có 5 đầu điểm ở 3 môn Toán, Vật lý và Hóa học. Điểm xét tuyển sẽ là tổng điểm trung bình của các môn trong tổ hợp và cộng điểm ưu tiên (nếu có).
-Ông có nhận định gì về xu hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh tham gia tuyển sinh đại học cao đẳng trong những năm gần đây? Những ngành nào đang thu hút thí sinh? Và những ngành nào có xu hướng giảm dần? (maihoa***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như thế giới đang có xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Do đó, việc chọn ngành, chọn trường của thí sinh cũng bị ảnh hưởng.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên những ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đang cần nhiều nguồn nhân lực. Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan thực hiện các giải pháp để phát triển quy mô đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực du lịch và CNTT, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực.
Các ngành thuộc nhóm sư phạm, Chính phủ đã có Nghị định 116 về hỗ trợ sinh viên sư phạm và sắp xếp việc làm sau khi tốt nghiệp. Các ngành trong khối ASEAN đã thống nhất trao đổi về nhân lực, các ngành trong khối công nghệ kỹ thuật cũng đang cần nguồn nhân lực…
Thí sinh cần tìm hiểu thông tin về quy hoạch sử dụng nhân lực của các địa phương và các bộ ngành theo quy định của Chính phủ để tham khảo, lựa chọn. Ngoài ra một số ngành nghề có nhu cầu xuất khẩu lao động lớn, ví dụ: ngành điều dưỡng…
Đó là những ngành mà thí sinh có xu hướng lựa chọn nhiều hơn trong những năm gần đây.
-Thưa Thầy, em được biết Trường ĐHCN Hà Nội năm nay xét tuyển học sinh có chứng chỉ IELTS. Em đã có chứng chỉ IELTS đạt 6.0; Trung bình cộng điểm tổng kết 3 môn tổ hợp A00 đạt 8.5 và điểm tổng kết của các môn tổ hợp A00 từng học kỳ lớp 10, lớp 11 và lớp 12 đều lớn 7.5. Thầy cho em hỏi liệu em có cơ hội trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin không ạ? (bạn Quang Huy ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Nếu theo kết quả học tập như em cho biết, em có đủ điều kiện để đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin. Còn việc trúng tuyển hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành đó, kết quả học tập của các thí sinh khác. Cho nên chưa thể khẳng định em có thể trúng tuyển hay chưa. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội không giới hạn các nguyện vọng, cùng kết quả nhưng các em có thể đăng ký nhiều ngành trong nhóm ngành về công nghệ thông tin. Do ngành này cũng có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nên thí sinh có thể lựa chọn phương thức phù hợp.
- Em vẫn băn khoăn về việc lựa chọn ngành học, trường học. Thầy cho em hỏi, có công cụ nào giúp em giải mã những băn khoăn này không? (thuylinh***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Rất khó để có công cụ cho việc lựa chọn ngành học, trường học. Nhưng thí sinh cần lưu ý: Kết quả học tập so với yêu cầu của trường, rà soát những điểm trúng tuyển của một số năm trước so với kết quả học tập của mình; đặc biệt cần lưu ý các điều kiện, tiêu chuẩn của trường, kể cả tiêu chí phụ.
Tất cả các trường đại học đều công khai đề án tuyển sinh và có bộ phận giải đáp về tuyển sinh, thí sinh có thể tìm hiểu về trường học, ngành học mà mình dự định xét tuyển.
- Khi đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm của ĐH Công nghiệp Hà Nội, nếu đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh có phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT hay không? (thanhhuyen***@gmail.com)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Đây là yêu cầu bắt buộc mà thí sinh phải thực hiện khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Do đó, em phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định để tránh bị trượt oan. Có trường hợp, thí sinh đăng ký xét bằng học bạ THPT đã được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển, nhưng nếu không đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lọc ảo theo kế hoạch chung thì sẽ không nằm trong danh sách trúng tuyển của nhà trường. Nếu các em đã được thông báo trúng tuyển mà mình xác định sẽ theo học thì nên đăng ký làm nguyện vọng 1.

Giao lưu trực tuyến PGS.TS Phạm Văn Bổng (bên trái) chia sẻ nhiều thông tin về phương thức xét tuyển của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong buổi giao lưu trực tuyến

- Giả sử em đã đủ điều kiện trúng tuyển vào Trường ĐH A. Vậy em có phải đăng ký trên hệ thống của Bộ nguyện vọng đã trúng tuyển không? (khanghuy***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Các trường chỉ được công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT). Thí sinh vẫn phải đăng ký vào hệ thống chung của Bộ tất cả các nguyện vọng xét tuyển (kể cả nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển). Nếu em vẫn quyết tâm lựa chọn Trường ĐH A thì phải chọn nguyện vọng đó ở vị trí ưu tiên nhất (nguyện vọng 1).
- Xin thầy cho biết: Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có dao động nhiều so với năm 2021 hay không? Về các phương thức xét tuyển năm nay có sự thay đổi gì không? Dự kiến chỉ tiêu cho từng phương thức cụ thể ra sao? (viethung***@gmail.com)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 không thay đổi, ở mức hơn 7.000 chỉ tiêu. Về phương thức xét tuyển, ngoài phương thức xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển các thí sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển dựa vào kết thi tốt nghiệp THPT, năm nay trường có thêm một số phương thức mới. Trong đó có phương thức xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT (học bạ); xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội (chỉ áp dụng với thí sinh đăng ký các khối ngành về kinh tế, xã hội và ngôn ngữ); xét dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức (dùng cho khối ngành kỹ thuật - công nghệ).

