Sinh viên HaUI sáng tạo hệ thống hỗ trợ người khuyết tật viết chữ
Lần đầu tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường, nhóm sinh viên năm thứ hai Trường Điện – Điện tử, thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) đã xuất sắc giành giải Nhì với đề tài "Ứng dụng động cơ bước trong xây dựng hệ thống hỗ trợ người khuyết tật viết chữ". Một sản phẩm không chỉ mang giá trị công nghệ mà còn thấm đẫm tính nhân văn, được viết nên từ đam mê, nỗ lực và khát vọng sẻ chia của tuổi trẻ HaUI.
Nhóm ba sinh viên Nguyễn Văn Tình (Chủ nhiệm đề tài), Nguyễn Quang Hùng và Trần Mạnh Hiếu (Từ phải qua trái)
Lấy ý tưởng từ thực tế những người khuyết tật gặp khó khăn khi viết chữ, nhóm sinh viên gồm Nguyễn Văn Tình (Chủ nhiệm đề tài), Nguyễn Quang Hùng và Trần Mạnh Hiếu đã cùng nhau nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống hỗ trợ viết chữ tự động, tích hợp nhận diện giọng nói, sử dụng động cơ bước - một giải pháp đơn giản, chi phí thấp nhưng hiệu quả thiết thực.
Đề tài được triển khai từ tháng 01/2024 đến tháng 5/2025, dưới sự hướng dẫn tâm huyết của TS. Phạm Văn Hùng và ThS. Mai Thế Thắng. Đây là lần đầu tiên nhóm chính thức tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường, song nền tảng kỹ thuật của các thành viên đã được bồi đắp từ những hoạt động chế tạo, sáng tạo như: giải Nhất Hội thao “Tên lửa nước” tại Hà Nam và giải Nhất “Robot mini khoa Điện” năm 2024.
Nguyễn Văn Tình ( Chủ nhiệm đề tài) đại diện nhóm nghiên cứu nhận Giấy khen đề tài đạt Giải Nhì, tại Hội nghị Tổng kết và trao giải Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ XVI
Từ ý tưởng giản dị đến hành trình sáng tạo vì cộng đồng
Là những sinh viên năm thứ hai lần đầu chạm ngõ nghiên cứu chuyên sâu, các bạn không tránh khỏi bỡ ngỡ. Từ việc thiết kế cơ khí, lập trình điều khiển đến tích hợp hệ thống nhận diện giọng nói, từng khâu đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và kiên trì. Những ngày đầu, cả nhóm không ít lần phải “đau đầu” với các mạch điện rối ren, hệ thống hoạt động chưa ổn định, lỗi kỹ thuật liên tiếp xảy ra.
“Khó khăn lớn nhất là sự hạn chế về kinh nghiệm thực tế và kiến thức chuyên ngành. Có những thời điểm chúng em tưởng chừng muốn bỏ cuộc, nhưng chính sự đồng lòng, tinh thần học hỏi không ngừng và đặc biệt là sự hướng dẫn tận tâm từ các thầy đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng em” - bạn Nguyễn Văn Tình chia sẻ.
Các thành viên nhóm nghiên cứu trao đổi, thử nghiệm để hoàn thiện đề tài vì cộng đồng.
Với sự đồng hành của TS. Phạm Văn Hùng và ThS. Mai Thế Thắng, các bạn đã từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện sản phẩm. Hệ thống máy viết chữ được thiết kế gồm hai phần chính: phần điện - điện tử (sử dụng Arduino IDE, Python, Benbox điều khiển cùng mạch bảo vệ an toàn) và phần cơ khí với khung sắt HGR gọn nhẹ, động cơ bước 57BYG250H-8, servo SG90.
Sản phẩm đạt độ chính xác lên đến 99,5% trên trục X, Y; nhận diện giọng nói chính xác 92% trong môi trường yên tĩnh. Hệ thống có thể viết trọn vẹn các ký tự A-Z, số 0-9 và những câu mẫu đơn giản, mang lại trải nghiệm dễ dàng cho người khuyết tật.
Những ký ức không quên và bài học tuổi trẻ
Nhắc lại hành trình thực hiện đề tài, kỷ niệm đáng nhớ nhất với nhóm chính là khoảnh khắc chiếc bút máy đầu tiên hoàn thiện nét chữ trên mô hình.
“Sau hàng loạt thất bại, những đêm dài lập trình, thử nghiệm, cuối cùng nét chữ đầu tiên hiện ra. Trong căn phòng trọ nhỏ, chúng em như vỡ òa cảm xúc. Đó không chỉ là sản phẩm kỹ thuật mà là kết tinh của biết bao nỗ lực, mồ hôi và niềm tin chưa từng tắt” - bạn Trần Mạnh Hiếu xúc động kể lại.
Bên cạnh những giờ làm việc căng thẳng, cả nhóm còn cùng nhau chia sẻ bữa ăn vội, những câu chuyện đời thường giản dị, hay đơn giản là cùng cười vang bên mô hình còn dang dở. Chính tinh thần gắn kết, sự sẻ chia đã giúp các bạn vượt qua áp lực, kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Sản phẩm ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị do nhóm sinh viên phát triển được đánh giá cao nhờ tính thiết thực và khả năng ứng dụng vào đời sống.
Dù còn những hạn chế nhất định về tốc độ viết, khả năng nhận diện giọng nói trong môi trường nhiễu hay thiết kế máy chưa tối ưu hoàn toàn, nhưng thành quả bước đầu của nhóm đã chứng minh giá trị thực tiễn, nhân văn của đề tài. Đây không chỉ là giải Nhất cho một cuộc thi, mà còn là bước đệm để các bạn trẻ tự tin bước tiếp trên hành trình nghiên cứu khoa học.
“Nghiên cứu khoa học giúp chúng em nhận ra rằng tri thức không chỉ nằm trên trang sách, mà hiện hữu qua từng con ốc vít, từng dòng điện, từng sản phẩm hữu ích. Khi đất nước đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mỗi sinh viên cũng cần chủ động góp phần trí tuệ, sức trẻ vào sự phát triển ấy” - bạn Nguyễn Quang Hùng chia sẻ.
Tinh thần sinh viên HaUI: Đổi mới, sáng tạo vì cộng đồng
Với đề tài đầy tính nhân văn và ứng dụng thực tiễn, nhóm sinh viên Trường Điện - Điện tử đã khẳng định bản lĩnh của sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội: luôn sẵn sàng đổi mới, dấn thân và cống hiến vì cộng đồng. Hãy dám thử sức. Đừng ngại bỡ ngỡ, đừng sợ thất bại. Chính những mô hình nhỏ có thể là khởi nguồn cho những sáng kiến lớn, góp phần lan tỏa giá trị vì cộng đồng.
Thành công của các bạn là minh chứng cho tinh thần tuổi trẻ HaUI - nơi tri thức, đam mê và trái tim đồng hành cùng nhau, tạo nên những giá trị thiết thực cho cuộc sống. Chúc cho các bạn sinh viên mãi giữ vững ngọn lửa đam mê khám phá tri thức, nghiên cứu khoa học để hoàn thiện bản thân và vững vàng chinh phục mọi ước mơ.