Ỏ phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế khoảng 3%, tương đương hơn 200 chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT là 10% (khoảng 700 em). Phương thức tuyển sinh theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội khoảng 5%; phương thức dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức khoảng 10%. Còn phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là 72%. Điều này đảm tính ổn định và kế thừa trong công tác xét tuyển như những năm trước để tạo thuận lợi cho thí sinh.
- Năm ngoái vẫn có tình trạng thí sinh đạt gần điểm tuyệt đối nhưng vẫn trượt tất cả các nguyện vọng. Ông có lưu ý gì để tình trạng này không lặp lại trong năm nay?(tranlan***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Theo tôi, thí sinh nên chọn ngành, chọn trường gần với mức điểm của mình và nên chọn nhiều phương án khác nhau (nhiều nguyện vọng xét tuyển). Hiểu một cách đơn giản là, thí sinh biết phải lượng sức mình và không nên “bỏ trứng vào 1 giỏ”. Các trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.
- Bố mẹ muốn em học kinh tế nhưng em muốn học ngành xã hội như: du lịch, ngoại giao hoặc nhà báo. Vậy em phải làm sao? dieulinh***@gmail.com
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Trước hết các em phải tự lựa chọn ngành nghề theo năng lực đam mê của mình. Tuy nhiên, mong muốn của bố mẹ ta không nói là không đúng nhưng phải tìm hiểu xem xuất phát từ lý do gì. Bố mẹ phải phân tích rõ ràng để mình hiểu thêm về suy nghĩ của người lớn. Em phải có sự trao đổi thẳng thắn với bố mẹ để tìm được tiếng nói chung chứ không áp đặt.
Bất cứ ngành nghề nào cũng có những đặc thù khác nhau. Ví dụ, nếu theo ngành xã hội như Báo chí, Ngoại giao, Du lịch... thì đòi hỏi tính năng động, hoạt bát, sáng tạo và khả năng tư duy của thí sinh. Nếu các em hội tụ đầy đủ các tố chất trên thì nên lựa chọn đi theo ngành đó và ngược lại. Có một số ngành nghề mang tính liên ngành như Quan hệ công chúng, vừa liên hệ giữa yếu tố xã hội và đòi hỏi tư duy logic nhạy bén, thí sinh cũng cần có sự lựa chọn.

Theo thầy, trong quá trình chọn ngành, thí sinh cần ưu tiên yếu tố gì? (phuongthao***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Thí sinh cần xem thích ngành nào và lý do thích ngành đó, phù hợp với năng lực, sở trường của mình và điều kiện thực tế của bản thân, gia đình. Thí sinh nên tìm hiểu về thị trường lao động của địa phương và trên cả nước, thậm chí là thị trường lao động quốc tế.
- Hiện nay có rất nhiều ngành nghề để lựa chọn, em có nên chọn nghề mà mình yêu thích hay các nghề đang “hot”, có thu nhập cao hay không thưa thầy? (chuminh***@gmail.com)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Ngành nghề các em lựa chọn ai cũng mong muốn sau khi học xong có thu nhập càng cao càng tốt. Tuy nhiên, nghề mình chọn là theo mình suốt cuộc đời, theo lĩnh vực mình đam mê mới bền.
Giả sử, hiện tại nhiều ngành nghề rất "hot" cho thu nhập cao, nhưng sau một vài năm nữa liệu có còn giữ vị trí thượng phong trong lựa chọn nghề của thí sinh hay không và ngược lại? Ví dụ, cách đây 10 năm ngành Công nghệ thông tin chưa nổi bật nhưng hiện nay thì đang rất thu hút nhiều thí sinh đăng ký.
Ở Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có hơn 40 ngành/nghề đang đào tạo, nếu học tốt sinh viên đều có cơ hội việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp rất tốt theo năng lực của mình. Hàng năm, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt trên 90%. Số liệu khảo sát trong năm 2021, tỷ lệ này là 92%, có ngành trên 98%.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có hơn 40 ngành/nghề đang đào tạo
Em tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có dự định dùng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Vậy em có được sử dụng kết quả này để xét tuyển đồng thời vào một số trường đại học khác hay không? (nguyennguye***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Về nguyên tắc thì được, nhưng còn phụ thuộc vào cơ sở giáo dục đại học có dùng phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giă năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hay không. Vi thế, bạn cần tìm hiểu phương thức, điều kiện tuyển sinh của trường mà dự định đăng ký xét tuyển.

Giao lưu trực tuyến

- Xin thầy cho biết, những sai lầm thường gặp khi học sinh chọn ngành, chọn nghề là gì và cách khắc phục ra sao? (vuvantien***@gmail.com)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Trong quá trình học tại trường, vẫn có một số em cảm thấy chán ngành mình đang học. Sai lầm ở khâu chọn ngành theo số đông, ngành "hot" hoặc theo áp đặt của gia đình (bố mẹ chọn cho dù mình không thích).
Bản thân một số em chưa tìm hiểu kỹ về ngành học, trong trường còn rất nhiều nghề mình thích mà lựa chọn một cách vội vàng. Lúc trước cũng chưa nghĩ hết về ngành nghề mình chọn, vào rồi mới hỏi các anh chị khóa trên mới thấy mình không hợp. Do đó, các em cần tìm hiểu rất kỹ về ngành nghề mình định chọn, tìm hiểu kỹ về ngành chứ không phải chỉ nghe tên "kêu" là chọn. Nghề đó học thế nào, cơ hội việc làm ra sao, đầu ra có cao không, vị trí việc làm sau khi ra trường... đều cần tìm hiểu một cách thấu đáo.
- Năm nay, các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Việc này có công bằng cho thí sinh và đảm bảo chất lượng nguồn tuyển? (minhtrang***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Nhiều năm nay, các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh. Bộ quy định, các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh trong cùng 1 ngành thì phải giải thích được điều đó và giải thích chỉ tiêu cho từng phương thức, công khai điểm thi cho từng phương thức.
Năm 2021 về trước, dù nhiều phương thức nhưng khoảng 55% thí sinh trúng tuyển vào đại học căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT, khoảng 35% trúng tuyển bằng học bạ. Các phương thức còn lại khoảng dưới 10%.
Việc sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau mang lại nhiều quyền lợi cho thí sinh và không lo lắng về chất lượng nguồn tuyển, vì các trường phải có trách nhiệm giải trình với xã hội.
-Thưa thầy, em có lực học chỉ ở mức trung bình khá thì nên chọn trường như thế nào cho phù hợp ạ?(nguyenlong***@gmail.com)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Giao lưu trực tuyến

Chương trình đào tạo dù cùng ngành nhưng mỗi trường sẽ có những đòi hỏi khác nhau. Thí sinh học lực ở mức trung bình khá thì nên chọn trường đòi hỏi điều kiện đầu vào không quá cao. các em có thể thông qua các cựu sinh viên của các trường đó để tư vấn cho mình một cách cụ thể nhất chứ không phải theo cảm tính.
Ví dụ, ngành Cơ khí của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, thí sinh có học lực trung bình khá thì phải cố gắng nhiều mới theo học được. Đối những em có năng lực học nhưng điều kiện gia đình không cho phép, các em có thể học hệ cao đẳng trong 2,5 năm để tốt nghiệp ra đi làm. Sau khi học xong có thể học liên thông lên bậc học cao hơn hoặc đi làm luôn.
- Bộ GD&ĐT vẫn thông tin là tuyển sinh năm nay giữ ổn định như năm trước. Tuy nhiên, em có tham gia một số chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, nghe các thầy cô giới thiệu khá nhiều thay đổi trong mùa tuyển sinh năm nay. Mong được thầy giải thích? (truonghan***@gmail.com)
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)
Trước tiên phải khẳng định công tác tuyển sinh được giữ ổn định như năm trước. Cụ thể, có các phương thức tuyển sinh: thi tuyển, xét tuyển, kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển để tuyển sinh.
Ngoài ra, các trường được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh của trường. Các trường vẫn được tuyển nhiều đợt trong năm. Thí sinh không hạn hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Có một số thay đổi về mặt kỹ thuật mà những thay đổi này hướng tới mục đích tạo thuận lợi hơn cho các trường và thí sinh, đảm bảo công bằng khách quan. Theo đó, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến nhằm hạn chế những sai sót không đáng có. Các em chủ động điều chỉnh nguyện vọng trong quá trình đăng ký và có thể đăng ký mọi lúc, mọi nơi.
Năm nay, thí sinh thi tốt nghiệp THPT xong mới đăng ký và đăng ký 1 đợt (dự kiến có khoảng 6 tuần để thí sinh được đăng ký xét tuyển). Thời gian này các em có thể thay đổi nguyện vọng của mình.
Tất cả các nguyện vọng xét tuyển đợt 1 đều phải đăng ký vào cổng thông tin của Bộ GD&ĐT để hệ thống của Bộ hỗ trợ các trường sắp xếp các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển của thí sinh để các em được trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất theo mong muốn.
Lưu ý: Thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất.

- Khi chọn trường, chọn nghề thì nên ưu tiên các tiêu chí nào, thưa thầy? (tranhung***@gmail.com)
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Các thí sinh nên chọn nghề trước. Tiêu chí ưu tiên là phải chọn đúng ngành theo đam mê và phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Sau khi chọn được nghề thì mới chọn trường, ngành mình chọn có những trường nào đang đào tạo, và dựa theo uy tín của trường và năng lực theo học của thí sinh. Về vấn đề học phí, đa số các trường đại học công lập chênh lệch nhau không nhiều nhưng cũng là điểm thí sinh cần chú ý.